Theo báo Anh Guardian, Twitter đang phải đối mặt với câu hỏi đó sau khi họ tuyển dụng Kathy Chen, cựu kỹ sư của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), làm phụ trách bán hàng và phát triển kinh doanh ở Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan. Các nhà hoạt động tự do Internet và phản đối kiểm duyệt ở Trung Quốc đã gọi đây là một sự phản bội.
Cuộc tranh cãi này là minh họạ cho việc các công ty công nghệ Mỹ đang phải tìm cách cân bằng lợi ích khi họ buộc phải mở rộng ra thị trường hải ngoại để phát triển. Ở Mỹ, Silicon Valley cũng như bất kỳ ngành nào khác, đều theo đuổi và dựa vào các mối quan hệ thân cận với các cựu quan chức chính phủ để vừa tận dụng tài năng kỹ thuật của họ vừa thuận lợi hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến quy định, pháp lý.
Chủ tịch hãng Alphabet, ông Eric Schmidt, gần đây đã tham gia một hội đồng tư vấn cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Facebook tuyển dụng một cựu giám đốc phòng lab Darpa của quân đội Mỹ. Uber thuê cựu quản lý chiến dịch của tổng thống Barack Obama là David Plouffe và Amazon.com thu nhận cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney.
Google, Facebook, Uber và Apple cùng tuyển dụng cả tá cựu chuyên gia phân tích cho các cơ quan phản gián của Mỹ. Trong đó có những người công khai hồ sơ của mình trên mạng xã hội LinkedIn.
Các mối quan hệ này không có gì là mới hoặc bí mật. Song thực tế họ quá chấp nhận sự tồn tại mối quan hệ mật thiết với chính phủ cho thấy các hãng công nghệ - ngay cả khi hiện đang có các tranh cãi với chính phủ về giám sát và mã hoá thông tin cá nhân – vẫn được xem là những doanh nghiệp Mỹ ủng hộ các giá trị Mỹ nhất.
Song khi Twitter tìm cách bán nhiều quảng cáo ở Trung Quốc hơn nữa, Google cân nhắc quay lại thị trườngnày và ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg thực hiện các chuyến đi tới Trung Quốc thì điều đó có thể thay đổi.
"Nếu tôi là Twitter thì đó [tuyển dụng một cựu nhân viên quốc phòng Trung Quốc] là một động thái chiến lược, thông minh. Nếu tôi là một nhà hoạch định chính sách của Mỹ thì đó là điều đáng quan ngại", Shawn Powers, tác giả cuốn sách The Real Cyber War: The Political Economy of Internet Freedom (Tạm dịch: Cuộc chiến tranh số thực sự: Kinh tế chính trị của tự do Internet) nói.
Ông Powers nói không rõ phản ứng phản đối việc Twitter tuyển dụng bà Chen là dựa trên chủ nghĩa dân tộc hay thực tế là Trung Quốc kém minh bạch về việc chính phủ và các doanh nghiệp tương tác thế nào. "Có nhiều hoài nghi rất cụ thể về vai trò của Trung Quốc trên thế giới", ông nói.
Tất nhiên, Twitter bảo vệ việc tuyển bà Chen, cho biết vị giám đốc này chưa bao giờ là đảng viên mặc dù thừa nhận bà có các mối liên quan đến PLA.
Một điều oái oăm là Twitter – cùng với Facebook, Google và các hãng công nghệ khác – hiện nay về kỹ thuật là bị cấm ở Trung Quốc nhưng vẫn có người dùng ở đất nước này do họ đã sử dụng cái gọi là "mạng riêng ảo" để vượt hàng rào kiểm duyệt. Thực tế, việc chặn dịch vụ cũng không cản trở được Twitter bán quảng cáo cho các nhà quảng cáo Trung Quốc, những người muốn có khách hàng ở ngoài đại lục hoặc nhắm vào những người dùng Trung Quốc đang tìm cách lách luật để sử dụng Twitter.
Các lãnh đạo của Twitter nói vai trò của bà Chen không liên quan đến các vị trí trong hãng mà chỉ là đại diện kinh doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có một số công ty chạy quảng cáo trên Twitter. Và ở Trung Quốc, nơi ranh giới giữa lĩnh vực công và tư mờ nhạt hơn ở Mỹ rất nhiều, doanh nghiệp Mỹ cần có ai đó hiểu rõ hệ thống hoạt động như thế nào.
Christopher Soghoian, một kỹ thuật viên làm việc cho Liên hiệp tự do dân sự Mỹ, nói các mối quan hệ với chính phủ của nhân viên cấp thấp không quan trọng bằng mối quan hệ của lãnh đạo với chính phủ. Chẳng hạn, ít nhất hàng tá kỹ sư của Google đã làm việc cho Cơ quan an ninh quốc gia NSA (Mỹ), theo hồ sơ trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn. Tất nhiên, ở Silicon Valley, không phải tất cả mọi người làm việc cho một cơ quan tình báo đều quảng bá thông tin đó lên LinkedIn.
Ông Soghoian cho rằng việc Google tuyển một cựu hacker làm việc cho NSA về làm ở bộ phận bảo mật không làm ông lo ngại. Điều ông ngại nhất là ông Eric Schmidt có mối quan hệ thân thiết với Nhà Trắng.
Hồi tháng Ba vừa qua, Lầu Năm Góc tuyên bố ông Schmidt, Chủ tịch điều hành của Alphabet, công ty mẹ của Google, sẽ làm chủ tịch hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trong việc định hướng công nghệ mới. Khi được phóng viên hỏi, Google đã không bình luận gì về việc này.
Trong tháng Một, các lãnh đạo của một số hãng công nghệ, gồm bà Sheryl Sandberg – nhân vật quan trọng thứ 2 ở Facebook – đã có cuộc gặp với các quan chức an ninh quốc gia Mỹ để bàn luận xem có thể có cách nào giúp chính phủ đối phó tốt hơn với các phần tử Hồi giáo cực đoan trên mạng xã hội.
Và chắc rằng, mặc dù vai trò của bà Chen ở Twitter có thể chỉ liên quan đến kinh doanh nhưng bà vẫn không thể chối bỏ sức mạnh của một công ty công nghệ trong thúc đẩy lợi ích của một quốc gia.
Trong phản hồi thông điệp của đài truyền hình Trung Quốc CCTV thông tin việc bà được bổ nhiệm ở Twitter, bà Chen viết: "Hãy cùng nhau làm việc để kể câu chuyện Trung Hoa vĩ đại với toàn thế giới".
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, các công ty công nghệ thân với quân đội Mỹ hay với Trung Quốc, cái nào tệ hơn? Với những thông tin đề cập ở trên thì rõ ràng khó có câu trả lời cụ thể cái nào tệ hơn cái nào bởi vì thực tế các hãng công nghệ không ít thì nhiều vẫn phải có mối liên hệ với các chính phủ này.
Theo VnReview