Từ việc nữ VĐV giải marathon tử vong đột ngột: Làm thế nào để chạy bộ an toàn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến vận động viên (VĐV) gặp vấn đề sức khỏe đột ngột trên đường chạy marathon và khuyến cáo những việc các VĐV, ban tổ chức cần làm để hạn chế sự cố đáng tiếc như đột quỵ trên đường chạy.

Mới đây nhất, đã có 4 vận động viên nhập viện cấp cứu tại giải "VNExpress Marathon Huế 2025" diễn ra hôm 6/4, trong đó một VĐV nữ 53 tuổi có dấu hiệu đột quỵ và đã qua đời.

Vậy làm thế nào để chạy bộ an toàn? Đâu là những nguy cơ VĐV cần lường trước? VĐV, ban tổ chức giải chạy cần làm gì để hạn chế sự cố đáng tiếc như đột quỵ trên đường chạy? VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Hoàng Anh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế để tìm câu trả lời cho các câu hỏi này.

- Thưa bác sĩ, trước thực trạng nhiều sự cố sức khỏe xảy ra với VĐV chạy bộ trong thời gian gần đây như ngất xỉu, đột quỵ... bác sĩ có thể chỉ ra nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết đột quỵ?

- Chạy bộ, đặc biệt là chạy đường dài và cường độ cao, đặt ra những thách thức nhất định cho cơ thể, nhất là hệ tim mạch. Chúng ta có khái niệm "Hội chứng tim VĐV", mô tả những thay đổi ở tim do quá trình luyện tập kéo dài, cường độ cao.

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là các biến cố cấp tính có thể xảy ra, không chỉ ở VĐV chuyên nghiệp mà cả những người tham gia phong trào.

vt_canh bac chay bo 1.png
TS Hoàng Anh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Ảnh: Nguyễn Lê

Các sự cố thường gặp bao gồm:

Ngất (Syncope): Đây là tình trạng mất ý thức đột ngột, thường do nhiều nguyên nhân:

Ngất do phản xạ: Thường lành tính, do kích thích thần kinh phế vị.

Ngất do hạ huyết áp tư thế: Xảy ra khi thay đổi tư thế đột ngột, máu không kịp lên não.

Ngất do bệnh lý tim mạch: Đây là nhóm nguy hiểm nhất, có thể do rối loạn nhịp tim (quá nhanh hoặc quá chậm), bệnh cơ tim, bệnh van tim... khiến tim không bơm đủ máu lên não.

Ngất do các yếu tố khác: Sốc nhiệt, hạ đường huyết, rối loạn điện giải...

Đột quỵ não: Xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc vỡ (xuất huyết não).

Nhồi máu não: Thường do cục máu đông hình thành tại chỗ (trên mảng xơ vữa) hoặc từ nơi khác (tim, mạch máu lớn) di chuyển lên làm tắc mạch máu não.

Xuất huyết não: Do vỡ phình mạch máu não, vỡ dị dạng mạch máu não hoặc do tăng huyết áp không kiểm soát, rối loạn đông máu.

Đột quỵ thường có dấu hiệu báo trước rất quan trọng cần nhận biết sớm theo quy tắc FAST:

F (Face - Mặt): Yếu liệt một bên mặt, mặt bị xệ xuống, cười méo.

A (Arms - Tay): Yếu hoặc liệt một bên tay (hoặc chân), không thể giơ đều hai tay.

S (Speech - Lời nói): Nói khó, nói ngọng, nói líu lưỡi, không diễn đạt được.

T (Time - Thời gian): Nếu thấy các dấu hiệu trên, phải gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức. Thời gian là vàng, càng sớm càng tốt để cứu tế bào não.

Nhồi máu cơ tim: Đây là tình trạng một phần cơ tim bị hoại tử do tắc nghẽn đột ngột động mạch vành nuôi tim. Nguyên nhân thường do mảng xơ vữa bị nứt vỡ, hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Triệu chứng điển hình là đau ngực dữ dội, cảm giác bị đè nặng, bóp nghẹt sau xương ức, có thể lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay trái. Cơn đau thường kéo dài trên 20-30 phút, có thể kèm theo vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn. Nhồi máu cơ tim gây suy tim cấp, rối loạn nhịp tim nặng, sốc tim và có thể dẫn đến đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.

- Vậy tại sao ngay cả những người chơi thể thao, có vẻ khỏe mạnh, vẫn có thể gặp những biến cố này, thưa bác sĩ?

- Theo tôi thì có nhiều yếu tố. Chẳng hạn bệnh lý tiềm ẩn không được phát hiện. Nhiều người có bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, rối loạn nhịp, bệnh cơ tim phì đại, dị dạng mạch máu não...) nhưng không biết vì chưa có triệu chứng rõ ràng hoặc chưa bao giờ tầm soát kỹ. Khi vận động gắng sức quá mức, các bệnh lý này mới bộc lộ và gây biến cố.

Hay việc luyện tập không đúng cách hoặc quá sức. Đặc biệt ở các VĐV phong trào, nhiều người thiếu quá trình tập luyện bài bản, cơ thể chưa kịp thích nghi đã tham gia các cự ly dài hoặc cường độ cao, dẫn đến quá tải.

Bên cạnh đó có yếu tố môi trường như thời tiết khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh) làm tăng gánh nặng cho cơ thể, dễ gây sốc nhiệt, mất nước, rối loạn điện giải.

Hay dinh dưỡng và bù nước/điện giải không đầy đủ, thiếu chuẩn bị như thức khuya, căng thẳng, không có chế độ dinh dưỡng hợp lý trước ngày thi đấu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Để giảm thiểu rủi ro, VĐV và Ban tổ chức các giải chạy cần chú ý những gì?

- Về phía VĐV cần tầm soát sức khỏe định kỳ và trước giải. Đây là việc cực kỳ quan trọng nhưng hay bị bỏ qua. Cần khám tổng quát, đo điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim, xét nghiệm máu cơ bản... để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, rối loạn chuyển hóa. Đừng chủ quan nghĩ mình khỏe mạnh.

Bạn cũng cần lắng nghe cơ thể mình. Nhận biết các dấu hiệu bất thường như đau ngực, khó thở bất thường, chóng mặt, tim đập không đều, mệt mỏi quá mức... và dừng lại ngay khi cần thiết. Đừng cố gắng quá sức.

Có kế hoạch tập luyện phù hợp, tăng dần cường độ và cự ly. Chú trọng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, bù đủ nước và điện giải trước, trong và sau khi chạy.

Về phía Ban tổ chức, theo tôi cần thực hiện nghiêm việc yêu cầu/khuyến khích VĐV kiểm tra sức khỏe.

Thứ hai là đảm bảo y tế chuyên nghiệp, bắt buộc phải có đội ngũ y tế được đào tạo bài bản về cấp cứu ban đầu (sơ cứu ngất, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, sốc nhiệt...), hồi sức tim phổi (CPR) có mặt xuyên suốt giải diễn ra.

IMG_7380.jpeg
Giải chạy VnExpress Marathon Huế 2025 thu hút đông đảo số lượng VĐV chuyên lẫn không chuyên. Ảnh: UBND TP Huế

Thứ ba, trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu. Ngoài các dụng cụ cơ bản (máy đo huyết áp, mạch, nhiệt kế, máy đo đường huyết nhanh), cực kỳ cần thiết phải có máy sốc điện tự động (AED) tại các điểm trọng yếu trên đường chạy và khu vực về đích. Máy AED có thể cứu sống bệnh nhân bị ngừng tim do rung thất - một rối loạn nhịp gây đột tử phổ biến. Các nước tiên tiến trang bị AED ở rất nhiều nơi công cộng (sân bay, nhà ga, siêu thị...). Ngoài ra cần có cáng, thuốc cấp cứu cơ bản, phương tiện vận chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.

Ngoài ra cần bố trí trạm tiếp nước và điện giải hợp lý phục vụ VĐV.

Đặc biệt, khi có sự cố phải nhanh chóng đánh giá tình trạng VĐV (ý thức, nhịp thở, mạch).

Thực hiện cấp cứu ban đầu phù hợp (ví dụ: đặt nạn nhân ở tư thế hồi phục nếu bất tỉnh còn thở, ép tim - thổi ngạt nếu ngừng tim, sử dụng máy sốc điện nếu có chỉ định, giữ ấm hoặc làm mát tùy tình huống...).

Gọi hỗ trợ y tế chuyên nghiệp và vận chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nhớ rằng, với đột quỵ và nhồi máu cơ tim, thời gian là yếu tố sống còn.

- Xin cảm ơn ông!

Ngày 6/4 Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận 4 bệnh nhân là VĐV gặp sự cố sức khỏe khi tham gia Giải chạy VnExpress Marathon Huế 2025 diễn ra sáng cùng ngày.

Trong 4 bệnh nhân 2 người đã được xuất viện, một người hiện đang được tiếp tục điều trị; riêng chị N.T.P. (sinh năm 1972, trú ở huyện Quảng Điền, TP Huế) đã được bệnh viện nỗ lực cứu chữa nhưng không qua khỏi. Trước đó chị P. bị ngã quỵ trên đường chạy; nhập viện cấp cứu với những triệu chứng xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch máu não, tổn thương não lan tỏa do ngưng tim kéo dài...

Giải chạy VnExpress Marathon Huế 2025 có gần 12.000 VĐV tham gia với các cự ly 5km, 10km, 21km và 42km.

Hồi cuối tháng 7/2024, hai VĐV khi tham gia giải chạy “Quang Binh International Marathon 2024” tại TP. Đồng Hới cũng đã nhập viện cấp cứu.

Tại giải chạy Marathon Quy Nhơn 2022 một VĐV bị ngất xỉu sau đó không qua khỏi. Tại Giải Vietnam Ultra Marathon Hòa Bình 2024, một VĐV khác cũng gặp sự cố về sức khỏe và cũng đã qua đời...