Tỷ lệ nợ xấu Saigonbank tăng mạnh, Vietinbank có gặp khó khi muốn triệt thoái vốn?

Vietimes - Những kết quả đấu giá tích cực trước đó phần nào cho thấy sức hút của Saigonbank trong thời gian qua đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả đợt thoái vốn sắp tới của Vietinbank cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì sức hấp dẫn của Saigonbank.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngày 3/10, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – Mã CK: CTG) vừa thông qua chủ trương thoái toàn bộ 15.121.635 cổ phần, tương ứng với 4,91% vốn điều lệ, do ngân hàng này sở hữu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank - SGB).

Cùng ngày, HĐQT Vietinbank cũng thông qua việc ký kết Hợp đồng tư vấn chào bán chứng khoán ra công chúng và thực hiện bán đấu giá cổ phần SGB, giữa ngân hàng này với công ty con đang sở hữu 75,6% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBankSc).

Sức hấp dẫn của cổ phần Saigonbank

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Vietinbank tiến hành chào bán vốn của Saigonbank. Ngày 24/6/2016, Vietinbank đã tiến hành bán đấu giá công khai 16.875.000 cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,39% xuống 4,91% vốn cổ phần đang lưu hành của SGB, với mức giá khởi điểm 10.800 đồng/cổ phiếu.

Hoạt động thoái vốn này là để đảm bảo tuân thủ quy định “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng (TCTD) khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó” - theo Thông tư số 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Phiên đấu giá thu hút được 10 nhà đầu tư đăng ký tham gia, số lượng đặt mua đạt 67,5 triệu cổ phần (cao gấp 4 lần số lượng cổ phiếu chào bán). Kết quả, có 2 nhà đầu tư cá nhân trong nước trúng giá, với mức giá đấu thành công là 12.500 đồng/cổ phiếu, Vietinbank thu về số tiền gần 210,94 tỷ đồng.

Ngoài Vietinbank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã CK: VCB) cũng đã từng tiến hành triệt thoái vốn tại Saigonbank vào cuối năm 2017 nhằm thỏa mãn quy định của Thông tư 36.

Cụ thể, ngày 20/11/2017, Vietcombank đã tiến hành bán đấu giá 13.251.695 cổ phần đang sở hữu tại Saigonbank với mức giá khởi điểm là 12.550 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá thu hút được tới 20 nhà đầu tư tham gia với khối lượng đặ mua đạt 53,8 triệu cổ phiếu, gấp nhiều lần so với số lượng đem bán đấu giá. Kết quả, có 2 nhà đầu tư (1 tổ chức và 1 cá nhân) trúng giá, với mức giá đấu thành công bình quân 20.100 đồng/cổ phần, Vietcombank thu về gần 266,36 tỷ đồng.

Những kết quả đấu giá tích cực trên phần nào cho thấy sức hút của ngân hàng này trong thời gian qua đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả đợt thoái vốn sắp tới của Vietinbank  sẽ phụ thuộc một phần vào khả năng duy trì sức hấp dẫn của Saigonbank.

Tỷ lệ nợ xấu tại Saigonbank tăng mạnh nửa đầu năm 2018

Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018, Saigonbank ghi nhận mức thu nhập lãi thuần đạt 327,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 334,2 tỷ đồng cùng kỳ. Tổng các khoản thu nhập từ hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt, đạt 74,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khoản chi phí (đặc biệt là chi phí hoạt động) trong kỳ có sự gia tăng cao hơn đã khiến cho mức lợi nhuận sau thuế của Saigonbank chỉ đạt 89,5 tỷ đồng, giảm tới 30% so với cùng kỳ.

Tính tới 30/6/2018, quy mô tài sản của Saigonbank giảm nhẹ từ 21.319 tỷ đồng xuống mức 20.724 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn là dư nợ cho vay cũng có xu hướng giám nhẹ, đạt 13.851 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank tăng mạnh từ 2,9% cuối năm 2017 lên mức 6,4% vào cuối quý 2/2018, phần lớn là do sự gia tăng giá trị của các khoản nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ trong kỳ.

Chất lượng nợ vay của Saigonbank tính đến ngày 30/6/2018 (Nguồn: BCTC HN đã soát xét bán niên năm 2018 - Saigonbank)
Chất lượng nợ vay của Saigonbank tính đến ngày 30/6/2018 (Nguồn: BCTC HN đã soát xét bán niên năm 2018 - Saigonbank)

Nếu xét theo dư nợ cho vay theo đối tượng khách hàng và loại hình doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn là các hộ kinh doanh và cá nhân với 9.455 tỷ đồng (chiếm 68,2%), tiếp đến là các Công ty trách nhiệm hữu hạn khác đạt 3.097 tỷ đồng (chiếm 22,35%).

Đối với các khoản trái phiếu đặc biệt do Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành, tính tới 30/6/2018, Saigonbank ghi nhận theo mệnh giá các khoản trái phiếu này là 573,38 tỷ đồng. Trong đó, Saigonbank đã trích lập dự phòng được 364,3 tỷ đồng, tăng 33,5 tỷ đồng so với đầu năm.

Cuối quý 2/2018, cơ cấu nguồn vốn của Saigonbank chủ yếu là tiền gửi của khách hàng đạt 14.223 tỷ đồng, giảm 626 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn chủ sở hữu đạt 3.484 tỷ đồng. 

Được biết, Saigonbank có lịch sử lâu đời, được ví là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống các Ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam hiện nay, ra đời vào 16/10/1987, trước khi có Luật Công ty và Pháp lệnh Ngân hàng, với vốn điều lệ ban đầu là 650 triệu đồng./.