Ung thư cổ tử cung: Phụ nữ ở TP.HCM mắc cao gấp nhiều lần Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mỗi năm, Việt Nam có thêm hơn 5.100 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2.500 phụ nữ chết do căn bệnh này. Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trong tuổi sinh sản, chỉ sau ung thư vú.

Tư vấn để sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung giúp điều trị sớm căn bệnh nguy hiểm này
Tư vấn để sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung giúp điều trị sớm căn bệnh nguy hiểm này

Những con số đáng giật mình này vừa được Bộ Y tế công bố.

Trao đổi với báo chí, TS. Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) - cho biết thêm: Tỷ lệ mắc mới của ung thư cổ tử cung tại Việt Nam là 13,6/100.000 phụ nữ, trong đó, ở Hà Nội là 6,5/100.000, TP. HCM là 26/100.000. Con số này đang có xu hướng gia tăng.

Ung thư cổ tử cung và mắc HPV: Phía nam cao hơn phía Bắc

Có một thực tế là số phụ nữ bị ung thư cổ tử cung ở miền Nam lại cao hơn miền Bắc. Lý do vì sao thì trong nhiều hội thảo về căn bệnh này do Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia quốc tế cho biết họ cũng không thể giải đáp được.

Theo TS. Trần Đăng Khoa, nhiễm HPV là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung ở Việt Nam. Trong đó type 16 và 18 rất phổ biến và gây ra hơn 70% số trường hợp ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ hiện mắc các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (CIN2/CIN3) ở phụ nữ độ tuổi 30-54 là 4,8% (nghiên cứu trên 4.000 phụ nữ tại Hải Phòng và Cần Thơ).

Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung liên quan với tỉ lệ mắc HPV ở khu vực miền Nam cũng cao hơn miền Bắc. Một nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ hiện mắc HPV ở TP. Hồ Chí Minh cao gấp 4-5 lần tại Hà Nội.

Các nghiên cứu đều chỉ ra nhiễm HPV liên quan đến lượng bạn tình và quan hệ tình dục sớm. Thế nhưng, điều đáng lưu ý là mặc dù ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều typ HPV hơn Hà Nội, nhưng typ HPV gây nguy cơ ung thư ở Hà Nội lại nhiều hơn TP. Hồ Chí Minh.

“Đây là bệnh nguy hiểm, dự phòng bằng cách tiêm vắc xin HPV; hoặc sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, làm giảm tử vong và gánh nặng cho gia đình và xã hội” - TS. Trần Đăng Khoa lưu ý.

Một ca phẫu thuật ung thư cổ tử cung tại BV Đại học Y Hà Nội

Một ca phẫu thuật ung thư cổ tử cung tại BV Đại học Y Hà Nội

Vì thế, để dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung và đề án thí điểm sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và xử trí. Các BV đầu ngành sản khoa đã đào tạo đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh về sàng lọc ung thư cổ tử cung và hiện, đa số trạm y tế xã đã triển khai được kỹ thuật sàng lọc đơn giản là VIA, tuyến huyện, tỉnh thực hiện được xét nghiệm tế bào học, HPV.

Nhiều rào cản trong ngăn chặn bệnh

Tuy nhiên, theo TS. Trần Đăng Khoa, còn nhiều thách thức trong việc ngăn chặn bệnh ung thư cổ tử cung: Mới chỉ sàng lọc thụ động (khi khám phụ khoa), chưa triển khai được CT sàng lọc chủ động. Tỷ lệ sàng lọc ở phụ nữ còn khá thấp (28%), khó đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động Quốc gia là 60% vào năm 2025.

Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có hệ thống đăng ký, theo dõi dọc đối với những phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện tổn thương, chẩn đoán, xử trí.

Lý giải điều này, TS. Trần Đăng Khoa chỉ ra nguyên nhân chính là do năng lực sàng lọc của các tuyến còn hạn chế: Chỉ có 22% bệnh viện tuyến huyện có khả năng thực hiện xét nghiệm tế bào học cổ tử cung, còn lại chỉ lấy bệnh phẩm cổ tử cung gửi tuyến trên xét nghiệm. Chỉ ~ 33% trạm y tế xã thực hiện được VIA và 21% lấy được bệnh phẩm.

Trong khi kinh phí khó khăn đã là rào cản thì dịch Covid-19 trong 3 năm vừa qua còn cản trở việc triển khai kế hoạch đào tạo các kỹ thuật sàng lọc.

Đặc biệt, hiện nay, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) Việt Nam chưa cho thanh toán các chi phí khám sàng lọc. Trong khi đó, 3 phương pháp sàng lọc chỉ có VIA (chấm cổ tử cung bằng dung dịch acid acetic 3-5% và quan sát bằng mắt thường để phát hiện những bất thường) là rẻ tiền, hai phương pháp còn lại đều khá đắt tiền, như HPV có giá trên 2 triệu đồng, nên người dân sẽ khó tiếp cận, khiến chủ trương sàng lọc chủ động cho cộng đồng chưa thể triển khai được một cách có hệ thống.

Cần tăng cường sàng lọc

Để bảo vệ “phái yếu” - cũng là bảo vệ hàng triệu gia đình không bị khuyết thiếu- trong bối cảnh ung thư cổ tử cung là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và đang có xu hướng gia tăng, thiết nghĩ, Bộ Y tế cần mở rộng chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung ra toàn quốc. Bởi thực tế cho thấy tổng chi phí khám sàng lọc thấp hơn rất nhiều so với tổng chi phí cho điều trị ung thư.

Bộ Y tế cũng cần tích cực vận động để sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được BHYT chi trả và kỹ thuật VIA có thể đưa ngay vào danh mục chi trả của BHYT, áp dụng tại các tuyến y tế cơ sở.

“Đối với các kỹ thuật sàng lọc đắt tiền hơn như xét nghiệm tế bào và HPV, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng lộ trình và tỷ lệ đồng chi trả BHYT; nghiên cứu chính sách ưu tiên đối với nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế” - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em chia sẻ.