Vạch trần những “fake news” chấn động về COVID-19 mà bạn chưa chắc đã biết

VietTimes -- Trong nhiều tuần qua đã xuất hiện hàng loạt thông tin sai lệch liên quan tới COVID-19 và cách điều trị căn bệnh này lan tràn trên mạng xã hội. Hãng thông tấn AP đã tổng hợp các thông tin sai lệch này và đi kèm với những lời giải thích khoa học.
Hàng loạt thông tin giả về COVID-19 xuất hiện trên mạng xã hội trong những tuần qua (Ảnh: AP)
Hàng loạt thông tin giả về COVID-19 xuất hiện trên mạng xã hội trong những tuần qua (Ảnh: AP)

Thông tin sai lệch: Ăn thực phẩm có tính kiềm sẽ khiến virus corona chủng mới…chết đói

Thực tế: Một thông tin đăng tải trên mạng xã hội mới đây cho rằng virus corona chủng mới có độ pH từ 5,5 – 8,5, và để ngăn chặn virus, người ta cần phải ăn những thực phẩm có tính kiềm. Cả 2 luận điểm này đều sai!

Đầu tiên, virus không có độ pH. Thứ hai, độ pH của cơ thể người không thay đổi theo chế độ ăn uống.

“Bản thân virus không có độ pH” – Sarah Stanley, Giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm và vaccine thuộc ĐH California, lý giải. Bà Stanley nói rằng “pH thường được áp dụng cho một dung dịch, trong khi virus thì không”.

Ngoài ra, vị chuyên gia nói rằng thực phẩm không thể làm thay đổi độ pH của máu, tế bào hay các mô. Cơ thể người tự điều hòa độ pH, và nó không phải thứ mà một người muốn là có thể thay đổi.

“Ăn uống lành mạnh và cân bằng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và có thể giúp cho con người tránh bị lây nhiễm. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy ăn thực phẩm kiềm mang lại lợi ích gì đặc biệt” – bà Stanley nói.

Trước đó, một bài viết trên mạng xã hội dẫn nguồn từ Tạp chí “Journal of Virology & Antiviral Research” và đưa thông tin sai lệch rằng: “Báo cáo này cho chúng ta biết rằng độ pH của virus corona chủng mới là từ 5,5 – 8,5. Tất cả chúng ta nếu muốn đánh bại virus corona thì cần phải ăn nhiều thực phẩm có tính kiềm, vốn có độ pH vượt trên độ pH của virus corona”.

Bài viết này còn liệt kê hàng loạt thực phẩm nên ăn để chống virus corona như chanh, dứa…Thế nhưng ngay cả độ pH của các loại thực phẩm này bài viết cũng đưa sai. Ví dụ, bài viết nói độ pH của chanh là 9, trong khi thực tế chỉ là 2.

Giới chuyên gia khẳng định đồ uống có cồn không giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (Ảnh: News Channel 10)
Giới chuyên gia khẳng định đồ uống có cồn không giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (Ảnh: News Channel 10)

Thông tin sai lệch: Đồ uống có cồn ngăn virus corona chủng mới

Thực tế: Một bài viết trên Facebook mới đây có tựa đề “Đến lúc để tẩy trùng từ bên trong cơ thể chúng ta” đăng cùng một biên bản ghi nhớ dường như là khuyến nghị của một bệnh viện ở thành phố Kansas cho rằng uống đồ uống có cồn giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19.

Bên bản ghi nhớ - đã bị chỉnh sửa – của bệnh viện St. Luke có đoạn: “Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, kết quả chúng tôi đưa ra là sử dụng đồ uống có cồn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới. Rượu Vodka được khuyến khích sử dụng để uống, tẩy rửa và khử trùng”.

Saint Luke Health System, một mạng lưới bệnh viện bao gồm cả bệnh viện St. Luke ở Kansas (bang Missouri, Mỹ) sau đó đã ra một tuyên bố chính thức nêu rõ: “Có một số báo cáo sai sự thực cho rằng uống rượu có thể giảm nguy cơ mắc COVID-19. Điều này là sai sự thực. Saint Luke tuân thủ các hướng dẫn của CDC”.

Tiến sĩ Robert Legare Atmar, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH Baylor, nói rằng uống đồ uống có cồn không giúp gì trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như COVID-19. “Từ lâu đã có nhiều người cho rằng cồn là biện pháp ngăn chặn nhiều mầm bệnh, nhưng không hề có bằng chứng chứng minh tiêu thụ cồn có thể giúp ngăn chặn sự lây nhiễm” – ông Atmar nói với AP – “Trên thực tế, tiêu thụ cồn còn có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm”.

Mupirocin là thuốc kháng khuẩn chứ không thể kháng virus nên không thể chống COVID-19 (Ảnh: Albia)
Mupirocin là thuốc kháng khuẩn chứ không thể kháng virus nên không thể chống COVID-19 (Ảnh: Albia)

Thông tin sai lệch: Đặt một mẩu nhỏ thuốc kháng sinh như mupirocin vào trong lỗ mũi. Nó sẽ giúp bạn tiêu diệt mọi mầm bệnh khi thở và tiêu diệt virus corona chủng mới trước khi chúng đến được phổi bạn.

Thực tế: Nhúm thuốc kháng sinh nọ sẽ không thể bảo vệ bạn trước virus corona chủng mới. Các loại kháng sinh như mupirocon chỉ giúp chống lại các loại vi khuẩn như khuẩn tụ cầu (staphylococcus) hay khuẩn liên cầu (streptococcus) chứ không phải COVID, bệnh gây ra bởi virus; theo Tiến sĩ Daniella Kroshinsky, thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho hay.

Tiến sĩ Carrie Kovarik, Giáo sư tại ĐH Pennsylvania, cũng cho biết mupirocin có thể được đặt trong mũi của các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn như tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA). “Nó là loại thuốc kháng khuẩn chứ không phải kháng virus, bởi vậy không có tác dụng chống virus” – bà Kovarik nói.

Thông tin sai lệch: Israel không có ca tử vong do COVID-19 bởi người dân nước này uống nước nóng pha chanh và soda vào buổi tối

Thực tế: Thứ đồ uống này không giúp chữa trị COVID-19, và thực tế là Israel đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới. Tính đến ngày 3/4, Israel ghi nhận hơn 7.030 ca nhiễm và 39 ca tử vong vì COVID-19.

Trước đó, một số bài đăng trên Facebook và ứng dụng nhắn tin WhatsApp đưa ra thông tin sai rằng “hỗn hợp chanh và soda bicacbonat (baking soda) sẽ lập tức giết chết virus corona chủng mới”.

Tiến sĩ Shira Doron, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Tufts, nói với AP rằng không nên tuyên bố rằng có phương thuốc điều trị COVID-19 trừ khi đã trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng. “Tôi không khuyến nghị sử dụng loại thảo dược nào để điều trị COVID-19”, bà nói.

Đeo khẩu trang sao cho phần màu xanh ra ngoài là cách đeo chuẩn (Ảnh: Nikkei)
Đeo khẩu trang sao cho phần màu xanh ra ngoài là cách đeo chuẩn duy nhất (Ảnh: Nikkei)

Thông tin sai lệch: Cách chuẩn để đeo khẩu trang là để phần có màu ra ngoài nếu bạn bị mắc (COVID-19) để tránh phát tán virus và để phần trắng ra ngoài nếu bạn không bị bệnh để tránh virus đi vào.

Thực tế: Giới chức y tế nói rằng phần có màu của khẩu trang (như phần màu xanh của khẩu trang y tế) nên ở bên ngoài, tức tránh tiếp xúc với khuôn mặt, bất kể là bạn có bị bệnh hay là không.

Thông tin sai sự thực nói trên đã lan truyền trên mạng xã hội từ tháng 1 năm nay, nhưng mới đây nhận được nhiều sự chú ý bởi Mỹ  bắt đầu khuyến nghị người dân đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm virus corona.

Tiến sĩ Seto Wing Hong, đồng Giám đốc Trung tâm phối hợp Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm của WHO, trong tháng 1 đã nói rằng cách chuẩn để đeo khẩu trang là để phần màu xanh ra ngoài và phần màu trắng bên trong.

“Như các bạn thấy đấy, nó có phần màu xanh ở bên ngoài bởi nó chống nước và rồi bạn thấy phần màu trắng bên trong có tác dụng thấm nước” – ông Seto nói – “Khi bạn ho, phần màu trắng sẽ hấp thụ hết”.

Theo AP