Hình thành mạng lưới giao thông, vận chuyển thuận tiện
Với việc Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, giấc mơ về tuyến đường sắt tốc độ cao trải theo chiều dài đất nước, một siêu dự án được ấp ủ từ năm 2007, sắp trở thành hiện thực.
Sơ bộ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD), hoàn thành vào năm 2035.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Quy mô đầu tư gồm xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Không chỉ là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn là "lời giải" cho bài toán về kết nối giữa các lĩnh vực, vùng miền nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Lưu Quang Thìn, Vụ phó Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300 km quốc lộ, 2.000 km đường bộ cao tốc, 6.800 km đường thủy nội địa, 2.640 km đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.
Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế như sự mất cân đối giữa các dự án hạ tầng, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực đường bộ, tiếp đến là hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa.
Nêu ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư chỉ rõ mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, bảo đảm cân đối, hài hòa, tận dụng lợi thế của các phương thức vận tải, nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn.
Riêng với vận tải đường bộ, đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc; tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế.
Trong bối cảnh đó, đường sắt là phương thức có ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường nên được ưu tiên đầu tư.
Lãnh đạo Vụ Vụ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá đường sắt là phương thức có ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường nên sẽ là một trong các ưu tiên đầu tư.
Theo ông Thìn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để giảm ùn tắc giao thông, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao để hình thành mạng lưới vận chuyển hành khách thuận tiện trong cả nước; đầu tư các tuyến đường sắt mới, điện khí hóa để kết nối cảng biển quan trọng, kết nối cảng hàng không; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đồng bộ hạ tầng.
Đường sắt tốc độ cao phục vụ hành khách, hàng nhẹ giá trị cao
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cho biết hành lang kinh tế Bắc - Nam hiện có 54% dân số, 63% khu kinh tế, 72% cảng biển lớn, 40% khu công nghiệp và đóng góp trên 51% GDP cả nước.
Đến năm 2050, nhu cầu hành khách đạt 1,1-1,3 tỷ lượt hành khách/năm, nhu cầu vận tải hàng hoá trên hành lang Bắc - Nam là 1,4-1,7 tỷ tấn/năm. Khối lượng dự báo này sẽ do tất cả các phương thức vận tải đảm nhiệm.
Cùng với đó, vận tải đường biển, đường sông có ưu thế về vận chuyển hàng hoá khối lượng lớn, chi phí rẻ nên đảm nhận phần lớn thị phần vận tải. Vận tải hành khách sẽ phân bổ cho đường sắt, đường bộ và hàng không tuỳ thuộc vào cự ly mỗi phương thức có lợi thế.
Riêng dự báo nhu cầu vận tải của hành lang đường sắt đến năm 2050 đạt khoảng 122,7 triệu khách/năm và 18,2 triệu tấn hàng/năm. Nhu cầu vận tải hành khách sẽ thiếu hụt rất lớn nếu không có phương thức vận tải khối lượng lớn, tốc độ nhanh như đường sắt tốc độ cao.
Ông Phương cũng cho rằng hàng hóa vận chuyển trên đường sắt tốc độ cao sẽ chủ yếu vận tải hành khách, hàng nhẹ, thương mại điện tử có giá trị cao. Khi có nhu cầu sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu để vận chuyển hàng hóa nặng phục vụ hoạt động bảo đảm an ninh, quốc phòng và các mục đích cần thiết khác. Còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ đảm nhận về vận chuyển hàng hóa nặng, hàng rời, hàng lỏng.
Về dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết đã tính toán đầy đủ phương án kết nối với các tuyến đường sắt hiện hữu và quy hoạch cũng như mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Hướng tuyến và vị trí nhà ga trong dự án đã được các địa phương thỏa thuận thống nhất và phù hợp với các quy hoạch tỉnh; có khả năng kết nối các ga với các trung tâm đô thị bằng hệ thống đường bộ thuận lợi. Dự kiến, dự án sẽ đầu tư khoảng 13km đường kết nối mỗi nhà ga với hệ thống đường bộ khu vực, quy mô từ 4-6 làn xe.
"Trên hành lang Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao tập trung ưu tiên vận tải hành khách nhưng phải đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, phục vụ tình huống khẩn cấp; vận tải hàng hóa chủ yếu trên tuyến đường sắt hiện hữu", Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt nói thêm.