Về lô trái phiếu mệnh giá 1.250 tỷ đồng của Tổng công ty Sông Đà

VietTimes – Lô trái phiếu mệnh giá 1.250 tỷ đồng của Tổng công ty Sông Đà do 3 trái chủ nắm giữ, là BIDV, LienVietPostBank và TPBank. Lô trái phiếu này được đảm bảo bằng cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp “họ” Sông Đà, như SD5, SD6, SD9, SDT, SJS, SJD, SD2, SD3, SJE, SD4, SIC, SEB.
Về lô trái phiếu mệnh giá 1.250 tỷ đồng của Tổng công ty Sông Đà. (Ảnh: Internet)
Về lô trái phiếu mệnh giá 1.250 tỷ đồng của Tổng công ty Sông Đà. (Ảnh: Internet)

Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được công bố của Tổng công ty Sông Đà cho thấy, tính đến cuối năm 2016, tổng vay dài hạn của tổng công ty này là 10.416 tỷ đồng – giảm 12% so với đầu năm (11.809 tỷ đồng).

Trong đó, vay ngân hàng là 9.046 tỷ đồng; Vay Bộ Tài chính là 130 tỷ đồng; Trái phiếu phát hành là 1.239 tỷ đồng.

Về khoản vay dài hạn thông qua việc phát hành trái phiếu, theo tìm hiểu, lô trái phiếu này có mệnh giá là 1.250 tỷ đồng; Sau khi trừ đi chi phí phát hành là 11 tỷ đồng, tại thời điểm cuối năm 2016, giá trị trái phiếu phát hành ở Tổng Công ty Sông Đà còn là 1.239 tỷ đồng.

Được biết, trái chủ của 1.250 tỷ đồng trái phiếu nêu trên là 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (850 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank (100 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank (300 tỷ đồng).

Theo Tổng công ty Sông Đà, đây là các trái phiếu thường được phát hành cho 03 ngân hàng để tái cơ cấu các khoản nợ.

Kỳ hạn của trái phiếu là 3 năm tính từ ngày 27/04/2015. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên của trái phiếu là 11%/năm, lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo của trái phiếu được xác định tại ngày làm việc thứ 7 trước ngày đầu tiên của mỗi kỳ tính lãi, bằng bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của 04 Ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Sở Giao dịch; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Sở Giao dịch I, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Sở Giao dịch) cộng thêm 4%.

Trái phiếu có tài sản đảm bảo là các cổ phiếu mà Tổng công ty Sông Đà nắm giữ tại hàng loạt các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty này, gồm: SD5, SD6, SD9, SDT, SJS, SJD, SD2, SD3, SJE, SD4, SIC, SEB.

Được biết, trước khi phát hành 1.250 tỷ đồng trái phiếu cho 3 trái chủ - là BIDV, LienVietPostBank và TPBank, Tổng công ty Sông Đà đã tất toán lô trái phiếu phát hành cho một tổ chức tín dụng khác – là Công ty Tài chính Sông Đà. Đáng nói là lô trái phiếu phát hành cho Công ty Tài chính Sông Đà cũng là trái phiếu thường, có tài sản đảm bảo, với tổng mệnh giá là 1.250 tỷ đồng, lãi suất thả nổi, kỳ hạn 05 năm.

Vậy có khi nào, lô trái phiếu phát hành cho Công ty tài chính Sông Đà, sau khi đáo hạn, đã được đổi chủ sang BIDV, LienVietPostBank và TPBank? Hay có khi nào, lô trái phiếu mệnh giá 1.250 tỷ đồng mà Công ty tài chính Sông Đà từng nắm giữ tại Tổng công ty Sông Đà, thực chất chỉ là một thương vụ nhận ủy thác đầu tư?

Nhắc lại rằng, theo như thuyết minh của chính Tổng công ty Sông Đà thì lô trái phiếu mệnh giá 1.250 tỷ đổng đã phát hành cho 3 ngân hàng BIDV, LienVietPostBank và TPBank, có mục đích là “để tái cơ cấu các khoản nợ”.

Khá khó hiểu khi đối chiếu với báo cáo tài chính bán niên 2015 sau soát xét của Công ty Tài chính Cổ phần Đông Đà (SDFC), không thấy SDFC ghi nhận khoản đầu tư trái phiếu nào của Tổng công ty Sông Đà, với giá trị 1.250 đồng theo mệnh giá.

Về lô trái phiếu mệnh giá 1.250 tỷ đồng của Tổng công ty Sông Đà ảnh 1 Trích Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Tcty Sông Đà

Mặc dù Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Tổng công ty Sông Đà ghi nhận rằng, tại thời điểm đầu năm 2015, Tổng công ty này đang có lô trái phiếu thường, có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1.250 tỷ đồng phát hành cho Công ty Cổ phần tài chính Sông Đà để bổ sung vốn kinh doanh. Nhưng báo cáo tài chính bán niên 2015 sau soát xét của SDFC lại không thấy thuyết minh về khoản đầu tư tương ứng; Hơn nữa, tổng tài sản của SDFC tại đầu năm 2015 chỉ được ghi nhận là 1.328 tỷ đồng, trong đó hạng mục tài sản lớn nhất chỉ đạt chưa đến 800 tỷ đồng (Các khoản phải thu 749 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, phiên IPO lịch sử của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà sẽ diễn ra vào 9h00 ngày 25/12/2017 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Tại phiên đấu giá này, Bộ Xây dựng sẽ đem ra đấu giá công khai 219.678.000 cổ phần của Tổng công ty Sông Đà. Đây thực sự là một phiên đấu giá quy mô lớn và lại là ngay trong lần bán đấu giá đầu tiên ra công chúng (IPO).

So với mức vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 4.500 tỷ đồng thì số cổ phần được đem ra đấu giá đã chiếm tới 49%. Có nghĩa rằng, nhà đầu tư nào đủ tham vọng và thực lực sẽ có cơ hội sở hữu một nửa cơ ngơi của doanh nghiệp từng tạo nên Công trình thủy điện Hòa Bình huyền thoại.

Với mức giá khởi điểm được ấn định là 11.000 đồng/cổ phần, nếu thành công, phiên đấu giá dự kiến sẽ đem về cho tổng công ty này tối thiểu 2.416 tỷ đồng và giúp ngân sách nhà nước thu về một khoản thặng dư đáng kể.

Theo điều kiện tham dự đấu giá đã công bố, phiên đấu giá sẽ “rộng cửa” với tất cả các nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định./.