|
Dường như Cao Tấn Hoài (7) sẽ không bị ảnh hưởng nhiều sau án kỷ luật. Ảnh Báo ĐT |
Cá độ có tổ chức
Theo bản tường trình với VFF, cầu thủ Huỳnh Văn Tiến của U21 Đồng Tháp thừa nhận cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ của U21 Đồng Tháp vào năm 2019. Khi đó Tiến rủ rê tất cả các cầu thủ khác trong đội, trừ đội trưởng Hoàng Duy chơi cá cược với hình thức tài xỉu số tiền 150 triệu đồng khi U21 Đồng Tháp gặp U21 Vĩnh Long diễn ra vào ngày 19/6. U21 Đồng Tháp nhận về số tiền thắng là 133 triệu đồng, Tiến chia cho 10 cầu thủ đá chính và 2 cầu thủ dự bị.
Đến trận đấu ở giải Hạng Nhì, Huỳnh Văn Tiến viết trong tờ trình rằng có một cầu thủ đàn anh ở Bình Định bảo nếu đá thắng sẽ cho tiền mình và các đồng đội ở Đồng Tháp. Đó là trận đấu gặp Long An, Tiến và 7 cầu thủ nữa nhận được 75 triệu đồng. Đến trận gặp Vĩnh Long, Tiến nhận được 9 triệu đồng, chia cho 2 cầu thủ nữa, mỗi người cầm về 3 triệu.
|
VFF đã không dám loại bỏ những con sâu sân cỏ. Ảnh NLĐ
|
Hành vi của Huỳnh Văn Tiến được VFF xác định là hành vi tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc. Đáng ra VFF cần phải làm rõ, ngoài 2 vụ bị phụ huynh tố giác thì Tiến và đồng đội có tham gia đánh bạc những trận nào nữa hay không?
Với vai trò là người cầm đầu vụ cá độ, Huỳnh Văn Tiến bị ban kỷ luật VFF phạt 5 triệu đồng và đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 5 năm. Ngoài ra, 10 cầu thủ khác của đội bóng U21 Đồng Tháp tham gia cá độ còn lại đều phải nhận mức án phạt 2,5 triệu đồng, đình chỉ tham các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 6 tháng, bao gồm: Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài, Trần Công Minh.
Đáng tiếc nhất là trường hợp của hai cầu thủ Trần Công Minh (từng đoạt danh hiệu Vua phá lưới, Cầu thủ xuất sắc nhất giải trẻ U19, U21 quốc gia) và Nguyễn Nhật Trường (thủ môn xuất sắc nhất giải U21 quốc gia), hai trong lứa cầu thủ từng giúp bóng đá Đồng Tháp giành chức vô địch U19 quốc gia năm 2018, cũng "dính chàm" khi tuổi đời còn trẻ và sự nghiệp đang trên đà thăng tiến.
|
Trần Công Minh từng đoạt danh hiệu Vua phá lưới, Cầu thủ xuất sắc nhất giải trẻ U19, U21 quốc gia - Ảnh: Khả Hòa
|
Dấu hỏi lớn
Phải nói đây là hành vi có tổ chức, lôi kéo đông người tham gia và xảy ra trong khoảng thời gian dài tạo ảnh hưởng không tốt trong phụ huynh và cầu thủ trẻ của Đồng Tháp. Nhưng không hiểu sao VFF lại không đưa ra bản án kỷ luật cho HLV Bùi văn Đông và đơn vị quản lý cầu thủ có hành vi bán độ là Trung Tâm đào tạo trẻ. Phải chăng do các em “tự diễn biến” nên cấp quản lý vô can? Liệu rồi các phụ huynh có yên tâm gửi con mình vào Trung Tâm đào tạo trẻ Đồng Tháp nữa không?
Những người am hiểu sân cỏ thì cho rằng, trong 11 cầu thủ vừa bị kỷ luật, duy nhất Huỳnh Văn Tiến nếu không được “thoát hiểm” bằng việc giảm án phạt thì khó có cơ hội trở lại sân cỏ. Án phạt tiền của 10 cầu thủ còn ít hơn số tiền họ được chia và thời gian 6 tháng chỉ không được thi đấu (thực tế ngoài đá V.League thì cũng không có giải nào), các cầu thủ vẫn tập luyện duy trì, hết hạn treo giò là có thể khoác áo vào sân ngay. Thậm chí các cầu thủ U21 Đồng Tháp bị cấm thi đấu 6 tháng có thể tham dự VCK U21 Quốc gia dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới. Đôi khi "cấm mà như không" là thế!