Ván cờ siêu cường: Trung Quốc hết "giấu mình", mưu lật đổ thế bá chủ Mỹ

VietTimes -- Lực lượng hạt nhân của Trung Quốc không đủ để thực hiện một đòn đánh phủ đầu mang tính áp đảo hoàn toàn vì thế học thuyết hạt nhân của Trung Quốc là "không thực hiện cú đánh đầu tiên" mà chỉ "ra đòn" khi bị tấn công trước. Còn Mỹ hoàn toàn có khả năng đánh phủ đầu để ngăn ngừa một cuộc chiến thông thường lan rộng, National Interests cho biết.

(Tiếp theo kỳ trước)

Trung Quốc cũng đang cố gắng mở rộng khả năng hoạt động viễn chinh sang những khu vực xa hơn để chứng tỏ khả năng của một siêu cường - đặc biệt là ở châu Phi nơi các công ty Trung Quốc đang giữ ảnh hưởng lớn và có sự phát triển chưa từng thấy. Việc Bắc Kinh không gây trở ngại, không đặt câu hỏi về nhân quyền và vấn đề tham nhũng đã khiến Trung Quốc có quan hệ rất tốt với các chính phủ trên lục địa châu Phi.

Ví dụ, quân đội Trung Quốc đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Mali và đã có vài hoạt động quân sự tại đây. Mới đây, Trung Quốc mở một căn cứ hải quân tại Djibouti chỉ cách căn cứ quân sự lâu đời của Mỹ 11km. Quân đội và hải quân Trung Quốc cũng tập trung huấn luyện lực lượng đặc biệt và thủy quân lực chiến để mở rộng các chiến dịch viễn chinh.

Quân đội Trung Quốc tại châu Phi.
 Quân đội Trung Quốc tại châu Phi.

Dù vậy, quân đội Mỹ vẫn có kinh nghiệm tác chiến hơn đặc biệt là trong việc tác chiến phối hợp hoạt động các đơn vị khác nhau. Ngày nay, quân đội Trung Quốc chỉ mới bắt đầu thực hành học thuyết liên hợp tác chiến trong khi vẫn vướng mắc vào việc cần vượt qua chủ nghĩa hẹp hòi của tầng lớp quân sự vẫn đang giữ thanh thế lớn trong xã hội.

Học thuyết hạt nhân

Mỹ đang giữ số lượng đầu đạn hạt nhân gấp 20 lần Trung Quốc (1.350 so với 45 đầu đạn được triển khai hay 4.000 so với 270 bao gồm cả kho dự trữ - Theo Arms Control Association). Điều này phản ánh vị thế thượng phong của Washington, khiến Mỹ có quyền tấn công phủ đầu lấn át bằng hạt nhân trong một cuộc xung đột, ngay cả khi Mỹ chỉ bị tấn công bằng vũ khí thông thường (Moscow cũng có tư thế như vậy và tuyên bố họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược để "giảm leo thang" cho một cuộc chiến thông thường). Ngược lại, Trung Quốc có học thuyết phòng vệ hạt nhân tuyên bố họ sẽ chỉ sử dụng tới hạt nhân khi bị tấn công trước.

Tên lửa hạt nhân Trung Quốc.
 Tên lửa hạt nhân Trung Quốc.

Nhưng cuối cùng thì học thuyết không ngăn một nước thực hiện cuộc tấn công phủ đầu nếu họ muốn, thực tế việc tấn công và phòng thủ hạt nhân trong chiến tranh liên quan tới các cấu trúc quân đội khác nhau. Mỹ có kho vũ khí hạt nhân lớn trong "bộ ba hạt nhân" - Bao gồm tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo (rất khó bị phát hiện và vô hiệu hóa); máy bay ném bom (hữu dụng để gửi tín hiệu cho đối thủ rằng có thể sẽ có cuộc tấn công hạt nhân hay đánh vào các mục tiêu di động); hầm chứa tên lửa hạt nhân trên mặt đất (ít linh hoạt nhất trong 3 loại nhưng có thể đánh trúng nhiều mục tiêu hơn và ép kẻ thù phải dùng hết nguồn lực để tấn công). Một kho vũ khí như vậy có khả năng sử dụng để tấn công rộng hơn - nó được thiết kế để loại bỏ khả năng trả đũa quân sự của đối thủ và dễ dàng thực hiện phương án tấn công phủ đầu hơn.

Ngược lại, Trung Quốc giữ học thuyết không tấn công trước bởi họ chỉ có tên lửa đạn đạo hạt nhân và một vài quả tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ tàu ngầm - mặc dù có thể có một ngày họ sẽ phát triển bom hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn của Trung Quốc không đủ để thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu "knock-out" mà thay vào đó nó thể hiện chiến lược răn đe có "giá trị ngăn chặn" với việc đe dọa có thể hủy diệt một thành phố lớn của kẻ thù nếu Trung Quốc bị tấn công. Trong nhiều năm gần đây, Bắc Kinh đã trở nên lo lắng vì Mỹ mở rộng khả năng phòng thủ bằng tên lửa đạn đạo - một bước thúc đẩy Trung Quốc mở rộng kho vũ khí của mình.

Khởi đầu tranh chấp trên Thái Bình Dương

Biển là nơi mà Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh công khai nhất. Ngày nay, tàu chiến Mỹ thường hoạt động ở ven biển Trung Quốc nhưng không có hành động ngược lại của Bắc Kinh. Với những cuộc xâm lược hải quân khiến Trung Quốc lụi bại và thua bẽ mặt vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Bắc Kinh đẩy mạnh tầm quan trọng của mục tiêu đẩy hải quân Mỹ ra khỏi vành đai của các căn cứ mà họ gọi là "Vòng phòng thủ chuỗi đảo thứ nhất", và muốn tiến xa hơn tới chuỗi đảo thứ hai hay thứ ba (bao gồm cả Hawaii).

Tàu sân bay Liêu Ninh được Trung Quốc tân trang từ tàu của Liên Xô cũ trong 15 năm.
Tàu sân bay Liêu Ninh được Trung Quốc tân trang từ tàu của Liên Xô cũ trong 15 năm. 

Những vùng biển quốc tế được xác định bằng khoảng cách 12 hải lý cách bờ biển của một đất nước. Nhưng Bắc Kinh đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền trái phép và bất chấp luật pháp quốc tế đối với phần lớn Biển Đông ngay cả những khu vực cách lãnh thổ Trung Quốc hàng trăm hải lý và trực tiếp đe dọa các nước châu Á khác. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp cải tạo và xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo, đồng thời triển khai các căn cứ quân sự trên đó để củng cố những tuyên bố ngang ngược của mình cũng như quấy nhiễu tàu thuyền và máy bay bay qua Biển Đông. Trung Quốc cũng dùng một lực lượng lớn dân quân đủ thể loại bao gồm hàng ngàn tàu cá để thúc đẩy chính sách ngoại giao và kiểm soát của mình.

Về phần mình, Hải quân Mỹ tiếp tục điều những tàu khu trục và tàu tuần tiễu thực hiện tuần tra thực thi tự do Hàng hải FONOP để giữ sự hiện diện trên các vùng biển quốc tế. Quan trọng hơn, Mỹ có mạng lưới các căn cứ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Singapore cũng như trên các đảo Guam hay Hawaii - rất khó hất Mỹ ra khỏi những nơi đó trừ phi liên minh với các nước trên xảy ra xung đột.

Tàu chiến của Mỹ và Pháp cùng thực hiện tuần tra FONOP.
Tàu chiến của Mỹ và Pháp cùng thực hiện tuần tra FONOP. 

Nhưng Trung Quốc đã xây dựng đủ kho tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, máy bay chiến đấu và các vũ khí hải quân đủ để giành ưu thế quân sự trên vùng ven biển nước mình - điều mà họ đã không thể làm trong vài thập kỷ trước. Lực lượng tên lửa thông thường cũng có thể tạo ra mối đe dọa quan trọng với các căn cứ không quân Mỹ và cả những tàu sân bay ở khoảng cách vài trăm hải lý trên biển.

Mặt khác, Trung Quốc cũng bắt đầu đuổi theo với mong muốn bắt kịp hạm đội gồm 11 tàu sân bay năng lượng nguyên tử có một không hai của Mỹ. Mỗi con tàu chuyên chở hàng tá các loại máy bay chiến đấu như Super Hornet, Growler hay thậm chí cả máy bay tàng hình F-35B. Mỗi tàu sân bay được hộ tống bởi một đội tàu chiến trang bị mạng lưới radar liên kết, thiết bị phát hiện tàu ngầm và hệ thống phòng thủ tên lửa. 

Hiện tại, Trung Quốc chỉ có 2 tàu sân bay lỗi thời đang được sử dụng để chuyên chở các máy bay chiến đấu cánh nhỏ J-15. Nhưng Trung Quốc cũng đang có kế hoạch chế tạo hai tàu sân bay lớn hơn với máy phóng máy bay cùng 2 siêu tàu sân bay với hệ thống phóng điện tử mới hơn. Họ cũng đang xây dựng một hạm đội với cả các tàu trên mặt nước nhiều kích cỡ được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa mặc dù học thuyết và các cảm biến để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ.
Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ. 

Hải quân Mỹ và Trung Quốc có những hạm đội tàu ngầm rất khác nhau. Hải quân Mỹ phải hoạt động trong một khoảng cách lớn và phải xây dựng một lực lượng từ 40 tới 50 tàu ngầm chiến đấu cùng với 18 tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo lớp Ohio, hầu như có thể ở dưới mặt nước liên tục vì sử dụng động cơ nguyên tử. Trung Quốc đang có khoảng 1 tá tàu ngầm động cơ nguyên tử nhưng có tới 70 tàu ngầm giá rẻ chạy bằng diesel hay tàu ngầm có loại động cơ không phụ thuộc không khí chạy êm hơn. Dù gây tiếng động lớn hơn tàu ngầm của Nga hay Mỹ, hầu hết các tàu ngầm giá rẻ của Trung Quốc có thể hoạt động rất hiệu quả trong vai trò chống hạm.

National Interest kết luận, Trung Quốc và Mỹ sẽ còn bận tâm với nhau về những cạnh tranh quân sự tiềm tàng trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng nếu các mối quan hệ được xử lý thận trọng, họ sẽ không cần trở thành những đối thủ trong một cuộc chiến. Cả hai nước với những năng lực tương ứng sẽ có một vai trò trong việc họ đưa ảnh hưởng của mình ra toàn cầu thế nào.