Vaccine Nga: “Bí mật thành công” và làn sóng hoài nghi của phương Tây

VietTimes – Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine phòng virus corona chủng mới, như tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin đưa ra ngày 11/8. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng vaccine này chưa hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.

Tổng thống Putin – thông báo trong cuộc họp nội các sáng ngày 11/8 rằng vaccine “hoạt động đủ hiệu quả” – nói rằng con gái của ông đã được tiêm vaccine mới. Và trong bài phát biểu của mình, ông cảm ơn các nhà khoa học đã phát triển vaccine vì “bước đi quan trong đầu tiên cho đất nước chúng ta, và cho toàn thế giới”.

Cuộc chạy đua giữa các siêu cường

Các siêu cường đang lao vào một cuộc chạy đua điều chế vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Getty)
Các siêu cường đang lao vào một cuộc chạy đua điều chế vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Getty)

Theo New York Times, các siêu cường trên thế giới hiện đang tham gia vào cuộc chạy đua điều chế vaccine mà cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang coi như một cuộc chiến ủy thác để nâng tầm khả năng lãnh đạo của họ và sự cạnh tranh trên trường quốc tế. Mỹ đã khởi động chương trình “Operation Warp Speed” để đẩy nhanh điều chế vaccine ngừa COVID-19, trong khi Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vào tiến trình này, và giới chức y tế lo ngại rằng Nga đang cố giành phần thắng bằng cách “ăn bớt” giai đoạn.

Bằng cách cắt bớt các cuộc thử nghiệm lâm sàng diện rộng, việc Nga tiến tới phê duyệt chủng vaccine mới đã làm dấy lên quan ngại về những bước đi quan trọng trong thử nghiệm vaccine – và theo báo chí phương Tây là có khả năng gây nguy hiểm cho người dân.

Vaccine của Nga đã nhanh chóng vượt qua các giai đoạn thử nghiệm đầu tiên trên khỉ và người với sự thành công rõ rệt. Nhưng trong tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Moscow rằng nước này không nên tách khỏi những phương pháp thông thường khi thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

Ngoài ra, cả Mỹ, Canada và Anh đều lên tiếng cáo buộc hacker Nga đang đánh cắp công trình nghiên cứu vaccine. Giới chức Nga bác bỏ cáo buộc này và cho rằng vaccine của họ dựa trên một chủng vaccine đã được phát triển bởi giới khoa học Nga cách đây vài năm để ngừa virus Ebola.

Một chủng vaccine hiện được xem như cách duy nhất để đánh bại đại dịch do virus corona chủng mới gây nên và giảm thiểu cuộc khủng hoảng y tế toàn thế giới đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 734.000 người, hủy diệt nhiều nền kinh tế. Các nhà điều hành phương Tây liên tục nhắc lại rằng họ không kỳ vọng một chủng vaccine ngừa COVID-19 xuất hiện sớm, ít nhất cũng phải là vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Trên khắp thế giới, có hơn 30 chủng vaccine – trong tổng số hơn 165 chủng vaccine đang được phát triển – hiện đang trong các giai đoạn thử nghiệm trên người khác nhau. Hiện có 8 chủng vaccine đã bước vào giai đoạn cuối cùng là thử nghiệm diện rộng trên người, trong đó có vaccine của Moderna ở Mỹ, vaccine được phát triển bởi ĐH Oxford phối hợp với công ty dược AstraZeneca ở Anh, và của một số công ty dược Trung Quốc.

Ngay cả một số công ty dược Trung Quốc cũng đang bị tố là đốt cháy giai đoạn trong điều chế vaccine. Một công ty trong số này đã thử nghiệm vaccine với các nhân viên làm việc tại công ty dầu khí quốc gia, trong khi một công ty khác phối hợp với quân đội để thực hiện thử nghiệm trên người.

“Đốt cháy giai đoạn”?

Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm thực hiện giai đoạn thử nghiệm vaccine Sputnik V tại Viện Gamaleya ở Moscow (Ảnh: Bloomberg)
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm thực hiện giai đoạn thử nghiệm vaccine Sputnik V tại Viện Gamaleya ở Moscow (Ảnh: Bloomberg)

Tại Nga, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko nói rằng đất nước ông sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine rộng khắp vào mùa Thu năm nay, thêm rằng vaccine sẽ được tiêm cho các giáo viên và nhân viên y tế tuyến đầu ngay trong tháng này.

Vaccine thường trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm trên người trước khi được phê chuẩn để sử dụng rộng rãi. 2 giai đoạn thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên một nhóm người nhỏ để xem xem nó có gây tổn hại và có kích thích hệ miễn dịch hay không. Trong khi giai đoạn cuối cùng, còn gọi là giai đoạn 3, sẽ so sánh vaccine với một loại giả dược trên hàng chục nghìn người.

Cơ quan khoa học Nga phụ trách việc phát triển vaccine Sputnik V, Viện Gamaleya, vẫn chưa thực hiện các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3.

Trên thực tế, giai đoạn cuối cùng này là cách duy nhất để nắm được các thông số cụ thể để quyết định xem liệu một chủng vaccine có thể ngăn chặn một loại bệnh hay không, và tính hiệu quả của nó đến đâu. Và do giai đoạn 3 thử nghiệm trên nhóm người lớn hơn nên có thể phát hiện ra được các tác dụng phụ của vaccine mà các giai đoạn trước không thể.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng, ngoài những yếu tố khác, một chủng vaccine lỗi có thể khiến người được tiêm dễ bị tổn thương hơn với những dạng nghiêm trọng của bệnh COVID-19 – căn bệnh gây nên do virus corona chủng mới – và đó là một viễn cảnh thảm họa mà chỉ có thể loại trừ thông qua việc thử nghiệm với một nhóm lớn các tình nguyện viên.

Vaccine Sputnik V của Nga sử dụng 2 chủng adenovirus làm trung gian truyền bệnh, có thể gây sốt nhẹ với người. Các nhà khoa học đã chỉnh sửa gene của chúng để khiến các tế bào nhiễm bệnh tạo ra các protein từ phần gai của virus corona chủng mới; giới chức Nga giải thích.

Hướng phát triển này cũng giống với vaccine được phát triển bởi ĐH Oxford và AstraZeneca, hiện đang trải qua giai đoạn 3 thử nghiệm ở Anh, Brazil và Nam Phi.

WHO hiện đang liên lạc chặt chẽ với chính quyền Nga và thảo luận về các quy trình chuẩn; Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của tổ chức này, cho hay. Nhưng ông nhấn mạnh rằng, để vaccine của Nga được WHO phê chuẩn, cần có “đánh giá kỹ lưỡng về thông số an toàn và hiệu quả” từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Viện Gamaleya phát triển vaccine Sputnik V dựa trên dòng tế bào người mà họ cấy từ năm 1973. Giống như một số dòng tế bào người được sử dụng trong các nghiên cứu dược phẩm và điều chế vaccine, nó bắt đầu bằng các tế bào được lấy từ phôi thai bị bỏ, bởi vậy làm dấy lên phản ứng từ các tổ chức chống nạo phá thai. Sự phản đối này có thể gay gắt hơn nếu vaccine được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Hạn chế trong giai đoạn thử nghiệm

Ảnh cắt từ một đoạn video cho thấy một tình nguyện viên đang được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Nga tại trường ĐH Y Sechenov (Ảnh: Sechenov Medical University/Getty)
Ảnh cắt từ một đoạn video cho thấy một tình nguyện viên đang được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Nga tại trường ĐH Y Sechenov (Ảnh: Sechenov Medical University/Getty)

Tại một phiên điều trần trước Quốc hội trong tháng này, Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm mỹ - nói rằng sẽ là vấn đề lớn nếu như các nước đem ra sử dụng vaccine ngừa COVID-19 trước khi thử nghiệm diện rộng.

“Tôi thực sự mong rằng Trung Quốc và Nga thử nghiệm vaccine trước khi tiêm vaccine cho bất cứ ai, bởi việc phân phối vaccine trước khi thử nghiệm, theo tôi, là rất có vấn đề” – ông Fauci nói.

Vaccine Sputnik V của Nga tới nay mới chỉ được thử nghiệm trên một nhóm nhỏ, các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên được thiết kế để tìm ra liều lượng chuẩn và đánh giá mức độ an toàn của vaccine. Nhóm này gồm một số nhà khoa học phát triển vaccine, vốn là điều hiếm thấy trong khoa học hiện đại, và 50 thành viên trong quân đội Nga cùng một nhóm tình nguyện viên khác.

Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) –  đơn vị tài trợ sản xuất vaccine Sputnik V – nói rằng Nga sẽ thử nghiệm giai đoạn 3 với hàng nghĩn người tham gia. Các cuộc thử nghiệm song song đã được lên kế hoạch thực hiện tại Arab Saudi, UAE và có khả năng là cả Brazil và Philippines.

Bang Paran ở miền Nam Brazil tuyên bố rằng họ có thể sản xuất vaccine của Nga vào tháng 11 năm nay.

Nga cũng có kế hoạch sử dụng vaccine mới đối với những nhân viên y tế tuyến đầu và giáo viên trên cơ sở tình nguyện. Tuy nhiên, ông Dmitriev không nêu rõ liệu vaccine có được thử nghiệm trên những người đã bị mắc COVID-19 hay không. Một số chủng vaccine, giống như vaccine được phát triển để ngừa sốt xuất huyết và sử dụng ở Philippines, có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.

“Chúng tôi sẽ có hàng chục nghìn người được tiêm vaccine trong tháng 8” – ông Dmitriev khẳng định.

WHO hiện vẫn liệt vaccine Sputnik V của Viện Gamaleya vào danh sách thử nghiệm trong giai đoạn 1.

Vaccine Nga là công cụ tuyên truyền?

truyền thông phương Tây cho rằng vaccine mới của Nga là
truyền thông phương Tây cho rằng vaccine mới của Nga là "công cụ tuyên truyền" của Tổng thống Putin (Ảnh: Business Insider)

Việc Nga tuyên bố phê duyệt chủng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới trước thời điểm tiên liệu của phương Tây là vào cuối năm nay đã làm dấy lên nhiều ngờ vực và chỉ trích nhằm vào Tổng thống Putin.

Tờ New York Times cho rằng, vaccine mới là cú hích cho sự nghiệp chính trị của ông Putin trong bối cảnh Nga đang vướng phải nhiều vấn đề: cuộc chiến ở Syria và Libya, đòn cấm vận của phương Tây sau sự kiện Crimea năm 2014. "Moscow đang cắt giảm các thử nghiệm để ghi điểm chính trị và tuyên truyền"; The New York Times tuyên bố.

Các hãng truyền thông lớn ở Mỹ như Wall Street Journal, CNN cũng bày tỏ lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Nga.

Trong khi đó, The Guardian của Anh cáo buộc rằng: "Sự phát triển của Sputnik V đã được tạo nên bởi sự đốt cháy giai đoạn và các vấn đề đạo đức".

Nhìn chung, báo giới phương Tây cho rằng Nga sử dụng vaccine Sputnik V như một công cụ tuyên truyền, mặc dù thiếu bằng chứng để ủng hộ tính hiệu quả của nó. Một ví dụ mà các hãng truyền thông phương Tây đưa ra chính là cái tên của vaccine Nga – Sputnik V, nhắc lại vệ tinh đầu tiên của nhân loại mà Liên Xô phóng thành công, đánh bại Mỹ trong cuộc đua không gian.

Theo báo giới phương Tây, trong vòng vài tháng qua, kênh truyền hình nhà nước Nga liên tục đưa ra ý tưởng rằng Nga đang dẫn đầu trong cuộc đua điều chế vaccine ngừa COVID-19. Tháng 5 năm nay, kênh truyền hình Nga đưa tin rằng người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19 là một nhà nghiên cứu Nga, người tự tiêm cho mình trước khi quá trình thử nghiệm vaccine trên khỉ hoàn thành.

Kirill Dmitriev, thuộc RIDF, đã bác bỏ cáo buộc rằng Nga đốt cháy giai đoạn thử nghiệm, hay cáo buộc Nga đánh cắp tài sản trí tuệ của nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine. Ông Dmitriev khẳng định rằng Nga dựa trên tinh hoa di sản nghiên cứu virus và vaccine từ thời Liên Xô, và tập trung vào các công nghệ mới, như hướng tiếp cận từng được sử dụng để điều chế vaccine ngừa Ebola và MERS.

“Chúng tôi chỉ may mắn khi COVID-19 rất tương đồng với MERS, chúng tôi đã có sẵn sàng vaccine cho MERS được nghiên cứu trong 2 năm và chúng tôi đã điều chỉnh một chút để trở thành vaccine COVID-19. Và đó là một câu chuyện thực tế, không có vấn đề chính trị ở đây” – ông Dmitriev nhấn mạnh.

Ông Dmitriev cũng so sánh với chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Trump – hiện đang rót vốn cho các công ty Pfizer và Moderna để điều chế vaccine. Ông khẳng định rằng vaccine của Nga “được chứng minh hiệu quả đối với một số lượng người lớn, vượt trội hơn bất kỳ công nghệ mới nào mà người ta đang thử nghiệm”.

Phương Tây đang “đố kỵ và hổ thẹn”

Nhà khoa học Nga cầm trên tay chủng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Nga điều chế trong bức ảnh được RIDF công bố (Ảnh: Sputnik)
Nhà khoa học Nga cầm trên tay chủng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Nga điều chế trong bức ảnh được RIDF công bố (Ảnh: Sputnik)

Ông Gilbert Doctorow, một nhà phân tích chính trị độc lập có trụ sở tại Brussels, Bỉ cho biết, phản ứng dồn dập của phương Tây trước thông tin Nga điều chế thành công vaccine COVID-19 đầu tiên của thế giới cho thấy sự đố kỵ và sự hổ thẹn của họ khi chứng kiến Nga vượt xa các đối thủ trong cuộc cạnh tranh điều chế vaccine; theo Sputnik.

Ông Doctorow thêm rằng những người hoài nghi vaccine Nga chủ yếu là những người ít hiểu biết về thành tựu y học mà Nga đạt được trong thập kỷ qua, đặc biệt trong lĩnh vực miễn dịch và chống các loại bệnh truyền nhiễm.

Trả lời phỏng vấn với hãng Sputnik, Guy Mettan – chính trị gia Thụy Sĩ, Giám đốc điều hành CLB báo chí Geneva – nói rằng: “Nguyên nhân của việc này là hệ quả từ những định kiến cố hữu được hình thành từ khoảng một thập kỷ gần đây liên quan đến Nga. Việc viết những tin tức xấu và tiêu cực về Nga đã trở nên phổ biến đến mức rất nhiều nhà báo khó thay đổi lập trường và tin chắc rằng, nếu Nga tạo ra những điều tốt đẹp thì đó nhất thiết là giả tạo”.

“Bí mật” giúp vaccine Nga phát triển nhanh

Một nhà khoa học làm việc tại Viện Gamaleya trong quá trình thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Sputnik)
Một nhà khoa học làm việc tại Viện Gamaleya trong quá trình thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: Sputnik)

Trong khi đó, các nhà khoa học Nga cũng khẳng định rằng tốc độ phát triển đáng ngạc nhiên của vaccine Sputnik V là nhờ dựa trên nền tảng nghiên cứu trước đó.

Kể từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Viện Gamaleya đã phát triển một nền tảng công nghệ sử dụng adenovirus được tìm thấy trong adenoids của người và thường truyền bệnh cảm cúm thông thường, dưới dạng “vector”, có thể mang vật liệu di truyền từ virus khác vào tế bào.

Ông Pavel Volchkov – người đứng đầu phòng thí nghiệm công nghệ gene tại Viện Vật lý và Công nghệ Moscow – cho biết: “Đây là những virus và vector lớn - toàn bộ phần gây bệnh đã được loại bỏ khỏi chúng và gen đột biến được đưa vào đó. Họ đã tạo ra một loại vaccine gồm hai phần. Họ sử dụng một loại virus duy nhất để hình thành chủng ngừa”.

Theo hãng thông tấn Sputnik, phương pháp này đã được sử dụng để tạo ra vaccine chống lại virus Ebola vào năm 2015. Các nhà nghiên cứu Nga đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về việc lựa chọn liều lượng cần thiết cũng như về tác dụng phụ của vaccine hai vector. Phương pháp phòng ngừa chống Ebola đã được sử dụng trên hàng nghìn người trong vài năm qua, tạo ra một nền tảng chính là công cụ cho sự phát triển của vaccine ngừa COVID-19.

"Khối lượng lớn của việc nghiên cứu và phát triển vaccine đã được Nga thực hiện từ nhiều năm trước đây. Nó cho phép Nga không lãng phí thời gian cho các thí nghiệm ban đầu, mà nhanh chóng chuyển sang sản xuất vaccine cần thiết, cụ thể là vaccine ngừa COVID-19 với liều lượng đã được nghiên cứu, lựa chọn” – ông Volchkov giải thích.

Cơ chế của vaccine Sputnik V

 

Đoạn clip mà RIDF công bố để giải thích về cơ chế hoạt động của vaccine Sputnik V

Tiến sĩ Sergei Tsarenko - Phó Trưởng khoa Gây mê và Hồi sức tại Bệnh viện số 52 - thành phố Moscow mới đây cũng giải thích về cơ chế hoạt động cảu vaccine Sputnik V với phóng viên hãng Sputnik News.

“Vaccine Sputnik V về cơ bản bao gồm hai thành phần. Một loại adenovirus vô hại (chất trung gian) có nhiệm vụ đưa một đoạn của bộ gene COVID-19 (được coi như trạm quỹ đạo) vào cơ thể người. Lúc này, cơ thể con người có thể tạo ra phản ứng miễn dịch nhưng chỉ là ngắn hạn, do đó, cần phải tiêm mũi thứ 2” – ông Tsarenkso giải thích về cơ chế hoạt động của vaccine ngừa COVID-19.

“Để làm cho khả năng miễn dịch lâu dài hơn, một một đoạn của bộ gen COVID-19 tương tự cần được đưa vào cơ thể ba tuần sau đó bởi một adenovíu vô hại khác. Kết quả là, cơ thể không tạo ra miễn dịch mạnh đối với một trong hai virus adeno, nhưng tạo thành một lớp bảo vệ mạnh mẽ chống lại corona” – Tiến sĩ Tsarenkso nói thêm.

Chia sẻ thêm về các biến chứng có thể xảy ra do nhiễm virus corona chủng mới giữa hai lần tiêm, còn được gọi là tăng cường kháng thể phụ thuộc, Tiến sĩ Tsarenkso cho biết, điều này nghe có vẻ rất kinh khủng đối với những người không có chuyên môn, tuy nhiên, hiện tượng này chỉ mới được phát hiện ở những bệnh nhân có bệnh nền sốt xuất huyết và không liên quan đến việc tiêm chủng.