Từ vụ Seven.AM tráo mác đến UNIQLO vào Việt Nam: Tương lai nào cho thương hiệu thời trang Việt?

VietTimes -- Thị trường thời trang Việt Nam đón nhận một số tin tức mới trong thời gian qua, trong đó nổi bật lên câu chuyện Uniqlo – hãng thời trang ngoại đình đám gia nhập vào thị trường Việt. Và một câu chuyện nổi khác, đó là một thương hiệu thời trang Việt dính nghi vấn cắt mác Trung Quốc dán mác thời trang nội địa.
Những cửa hàng thời trang san sát trên tuyến đường CMT8 (Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh)
Những cửa hàng thời trang san sát trên tuyến đường CMT8 (Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh)

D.A – chủ một shop thời trang cho biết, việc nhập hàng từ Trung Quốc rất đơn giản. Nguồn hàng đẹp, chất lượng cao, giá thành rất rẻ, cách mua khá đơn giản, chỉ cần vài click chuột trên máy tính là có thể nhập hàng về tận nơi.

Khi được hỏi vì sao không tự sản xuất hàng thương hiệu Việt hẳn hoi. D.A đưa ra hai nguyên nhân chính, thứ nhất là về mẫu mã, việc tìm nhà thiết kế riêng không dễ. Tiếp theo là tìm xưởng may. “Với mỗi mẫu quần áo, mình chỉ nhập một lúc 5-10 chiếc vì hàng thời trang nhập nhiều dễ bị tồn kho và lỗi thời. Nhưng việc chỉ may với số lượng không nhiều trên mỗi mẫu sẽ khiến mình không thương lượng được giá tốt, kể cả giá vải, lẫn giá may. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc có rất nhiều mẫu mã, và chất lượng cũng rất tốt.”

Các mẫu quần áo bày bán trong shop của D.A có mức giao động từ 300.000 đồng – 600.000 đồng, khá tương đồng với mức giá tại một số thương hiệu thời trang tầm trung của Việt Nam.

Cô cũng lý giải: Thời trang tầm trung, cao cấp thì khách hàng chuộng nhãn ngoại, thời trang phân khúc bình dân hơn thì có hàng Thái, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Giờ làm thương hiệu riêng rất khó.”

Nói về thị trường thời trang Việt Nam, hầu hết các công ty phân tích thị trường đều đưa ra những nhận định tích cực. Theo Seedcom, quy mô ngành thời trang Việt Nam năm 2018 ước tính khoảng 5 tỷ USD, dự kiến đạt 7 tỷ USD vào năm 2023. Một nghiên cứu của Nielsen chỉ ra rằng giới trẻ Việt Nam rất yêu thích quần áo có thương hiệu. Tốc độ tăng trưởng của ngành thời trang việt được được dự đoán nằm trong khoảng từ 22-25%/năm.

Minh chứng lớn nhất của sự hấp dẫn thương hiệu Việt Nam là sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu thời trang, có thể kể đến những cái tên như: H&M, Zara, Mango, và gần đây là Uniqlo. Tuy nhiên, khi Uniqlo thông báo sẽ mở cửa hàng thời trang đầu tiên tại Việt Nam, giới truyền thông trong nước đã tỏ thái độ lo lắng cho những thương hiệu thời trang nội.

Tìm chỗ đứng cho thương hiệu Việt?

Trở lại với lùm xùm mới đây của Thương hiệu thời trang Seven.AM. khi thương hiệu này bị cáo buộc cắt mác Trung Quốc để gắn nhãn mác của thương hiệu.

Seven.AM ra mắt vào năm 2009, đến nay phát triển tới 24 cửa hàng tại 18 tỉnh thành phố lớn trên cả nước. Đây là thương hiệu thời trang khá nổi tiếng và được quảng bá là "made in Vietnam". 

Câu chuyện tương tự đã từng xảy ra với một thương hiệu lụa cao cấp của Việt Nam là Khải Silk. Theo một khảo sát, một chiếc khăn lụa cùng mẫu mã với Khaisilk được bày bán tại các chợ, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ có giá chỉ dao động trong khoảng 150.000 – 180.000 đồng nhưng khi được gắn mác Khaisilk được bán tới 650.000 đồng đến cả triệu đồng, lợi nhuận thu về thấp nhất là gấp 4 lần.

Những năm trở lại đây, các thương hiệu thời trang nội địa đã nổi lên khá nhiều về số lượng, có thể kể đến những cái tên như: Eva, Hnoss, Juno, Vascara… Tuy nhiên, thực tế chưa có tên tuổi đủ lớn để sánh được với những thương hiệu thời trang ngoại. Thị trường lớn, nhưng cũng đầy thách thức, nỗ lực gầy dựng thương hiệu nội địa có thể bị ảnh hưởng ít nhiều từ những thương vụ thay đổi nhãn mác kể trên.

Chia sẻ với VietTimes – Chủ thương hiệu Hnoss – Cổ Huệ Anh, cho rằng: “Việc những thương hiệu Việt sử dụng hàng Trung Quốc rồi dán mác Việt khó có thể nói sẽ không diễn ra hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, nó sẽ làm ảnh hưởng chung đến tâm lý, vì ngành này thực chất cũng rất nhỏ.”

Chị Huệ Anh chia sẻ thêm:“Việc mình cần sản phẩm nhập khẩu đôi khi không thể tránh khỏi vì kỹ thuật của mình đôi khi chưa đáp ứng được. Ví dụ như kỹ thuật dệt chẳng hạn. Nhưng cái gì mình nhập thì mình cứ nói là mình nhập. Khách hàng có thế chấp nhận được thì chấp nhận, không thì thôi.”

Lại nói về các thương hiệu ngoại, chị Huệ Anh cho rằng thị trường có tốt thì thương hiệu ngoại mới vào, và thị trường thì luôn cần cạnh tranh. Theo đuổi ngành thời trang 10 năm với thương hiệu Hnoss, chị Huệ Anh nhận xét ngành thời trang còn rất tiềm năng cho các thương hiệu nội.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp, tại thị trường Việt Nam doanh thu Zara đạt khoảng 1,77 nghìn tỷ, H&M đạt 653 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm 2017.

Những con số này một mặt có thể cho thấy sự cởi mở của người dùng Việt với những mặt hàng thời trang có thương hiệu. Và thực tế chính sự xuất hiện của những tên tuổi này cũng đã làm gia tăng thói quen sử dụng hàng có thương hiệu xuất xứ rõ ràng của người Việt. Nắm bắt được hay không rõ ràng vẫn là câu chuyện của các nhà làm kinh doanh./.