Theo CNBC, giữa lúc thị trường, quy định quản lý đi từ thay đổi này sang thay đổi khác, một doanh nghiệp vẫn “sống” sau nhiều đợt thị trường sụt giá mạnh và nghi ngờ lớn từ Phố Wall: Amazon.
Đặt cược vào chuyện kinh doanh nhà sách không phải lúc nào cũng chắc chắn. Hành trình từ startup nhỏ, không tên tuổi đến một trong các công ty giá trị nhất thế giới của Amazon đem quả ngọt đến nhà đầu tư. Dù vậy, đây phải là những nhà đầu tư mạnh mẽ, kiên định.
“Hiệu sách lớn nhất Trái đất”
Jeff Beozs thời trẻ. ẢNH:AFP |
Đầu thập niên 1990, ông Bezos từ bỏ sự nghiệp ở Phố Wall để xây dựng ý tưởng kỳ quặc: Bán sách trên World Wide Web. Năm 1994, ông thành lập Amazon.com. “Tôi tìm thấy thông tin rằng web đang tăng trưởng 2.300% mỗi năm. Ý tưởng của tôi là chuyện mở hiệu sách trực tuyến”, ông Bezos chia sẻ trong cuộc phỏng vấn hồi năm 2001 về lần đầu nhen nhóm ý định bán sách.
Amazon.com tăng trưởng nhanh, lên sàn chứng khoán ba năm sau đó với 16 triệu USD doanh thu và 180.000 khách hàng trải rộng trên 100 nước, theo hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Song ngay cả khi trang web bắt đầu phát triển, nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngờ về Amazon. Họ ủng hộ hãng bán sách truyền thống khổng lồ khi đó là Barnes & Noble.
Trong một cuộc họp giữa Chủ tịch Barnes & Noble Leonard Riggio và ông Bezos, báo giới đưa tin ông Riggio nói với Bezos rằng mình sẽ “nghìen nát” Amazon. "Ông lớn" trong ngành lấn át startup non trẻ với hàng trăm cửa hàng truyền thống và hơn 2 tỉ USD. Barnes & Noble khai thác tài năng Thung lũng Silicon để xây dựng trang web mới. Không những thế, hãng còn kiện Amazon vì Amazon tuyên bố mình là “Hiệu sách lớn nhất Trái đất”.
Song với những người nắm bắt cơ hội, mua và giữ cổ phiếu Amazon kể từ đợt IPO, khoản đầu tư của họ có mức tăng trưởng kép thường niên là 38%, vượt mức tăng thường niên 10% của chỉ số S&P 500.
Bong bóng dotcom
Sau nghi ngại từ nhà đầu tư và cạnh tranh từ Barnes & Noble, trở ngại tiếp theo mà Amazon đối mặt là bong bóng dotcom. Cuối những năm 1990, các hãng dotcom trở thành chủ đề nóng trên Phố Wall.
Sức tăng trưởng khách hàng và khả năng gây quỹ tốt giúp Amazon nhanh chóng mở rộng dịch vụ. Chẳng mấy chốc, hiệu sách online ban đầu đã trở thành hãng bán lẻ trực tuyến, kết nối người tiêu dùng với mọi thứ từ công cụ thường ngày cho đến thẻ trò chơi Pokemon. Định giá Amazon tăng vọt, đạt hơn 50 lần giá trị IPO vào tháng 12.1999.
Song chỉ số Nasdaq đạt đỉnh ngay ngày 10.3.2000, ở mức 5.132,52 điểm. Và rồi bong bóng vỡ. Chỉ số này rớt xuống chỉ còn 1.100 điểm vào tháng 10.2002. Khi thị trường trượt dốc, các doanh nghiệp dotcom “hot” cũng lao đao. Geocities, Webvan và Boo.com biến mất. Những cái tên được chú ý như Pets.com, Kozmo cũng tan rã. Cổ phiếu Amazon giảm hết tháng này qua tháng khác, mất hơn 90% vốn hóa trong hai năm.
Thế nhưng Amazon vẫn trụ lại sau cơn bão, một phần là nhờ cách quản lý tốt và may mắn về vốn phút chót, ngay trước khi bong bóng dotcom vỡ. Cả những người mua cổ phiếu Amazon vào lúc bong bóng dotcom căng nhất, khoản đầu tư của họ vẫn hái trái ngọt hôm nay. Ví dụ, 1.000 USD rót vào cổ phiếu Amazon tháng 12.1999 hiện có giá 15.500 USD.
Amazon hôm nay
Giữa những năm 2000 là thời đoạn hoài nghi lẫn tăng trưởng mạnh của Amazon. Sau khi phục hồi từ đợt lao dốc dotcom, hãng hiếm khi có lợi nhuận. Dù vậy, Amazon tích cực tái đầu tư doanh thu. Hãng mở rộng cơ sở khách hàng và các dịch vụ bán lẻ bên cạnh việc thử nghiệm, đầu tư vào ý tưởng mới mà sau này ăn nên làm ra. Trong số này có Amazon Prime, Amazon Web Services và Kindle.
Thoát khỏi khủng hoảng tài chính 2008, Amazon bắt đầu phát triển thành doanh nghiệp hiện đại, tham gia hầu hết vào mọi lĩnh vực, trở thành “ông lớn” công nghệ Mỹ. Hãng có loa Echo tích hợp trợ lý ảo Alexa, dòng máy tính bảng, dịch vụ Prime Video thành công và bắt đầu sản xuất phim. Hãng cũng thâm nhập mảng bán lẻ truyền thống, mở cửa hàng sách Amazon và thâu tóm công ty Whole Foods.
Theo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/cong-nghe/tung-truot-gia-90-amazon-ngay-nay-van-la-hang-cong-nghe-top-dau-my-1035112.html