Ứng dụng CNTT, AI vào khám chữa bệnh từ xa cho người dân xã vùng cao, biên giới

100% trạm y tế ở 10 tỉnh vùng cao, miền núi, khó khăn sẽ được triển khai khám, chữa bệnh từ xa thông qua việc áp dụng CNTT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Ứng dụng AI vào khám chữa bệnh từ xa

Năm 2020, khi bước vào đại dịch COVID-19, Bộ Y tế đã triển khai đề án “Khám, chữa bệnh (KCB) từ xa” và khai trương trên 1.000 điểm cầu, đã cứu sống hàng nghìn người bệnh COVID-19 nặng.

Bấm nút khởi động dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”

Với việc khởi động dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam” do Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 21/11, hoạt động KCB từ xa lần đầu vươn tay đến tuyến xã, để phục vụ người dân vùng cao, vùng xa.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại lễ khởi động

Ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục quản lý KCB - cho biết: Từ kết quả của đề án “KCB từ xa”, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với KOFIH Hàn Quốc và thông qua UNDP để huy động nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại hơn 2,3 triệu USD cho dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam”.

"Đề án “KCB từ xa” năm 2020 chủ yếu ở các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ KCB từ xa cho tuyến tỉnh và tuyến huyện, còn dự án này tập trung cho tuyến xã.

Dự án cung cấp hạ tầng, đảm bảo đường truyền, máy tính và xây dựng phần mềm Bác sĩ cho mọi nhà; tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ y tế xã về chăm sóc sức khỏe ban đầu", ông Hà Anh Đức chia sẻ thêm với VietTimes bên lề hội nghị.

Ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục quản lý KCB

Dự án được triển khai tại 10 tỉnh vùng cao, miền núi, vùng sâu, điều kiện kinh tế khó khăn, đồng bào sống không tập trung, việc tiếp cận y tế còn hạn chế: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre và Cà Mau.

Hình thức KCB từ xa với việc áp dụng CNTT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần xóa bỏ rào cản tiếp cận y tế của bà con vùng sâu vùng cao.

Mục đích của dự án này nhằm quản lý sức khỏe của các nhóm yếu thế tại Việt Nam trên môi trường số và tăng cường chuyển đổi số trong dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở.

Nâng cấp phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà"

Ông Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB

Ông Dương Huy Lương (Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB) thông tin thêm: Dự án được triển khai từ nay đến 1/12/2026. Sẽ có 250 trạm y tế được UNDP hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu KCB từ xa, cả về thiết bị phục vụ lẫn tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn chương trình KCB từ xa. Các nhóm yếu thế và nhóm mắc bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm như tăng huyết áp và lao sẽ được chăm sóc tốt hơn

Tuyến y tế cơ sở cũng được nâng cấp phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" với các tính năng chuyên môn, tính năng giám sát và đánh giá nâng cao, tích hợp với hệ thống thông tin y tế (HIS) và đơn thuốc điện tử vào nền tảng VTelehealth. Cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT của hệ thống để hỗ trợ lưu trữ, quản lý dữ liệu…

Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam và đại diện Bộ Y tế trao 150 m(áy tính cho các trạm y tế xã

Tiếp nhận dự án, BS Tạ Văn Nam (Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn) bày tỏ: Với những tỉnh khó khăn, 88% dân tộc thiểu số như Bắc Kạn thì dự án này như “đem củi sưởi ấm ngày đông”. Ông Nam cam kết sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế để dự án đạt kết quả tốt nhất.

Trước đó, từ năm 2020, UNDP đã đồng hành cùng Bộ Y tế triển khai hiệu quả chương trình KCB từ xa tại tuyến y tế cơ sở, sử dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" tại 8 tỉnh vùng cao và miền núi.