|
Các tay súng Shiite phóng rốc két về phía mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở TP Baiji - Iraq Ảnh: REUTERS |
Mới nhất, bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, hôm 19-11 thúc giục sử dụng bộ binh Mỹ nhiều hơn để chống IS ở Syria và Iraq. Dù bác bỏ khả năng đưa hàng chục ngàn quân, như tại Afghanistan và Iraq trước đó, nhưng cựu ngoại trưởng Mỹ cho rằng Washington nên triển khai thêm đặc nhiệm và đẩy mạnh không kích IS, bên cạnh việc thiết lập vùng cấm bay.
Trước đó, ông Jeb Bush, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, cũng kêu gọi Mỹ triển khai bộ binh và đứng đầu một liên minh toàn cầu để chống IS. Đối thủ của ông Bush trong nội bộ đảng, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thậm chí còn đi xa hơn khi đề xuất con số 10.000 binh sĩ Mỹ ở Iraq và Syria.
Đây cũng là con số mà Thượng nghị sĩ John McCain đưa ra nhưng chỉ dành cho Syria sau khi ông này chỉ trích Tổng thống Obama thiếu chiến lược và sự lãnh đạo trong cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, báo Focus (Đức) dẫn lời GS Albert Stahel thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Waedenswil cho rằng nếu muốn tiêu diệt được IS, cần phải triển khai khoảng 100.000 lính dưới sự yểm trợ của pháo và xe tăng, bên cạnh mở rộng quy mô sử dụng máy bay ném bom và nhằm vào nhiều mục tiêu quan trọng là cứ điểm của IS.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là thành phần của lực lượng bộ binh chống IS, nếu có, sẽ bao gồm những ai. Để xoa dịu nỗi lo của dư luận Mỹ về nguy cơ sa lầy, ông Jeb Bush cho rằng phần lớn lực lượng này sẽ đến từ các nước trong khu vực.
Trong khi đó, tờ The Guardian (Anh) đề cập 2 lựa chọn thay thế trong trường hợp phương Tây chưa muốn đưa bộ binh chống IS. Một là liên quân tập hợp binh lính của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran và Nga. Lựa chọn còn lại là lực lượng tập hợp bộ binh của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh, trong đó có Ả Rập Saudi.
Theo NLĐ