PGS.TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Ảnh - Minh Thuý) |
Vaccine Pfizer được triển khai tiêm trước
Tại buổi tập huấn về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi, diễn ra vào chiều nay, ngày 29/10, PGS.TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – cho biết: Vaccine Pfizer và vaccine Moderna là 2 loại vaccine đã được Bộ Y tế cho phép tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Vaccine Pfizer được triển khai tiêm trước cho trẻ em với liều lượng tương tự như của người lớn, vì chưa có nguồn cung vaccine Moderna. Trẻ dưới 12 tuổi chưa được chỉ định tiêm vaccine COVID-19 trong đợt này.
Mục tiêu của chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ là hơn 90% trẻ từ 12-17 tuổi trên toàn quốc được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo an toàn. Khi tiêm vaccine tại trường học, đối tượng tiêm vaccine sẽ gồm toàn bộ học sinh đang học lớp 10, 11, 12 và học sinh THCS.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine (Ảnh - Minh Thuý) |
Dự kiến, việc tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 cho trẻ sẽ được triển khai từ tháng 11/2021 trên toàn quốc theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch; ưu tiên tiêm trước cho các địa phương có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao, địa phương có mật độ tập trung dân cư đông, rồi mở rộng trên toàn quốc. Vaccine Pfizer có 6 liều/lọ nên các địa phương cần tìm hiểu kỹ để sử dụng vaccine hiệu quả, không để lãng phí.
Quy trình tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em gồm 6 bước: Khu vực sàng lọc COVID-19 và chờ tiêm chủng; bàn đón tiếp, hướng dẫn; bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; bàn tiêm chủng; bàn ghi chéo vào sổ tiêm chủng; chỗ ngồi theo dõi sau tiêm.
Theo bà Hồng, phản ứng phổ biến sau tiêm vaccine Pfizer của trẻ em tương tự người lớn, gồm: Đau đầu, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm; trẻ có thể buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm.
Trước những lo ngại của phụ huynh về việc vaccine có thể gây biến đổi gen ở trẻ, TS. Hồng cho biết: Vaccine Pfizer và Moderna tiêm cho trẻ em đều sử dụng thành phần mRna của virus không tương tác với AND của người, nên không có nguy cơ gây biến đổi gen, gây ung thư hoặc vô sinh,… ở trẻ.
“Hiện, việc cung ứng vaccine đã bớt căng thẳng hơn giai đoạn đầu. Tôi khẳng định Việt Nam có thể bao phủ đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho hầu hết người trên 18 tuổi trong năm nay. Vào quý 4/2021, Bộ Y tế mong muốn trẻ từ 12-17 tuổi sẽ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine còn phụ thuộc vào nguồn cung vaccine” - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay
Theo bà Hồng, tất cả các loại vaccine, kể cả vaccine COVID-19 không thể bảo vệ được 100%. Hiệu quả mà vaccine COVID-19 mang lại là giảm tiến triển bệnh nặng và nguy cơ tử vong. Trẻ em cũng không ngoại lệ. Nếu đạt được miễn dịch cộng đồng thì trẻ em sẽ được bảo vệ. Nếu cần thiết có thể tiêm mũi nhắc lại để giúp trẻ tiếp tục đi học.
Đến nay, nhiều nước châu Âu (Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ sĩ, Thuỵ Điển, Ba Lan,…) và Hoa Kỳ đã tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Vì thế, các bậc phụ huynh có thể yên tâm đưa con đi tiêm vaccine để chủ động phòng dịch.
Đặc biệt, bà Hồng lưu ý: Trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ chạy nhảy, hoạt động quá mức, bởi đã có trường hợp trẻ viêm cơ tim sau tiêm vaccine. Việc trẻ hoạt động mạnh sau tiêm vaccine có thể gây áp lực lên tim, dẫn đến biểu hiện viêm cơ tim trầm trọng. Thống kê cho thấy, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi tiêm thứ 2, xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu ban đầu nên cần tiếp tục theo dõi.
Trẻ mắc bệnh bẩm sinh, mãn tính cần được tiêm vaccine COVID-19 ở BV
Về việc khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, TS. BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi Trung ương – cho biết: Mục tiêu chính của việc khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19 là tuyển chọn được nhiều nhất có thể đối tượng để tiêm vaccine đảm bảo an toàn. Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19 đối với trẻ em.
Việc tiêm vaccine COVID-19 chống chỉ định đối với trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine lần trước, hoặc các thành phần của vaccine; hoặc trẻ nằm trong trường hợp chống chỉ định theo hợp đồng của nhà sản xuất với từng loại vaccine. Trẻ sẽ phải trì hoãn tiêm vaccine khi đang mắc bệnh cấp tính, có các yếu tố khác nếu phát hiện được (ví dụ: có thai dưới 13 tuần).
Đối tượng cần thận trọng khi tiêm vaccine là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào hoặc bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.
Đáng chú ý, theo ông Ngãi, trẻ mắc bệnh bẩm sinh, mãn tính vẫn được tiêm vaccine COVID-19 nhưng phải tiêm ở BV. Tại BV, các bác sĩ sẽ đánh giá nếu không có tình trạng cấp cứu, phải can thiệp, thì vẫn tiêm vaccine được. Việc tiêm vaccine ở BV tạo ra cơ hội lớn cho trẻ được tiêm vaccine.
PGS. TS. Trần Minh Điển – Giám đốc BV Nhi Trung ương (Ảnh - Minh Thuý) |
Thông tin thêm về việc trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, mãn tính,… tiêm vaccine COVID-19, PGS. TS. Trần Minh Điển – Giám đốc BV Nhi Trung ương – cho biết: “Hiện, WHO đã khuyến cáo tiêm cho trẻ trên 12 tuổi, đặc biệt lưu ý tới nhóm trẻ mắc bệnh nền, bệnh lý bẩm sinh. Nếu trẻ có bệnh bẩm sinh thì gia đình cần thông tin với bác sĩ. Theo tôi, nhóm trẻ cần bảo vệ nhất hiện nay là nhóm trẻ mắc bệnh mãn tính, bệnh máu, bệnh thận,… nên cần tiêm vaccine để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Thực tế, trong quá trình điều trị, những bệnh nhi này đều có dấu hiệu suy giảm miễn dịch. Nếu mắc COVID-19 thì nguy cơ tử vong cao. Vì thế, cần tiêm cho trẻ mắc bệnh mãn tính, bẩm sinh ngay tại BV để đảm bảo an toàn”.
Đến nay, hệ thống tiêm vaccine tại BV đã đầy đủ, tỉnh nào cũng có BV để tiêm cho trẻ em. Cộng đồng, trường học, trạm y tế,… có thể gửi danh sách trẻ đến BV để tiêm vaccine, đảm bảo an toàn. Kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi sẽ được triển khai sau khi hoàn tất việc tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi và khi có đủ nguồn cung vaccine về Việt Nam.