Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm thông tin du lịch Bát Tràng (Hà Nội)
Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm thông tin du lịch Bát Tràng (Hà Nội)

Mục tiêu cơ bản của đề án đến năm 2025 là phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh bền vững. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Hoàn thành Cổng thông tin du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan du lịch. Hoàn thành nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch (e-tourism).

Đặc biệt, đề án còn đặt ra mục tiêu xây dựng các sản phẩm được ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để nâng cao trải nghiệm và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách du lịch, trước mắt, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi khách du lịch sau đại dịch Covid-19; phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh. Kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Hình thành Trung tâm điều hành du lịch và đi vào vận hành thử nghiệm, kết nối thí điểm với một số địa phương phát triển du lịch thông minh. Ưu tiên phát triển du lịch thông minh đồng bộ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Hạ Long, Huế, Đà Lạt, Hà Giang, Quảng Trị, An Giang và Kiên Giang.

Định hướng đến năm 2030 của đề án là phát triển du lịch thông minh đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ trên cơ sở tiếp cận những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Mở rộng phát triển du lịch thông minh ở hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm, đóng góp việc hình thành các chuỗi đô thị thông minh trên toàn quốc. Du lịch Việt Nam khai thác hiệu quả các giá trị kinh tế từ phát triển du lịch thông minh và có đóng góp lớn trong tỷ trọng GDP.