Diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội trong hai ngày 18 và 19/5/2025, Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ là sự kiện chính trị có ý nghĩa chiến lược, mà còn là dịp để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phô diễn tiềm lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tại triển lãm những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp công nghệ như CT Group, CMC và FPT đã mang tới những sản phẩm và giải pháp ấn tượng, góp phần định hình tương lai kinh tế số Việt Nam.
CT Group tạo dấu ấn với 3 công nghệ đột phá. Đáng chú ý nhất là mẫu máy bay không người lái chở người - sản phẩm của CT UAV với vận tốc lên tới 190 km/h, khả năng bay liên tục trong 2 giờ và tầm hoạt động 350 km. Đây không chỉ là giải pháp giao thông tương lai mà còn thể hiện tầm nhìn về hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh và bền vững. Phiên bản thật dự kiến ra mắt vào tháng 10/2025 sau khi đã thử nghiệm thành công mẫu tỷ lệ 1/6.
Ngoài ra, CT Group cũng giới thiệu nhà máy sản xuất chip bán dẫn CT Semiconductor. Công trình vừa khởi công giai đoạn 2 tại Bình Dương, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Mục tiêu sản xuất 100 triệu chip ATP/năm vào năm 2027 thể hiện quyết tâm làm chủ công nghệ lõi và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, hơn 10% ngân sách của CT Semiconductor dành cho R&D, tập trung vào các mảng công nghệ chiến lược như AI, 6G và thiết bị bay.
Ở lĩnh vực kinh tế xanh, sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) do CT Group sáng lập đã thu hút sự quan tâm lớn. Hệ sinh thái hỗ trợ từ đo lường phát thải bằng UAV đến nền tảng quản lý phát thải và tư vấn ESG, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường tín chỉ carbon quốc tế. Đây là bước đi tiên phong của khu vực tư nhân trong xu hướng phát triển bền vững và hội nhập môi trường toàn cầu.
Còn CMC mang đến triển lãm hệ sinh thái công nghệ mở C.OpenAI – nền tảng tích hợp hơn 25 công nghệ lõi như nhận diện khuôn mặt (C.Face), xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý giọng nói và quản lý dữ liệu lớn. C.Face hiện đang nằm trong Top 12 thế giới và đứng đầu Việt Nam theo đánh giá của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST).
Một số sản phẩm AI của CMC đã được ứng dụng thực tiễn, như C.OCR (SmartDocs) đang hoạt động tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Honda, TH Group… Đặc biệt, 2 giải pháp y tế ứng dụng AI là C-Health và C-Aid đã mở ra hướng tiếp cận y tế từ xa và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, CMC cũng thực hiện 2 nhiệm vụ quốc gia: xây dựng trợ lý pháp lý AI (CLS) nhằm phát hiện xung đột văn bản pháp luật, và phát triển CMC Cloud - nền tảng điện toán đám mây thuần Việt, hiện chiếm hơn 25% thị phần nội địa. Với hệ thống đạt chuẩn Uptime Tier III và định hướng xây dựng chuỗi trung tâm dữ liệu siêu quy mô, CMC đặt mục tiêu đưa TP.HCM trở thành trung tâm số của khu vực châu Á.
Tại triển lãm, Tập đoàn FPT đã giới thiệu các sản phẩm ứng dụng AI như CodeVista - trợ lý lập trình Agentic AI giúp tăng năng suất làm việc cho lập trình viên, và giải pháp Camera AI đã được triển khai tại hơn 1.700 doanh nghiệp và 150 chuỗi bán lẻ. Đặc biệt, nền tảng FPT.AI hiện đang phục vụ hơn 200 triệu lượt người dùng mỗi tháng. Con số này chứng minh khả năng nghiên cứu, phát triển và triển khai thực tế của công nghệ lõi do Việt Nam làm chủ.
Triển lãm không chỉ là dịp để các doanh nghiệp tư nhân “khoe” thành tựu, mà còn là bước khẳng định vị thế trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm các gian hàng công nghệ như của CT Group, CMC... là tín hiệu mạnh mẽ về sự quan tâm và ủng hộ của Đảng, Nhà nước đối với vai trò tiên phong của khối tư nhân trong thời đại công nghệ số.
Với định hướng đúng đắn, đầu tư bài bản vào công nghệ lõi, hạ tầng số, nhân lực AI và chuyển đổi số toàn diện, các doanh nghiệp tư nhân công nghệ Việt Nam đang từng bước thể hiện năng lực cạnh tranh quốc tế. Từ AI, bán dẫn đến hàng không đô thị và tín chỉ carbon, doanh nghiệp Việt đã không còn đi sau, mà đang chủ động mở đường cho tương lai.