Từ luyện thép mềm đến chế súng thần cơ, Trung Quốc đều “học” của Việt Nam?

VietTimes -- Muộn nhất là cuối thế kỷ XIV, ông cha ta đã nắm trong tay “công nghệ” luyện thép mềm và dùng thép mềm để đúc được súng nòng dài vác vai, sau đó khoảng 1407 “bí kíp” công nghệ này mới bị nhà Minh chiếm đoạt thông qua việc bắt và khai thác Hồ Quý Ly và con trai ông - Hồ Nguyên Trừng. 
Tác giả tiểu thuyết lịch sử Kim Thiếp Vũ Môn - Trần Gia Ninh
Tác giả tiểu thuyết lịch sử Kim Thiếp Vũ Môn - Trần Gia Ninh

Đây là luận điểm được nêu bật tại cuộc tọa đàm Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử, vừa diễn ra sáng nay (5/5/2017) nhằm thảo luận về cuốn tiểu thuyết lịch sử Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn (金妾雨門) của tác giả Trần Gia Ninh. Cuộc toạ đàm do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức.

Kim Thiếp vốn  là 2 chữ Hán khi ghép lại cạnh nhau (金妾) sẽ được một chữ Nôm đọc là “thép” (sắt thép). Còn Vũ Môn là một địa danh ở vùng Hương Khê, Hà Tĩnh - quê hương của tác giả Trần Gia Ninh mà giới chuyên ngành vẫn biết đến với danh xưng Giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Xuân Hoài, Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Kim Thiếp Vũ Môn hiểu đơn giản chính là Thép Vũ Môn, thứ thép mà người Việt tự luyện ra được từ cuối đời Trần ở vùng Vũ Môn, Hương Sơn, Hà Tĩnh và được dùng để chế ra loại súng nòng dài vác vai – món binh khí chủ lực giúp nhà Trần đánh tan tác quân Chế Bồng Nga năm 1390, đẩy lui cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân nhà Minh năm 1404.

Thiếu thời học Thiếu sinh quân, trưởng thành dùng ngôn ngữ châu Âu viết nghiên cứu

Tác giả Trần Gia Ninh (GS.TSKH Trần Xuân Hoài) sinh năm 1941. Ông tự giới thiệu về bản thân: “Tôi quê gốc ở Hà Tĩnh. Cha tôi vốn là một công trình sư thời Pháp thuộc, tham gia kháng chiến và là lãnh đạo xây dựng ngành giao thông vận tải trong hai cuộc kháng chiến, mẹ bị bom Pháp giết hại lúc chúng tôi còn nhỏ. Tôi được gửi vào Trường thiếu sinh quân, năm 1953 sang Lư Sơn, Trung Quốc khi mới hơn 10 tuổi. May mắn được hưởng sự giáo dục đầy đủ lúc nhỏ, lớn lên được đào tạo và làm việc ở nhiều cơ sở nghiên cứu lớn trên thế giới. Tôi nhận học vị tiến sĩ rồi tiến sĩ khoa học đều ở Đại học Humboldt, Berlin, Đức, là giáo sư thỉnh giảng (visiting professor) của một vài trường đại học ở châu Âu (…) Tôi có viết khoảng hơn năm chục công trình gồm sách và báo chuyên môn, bằng sáng chế… chủ yếu bằng tiếng Anh, Đức Nga”.

Trong tài liệu gửi báo chí, nhà vật lý giải thích vì sao mình lại viết tiểu thuyết khi tuổi đã ngoài 75: “Khi nói đến trí tuệ, văn minh phương Đông, thiên hạ hay nhắc đến 4 phát minh vĩ đại nhất – gồm có la bàn, làm giấy, nghề in, và thuốc súng. Nhờ có thuốc súng, nhiều dân tộc đã chế ra được các hỏa khí như hỏa tiễn, hỏa pháo rồi đến súng thần công.

Vào đầu thế kỷ XV, nhà Minh Trung Hoa đã có trong tay một loại súng gần như súng hỏa mai mà họ gọi là Thần Cơ Thương tức súng thần, mạnh hơn cung kiếm, đánh cho quân Tacta thua tơi tả. Đây là một phát minh thần kỳ, làm thay đổi lịch sử chiến tranh của nhân loại.  Sách “Minh Sử” của Trung Hoa chép: “Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ, chiếm được phép chế Thần Cơ Thương Pháo, đặt riêng Thần Cơ Doanh luyện tập”. Minh Thành Tổ chiếm Giao Chỉ năm 1407, trong khi Đại Việt sử ký toàn thư tả trận đánh năm Canh Ngọ 1390 đời Trần “Trần Khát Chân liền ra lệnh các hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết”.

Như vậy người Giao Chỉ, tức người Việt, đã sáng tạo ra súng thần cơ muộn nhất là cuối thế kỷ XIV, cuối đời Trần. Nhà Minh đã giấu kỹ bí kíp Thần cơ đã chiếm đoạt được của nước Việt. Nhưng rồi nó cũng bị rò rỉ sang phương Tây qua các cuộc chiến với Tacta. Cho nên hơn năm chục năm sau, vào nửa cuối thế kỷ XV người Ottoman rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo khẩu súng hỏa mai (matchlock musket) đầu tiên. Rồi từ đó phương Tây phát triển tiếp bao nhiêu loại vũ khí cho đến ngày nay.

“Tiếc thay, các vương triều cầm quyền nước Nam xưa thường có truyền thống ngưỡng mộ, sùng bái đạo thánh hiền, chỉ chăm chú vào thi thư lễ nghĩa, tầm chương trích cú, mà vùi dập, coi thường tài năng của dân Việt, cho nên những sáng tạo của người Việt cũng lụi tàn theo thời gian. Còn sử sách nước Việt cũng không chép lại. Quyển sách này cố chép lại những điều mà chính sử đã quên lãng đó.”

Tác phẩm bồi dưỡng ý chí và khát vọng của người Việt

Buổi toạ đàm đã ghi nhận những ý kiến bàn thảo sôi nổi. Sau lời mở đầu của Ts. Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học và dẫn nhập của TS. Trần Ngọc Vương, nhà nghiên cứu cổ văn học PGS.TS. Trần Nho Thìn làm nóng tọa đàm bằng một nhận định có phần cực đoan nhưng gây ấn tượng mạnh về tầm quan trọng của vũ khí đối với thành bại trong chiến tranh: “Bấy lâu khi viết về lịch sử chúng ta hay nhấn mạnh yếu tố con người, đặc biệt là sự chính nghĩa, lòng yêu nước, căm thù giặc, là kẻ thù tàn bạo, là nhân dân nổi lên, v.v.  nhưng ta chưa chú trọng nhân tố vật chất, khoa học công nghệ, đặc biệt là vũ khí. Tôi rất ấn tượng cuốn sách của Tạ Chí Đại Trường viết về lịch sử nội chiến thế kỷ XVIII trong đó có một luận điểm rất quan trọng: đó là trong nội chiến giữa Lê Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn anh nào tranh thủ được kỹ thuật phương Tây thì anh đó thắng thôi, không có chính nghĩa gì ở đây hết”.

Cổ vũ tác giả Trần Gia Ninh khảo chứng và đề cao thành tựu kỹ thuật quân sự của Việt Nam thế kỷ XIV nhưng ông Trần Nho Thìn bày tỏ băn khoăn về khả năng khai khoáng và luyện kim thật sự của Việt Nam thời bấy giờ. Ông đặt vấn đề: Liệu chúng ta có mua súng ống, đại bác của nước ngoài không; hoặc liệu ta có học khai khoáng và luyện kim từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ rồi trở thành “trò giỏi” đã xuất sắc vượt thầy hay không. Băn khoăn ấy theo ông là có cơ sở, bởi “phân kỳ đồ đồng, đồ sắt của chúng ta không thật rõ, giới khảo cổ ở ta chừng như vẫn lảng tránh chuyện này,  bằng những cách gọi tên như văn hóa Hòa bình, văn hóa Đông Sơn v.v. chứ không nói “bronze age” (thời kỳ đồng hợp kim – PV) hay “iron age” (thời kỳ đồ sắt – PV) rành mạch như khảo cổ học phương Tây”, ông nói.

Đánh giá cao tình cảm và công phu tác giả dành cho cuốn sách, nhà dịch giả lão thành Trần Đình Hiến một mặt ghi nhận tầm quan trọng của vũ khí trong chiến tranh nhưng lưu ý rằng vũ khí được trao vào tay ai là chuyện rất quan trọng, ta cũng không nên quá đề cao vai trò của vũ khí kẻo lại sa vào “vũ khí luận”.

Ngoài ra, cuộc tọa đàm còn ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của nhiều diễn giả tên tuổi như Giáo sư Trần Đình Sử, Dịch giả Vũ Thế Khôi, Nhà sử học Bùi Thiết, Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, Phạm Xuân Thạch v.v. Tất cả đều đánh giá cao phát hiện của tác giả Trần Gia Ninh, khâm phục sự công phu tìm tòi và cầu kỳ trong thể hiện, phá cách trong sáng tạo của ông. Kim Thiếp Vũ Môn xứng đáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu bồi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc qua việc đề cao ý chí, khát vọng, thành tựu và trí tuệ của con người Việt Nam.