Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc bị đột kích, cựu Bộ trưởng Quốc phòng cố gắng tự sát trước khi bị bắt

Cảnh sát Hàn Quốc hôm 11/12 cho biết họ đã đột kích văn phòng của Tổng thống Yoon Suk Yeol, khi cuộc điều tra về tuyên bố thiết quân luật của ông đang được đẩy nhanh.
Người biểu tình đeo mặt nạ có hình Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và Choo Kyung-ho khi tập trung trước Quốc hội để yêu cầu luận tội ông Yoon. Ảnh: Reuters.

“Đội điều tra đặc biệt đã tiến hành đột kích vào văn phòng Tổng thống, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Cơ quan cảnh sát thủ đô Seoul và Cơ quan an ninh Quốc hội”, đơn vị này nêu trong thông báo gửi tới AFP.

Tổng thống Yoon Suk Yeol hiện đã bị cấm xuất cảnh trong khuôn khổ cuộc điều tra tội danh "nổi loạn" nhằm vào các quan chức thân cận của ông, sau khi ông tuyên bố áp đặt thiết quân luật trong đêm 3/12.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun đã chính thức bị bắt vào cuối ngày 10/12 với cáo buộc "tham gia các nhiệm vụ quan trọng trong một cuộc nổi dậy" và "lợi dụng quyền lực để cản trở việc thực thi quyền".

Hôm 11/12, hãng thông tấn Yonhap đưa tin rằng ông Kim đã cố gắng tự sát ngay trước khi bị bắt. Người phát ngôn của Tòa án quận trung tâm Seoul nói với AFP trước đó rằng ông Kim đã bị bắt vì lo ngại bằng chứng có thể bị tiêu hủy.

Ông Kim nói thông qua luật sư của mình rằng "mọi trách nhiệm trong tình huống này hoàn toàn thuộc về tôi" và cấp dưới "chỉ đơn thuần tuân theo mệnh lệnh của tôi và hoàn thành nhiệm vụ được giao".

Ông Kim, người bị bắt hôm 8/12, đã bị áp lệnh cấm xuất cảnh cùng với cựu Bộ trưởng Nội vụ và tướng lĩnh phụ trách chiến dịch thiết quân luật.

Cảnh sát cho biết Cho Ji-ho, tổng ủy viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc và Kim Bong-sik, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul, cũng bị bắt vào sáng sớm hôm 11/12.

Yonhap cho biết ông Cho đã bị bắt với cáo buộc nổi dậy. Ông bị buộc tội điều động cảnh sát để ngăn chặn các nhà lập pháp vào Quốc hội sau khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3/12.

Đảng Dân chủ đối lập hôm 11/12 cho biết họ có kế hoạch tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để luận tội ông Yoon vào cuối tuần này, trong đó một số thành viên trong đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của Tổng thống đã lên tiếng ủng hộ động thái như vậy.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myung phát biểu khi bắt đầu cuộc họp đảng: “Chuyến tàu luận tội đã rời sân ga. Sẽ không có cách nào ngăn chặn được nó”.

Cuộc bỏ phiếu luận tội đầu tiên vào hôm 7/12 tuần trước đã thất bại khi hầu hết các thành viên của PPP tẩy chay phiên họp.

Tuyên bố thiết quân luật bất ngờ của ông Yoon đã khiến cả Hàn Quốc choáng váng và đẩy nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và là đồng minh lớn của Mỹ vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo, gây ra làn sóng chấn động trên các mặt trận ngoại giao và kinh tế.

Đối tượng điều tra hình sự

Ngay sau tuyên bố bất ngờ vào đêm khuya của ông Yoon, các nhà lập pháp bao gồm một số thành viên trong đảng của ông đã bất chấp hàng rào an ninh xung quanh Quốc hội và bỏ phiếu yêu cầu Tổng thống ngay lập tức hủy bỏ thiết quân luật, điều mà ông đã làm vài giờ sau đó.

Bản thân ông Yoon hiện là đối tượng bị điều tra hình sự về tội nổi loạn nhưng chưa bị cơ quan chức năng bắt giữ hay thẩm vấn.

Ông đã xin lỗi nhưng không đáp lại những lời kêu gọi ngày càng tăng yêu cầu ông từ chức, ngay cả từ một số thành viên trong chính đảng của ông.

Sau khi xuất hiện trên truyền hình trực tiếp vào hôm 7/12 để xin lỗi, ông Yoon vẫn chưa xuất hiện trước công chúng. Lãnh đạo PPP Han Dong-hoon cho biết Thủ tướng Han Duck-soo sẽ quản lý các công việc nhà nước trong khi đảng tìm cách để tổng thống từ chức một cách “có trật tự”.

Văn phòng của ông Yoon hôm 10/12 cho biết họ “không có quan điểm chính thức” khi được hỏi ai đang điều hành đất nước.

Kwak Jong-geun, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt của Quân đội, nói với ủy ban Quốc hội hôm 10/12 rằng ông Yoon đã ra lệnh cho ông gửi quân đến Quốc hội vào ngày 3/12, "phá cửa" và "lôi" các nhà lập pháp ra ngoài.

Ông Kim, Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ của Yoon, cũng bị các sĩ quan quân đội cáo buộc đã ban hành lệnh tương tự.