Chính quyền Mỹ ra động thái 'bom tấn', ủng hộ tạm ngừng cấp bằng sáng chế độc quyền vaccine COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới chuyên gia cho rằng kể cả miễn bằng sáng chế độc quyền (patent), vẫn khó giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine toàn cầu, vấn đề bất bình đẳng tiếp cận vaccine. 
Một nhân viên trong cơ sở sản xuất vaccine của BioNTech ở Marburg, Đức (Ảnh: EPA)
Một nhân viên trong cơ sở sản xuất vaccine của BioNTech ở Marburg, Đức (Ảnh: EPA)

Những người ủng hộ tăng quyền tiếp cận với vaccine COVID-19 dành sự cổ vũ đặc biệt cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông thúc đẩy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gỡ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19. Các nhà vận động cho biết quyết định này có thể là một bước tiến lớn nhằm chấm dứt tình trạng bất bình đẳng về vaccine, nhưng không có tác động quyết định đến cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19.

Chính quyền Biden ủng hộ điều gì?

Tháng 10 năm ngoái, trước lo ngại việc sản xuất vaccine COVID-19 sẽ bị chi phối bởi các quốc gia giàu có, Ấn Độ và Nam Phi đã đưa ra đề xuất tại WTO về việc từ bỏ các bằng sáng chế vaccine COVID-19 và công nghệ khác. Đề xuất này một mặt đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia mới nổi, nhưng mặt khác cũng bị một nhóm các quốc gia giàu có bao gồm Anh, Canada, Australia, EU và cả Mỹ, phản đối.

Chính quyền Tổng thống Biden mới đây thông báo rằng họ đang thay đổi quan điểm của mình và sẽ ủng hộ việc từ bỏ các bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19 – tuy nhiên, không hỗ trợ các phương pháp điều trị hoặc công nghệ khác để chống lại dịch bệnh này.

Nếu WTO thông qua việc từ bỏ bằng sáng chế vaccine, điều này đồng nghĩa với việc các công ty trên khắp thế giới được phép phát triển vaccine COVID-19 mà không sợ bị một tổ chức nắm giữ bằng sáng chế đâm kiện.

Quyết định này có giúp vaccine được sản xuất nhiều hơn?

Các nhà vận động vaccine đã ca ngợi quyết định này là “địa chấn” và “anh hùng”, tạo nên một tiền lệ tích cực cho việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ (IP) để giải quyết các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai. Tuy nhiên, họ cũng nói rõ rằng chỉ riêng quyết định này sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu hụt vaccine COVID-19 trên toàn cầu.

Thứ nhất, WTO phải thực sự thông qua việc từ bỏ. Tổ chức này vốn hoạt động dựa trên sự đồng thuận, trong khi đó, các nền kinh tế chủ chốt như Anh, Canada và EU tiếp tục ủng hộ việc duy trì các bằng sáng chế vaccine. Sự thay đổi quyết định của Mỹ chỉ có thuyết phục các quốc gia này thỏa hiệp và đạt được một số loại thỏa thuận nhằm cải thiện tình hình hiện tại, chứ không thể thuyết phục họ hoàn toàn từ bỏ quyền quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine.

Thứ hai, vaccine là công thức cực kỳ phức tạp. Như chúng ta đã thấy trong suốt năm nay, ngay cả những công ty có kinh nghiệm cũng đang gặp vấn đề trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Quy trình sản xuất cũng quan trọng như “công thức” đã được cấp bằng sáng chế và WTO không có quyền buộc các công ty như Pfizer và Moderna chia sẻ công nghệ và kiến ​​thức được sử dụng để sản xuất vaccine của họ.

Tuy nhiên, các chính phủ quốc gia thực sự có thể thực hiện điều đó. Mỹ có thể đi đầu bằng cách thúc đẩy các công ty dược phẩm của mình chia sẻ không chỉ bằng sáng chế mà còn cả công nghệ và bí quyết của họ với các nhà sản xuất trên toàn thế giới.

Ellen 't Hoen, một chuyên gia về IP y tế và nhà vận động, cho biết việc chia sẻ công nghệ và kiến ​​thức chuyên môn với các nhà sản xuất trên khắp thế giới sẽ giúp việc sản xuất và phân phối vaccine dễ dàng hơn để chống lại đại dịch trong tương lai, điều mà các nhà khoa học cho là gần như chắc chắn. “Thế giới không được chuẩn bị cho COVID-19, đó là những gì chúng tôi nhận thức rõ”; bà nói.

Động tĩnh từ các hãng dược

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các hãng dược kiên quyết chống lại việc chia sẻ các bằng sáng chế hứa hẹn sẽ mang lại khoản lợi nhuận hàng chục tỉ USD trong những năm tới. Tuy nhiên, tổ chức thương mại của họ nói rằng thứ mà họ phản đối không phải là về lợi nhuận, mà là tính thực tế.

Liên đoàn các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm quốc tế nói trong một tuyên bố: “Việc từ bỏ các bằng sáng chế vaccine COVID-19 sẽ không giúp tăng sản lượng cũng như không cung cấp các giải pháp thiết thực cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này”.

Ngành công nghiệp dược lập luận rằng các công ty đã chia sẻ công nghệ với các đối tác đủ điều kiện trên toàn thế giới và có thể sản xuất hàng tỉ liều vaccine trong năm nay - đủ để tiêm chủng cho toàn thế giới - nếu chính phủ giúp họ giải quyết các rào cản thương mại và gỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu đối với các thành phần thô cần thiết để sản xuất vaccine. Họ cho biết các quốc gia giàu có cũng đang tích trữ vaccine và nếu họ đồng ý chia sẻ chúng một cách công bằng hơn, cuộc khủng hoảng sẽ bớt nghiêm trọng hơn.

Nhìn rộng ra, họ cũng lập luận rằng bản quyền sáng chế là rất quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới và đầu tư để tạo ra các sản phẩm mới. Một nhà khoa học sẽ ít có động lực để phát triển sản phẩm nếu lo sợ loại thuốc hoặc vaccine thần kỳ của mình được các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới sản xuất miễn phí.

Tuy nhiên, các nhà vận động cũng cho biết có rất nhiều bằng chứng cho thấy ngay cả khi không có động cơ lợi nhuận, các nhà khoa học vẫn sẽ có động lực sáng tạo. Một nghiên cứu chỉ ra, vaccine của Oxford/AstraZeneca được phát triển với ít nhất 97% kinh phí từ nguồn công quỹ và từ thiện. Công nghệ mRNA mà Pfizer/Moderna sử dụng để chế tạo vaccine của họ cũng được rót vốn nhờ tiền thuế của người dân, trước khi được các công ty dược phẩm tiếp quản.