Tư lệnh Thái Bình Dương bất ngờ đưa tuyên bố cứng rắn, nhắc nhở Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về châu Á

VietTimes -- Đô đốc Harry Harris tuyên bố Mỹ không có Tổng thống "què chân" trong các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ sẽ triển khai hành động quân sự và chiến thắng khi cần thiết. Đây là tuyên bố cứng rắn hiếm thấy trong thời điểm ông Donald vừa trở thành Tổng thống đắc cử Mỹ.
Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (Ảnh tư liệu)
Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (Ảnh tư liệu)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/11 dẫn lời Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ngày 15/11 mạnh mẽ tuyên bố cho dù Chính phủ Mỹ khóa mới lên thay, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy "cam kết kiên định" đối với các đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương.

Báo chí Mỹ thậm chí dẫn lời ông Harry Harris cho biết trong các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ không tồn tại Tổng thống “què chân”. Nếu cần thiết Quân đội Mỹ sẽ triển khai các hành động quân sự và giành chiến thắng trong chiến tranh.

Ngoài ra, Đô đốc Harry Harris bày tỏ lo ngại sâu sắc đối với việc Trung Quốc xây dựng trái phép đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự trên Biển Đông cũng như việc Trung Quốc đơn phương lập ra Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông.

Mặc dù ông Harry Harris cũng cho biết quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiến triển tốt đẹp, Quân đội Mỹ sẽ tìm cách hợp tác với Trung Quốc, nhưng khi cần thiết làm tốt công tác chuẩn bị cho đối kháng.

Báo Trung Quốc bình luận rằng, về tổng thể, đây là tiếng nói mạnh mẽ nhất của phía Mỹ đối với tình hình châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu ra Tổng thống Mỹ khóa tới. Người phát biểu lại là Đô đốc Harry Harris.

Những năm gần đây, Đô đốc Harry Harris hầu như đã trở thành một trong những “nhân vật trung tâm” của chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ, ông giống như người chỉ huy cầm súng đốc chiến.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Telegraph.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Telegraph.

Đô đốc Harry Harris nhiều lần tuyên bố Trung Quốc tạo ra mối đe dọa cho hòa bình châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện vai trò mang tính quyết định của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trên phương diện ngăn chặn các tham vọng của Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố phản đối chính sách "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các phát biểu của ông Donald Trump trong thời gian tranh cử cho thấy ông có ý định thúc đẩy một chính sách khác với ông Barack Obama, giảm can dự vào các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, muốn tập trung hơn vào vấn đề kinh tế trong nước hơn là triển khai đối đầu địa-chính trị nước lớn trên thế giới.

Đô đốc Harry Harris đứng đầu Bộ tư lệnh liên hợp lớn nhất của Quân đội Mỹ, ông lãnh đạo 300.000 quân. Lần này, Đô đốc Harry Harris rất giống là người đại diện cho Lầu Năm Góc tiến hành "đánh đòn phủ đầu" đối với ông Donald Trump.

Đến nay, đội ngũ của ông Donald Trump vẫn lạnh nhạt với Lầu Năm Góc. Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump cũng nhiều lần để lộ ý định chỉnh đốn Lầu Năm Góc sau khi lên nắm quyền. Điều này có thể tạo ra tâm lý "thù hận" trong Quân đội Mỹ.

Đô đốc Harry Harris là người gốc tích từ Nhật Bản, được một bộ phận dư luận Nhật Bản coi là "thần bảo hộ của Nhật Bản". Trong bài phát biểu ngày 15/11, ông Harry Harris nhấn mạnh đến mối đe dọa đến từ Trung Quốc, cho dù ông thừa nhận đã được Trung Quốc tiếp đón rất tốt trong chuyến thăm gần đây.

Trong khi đó, ngày 17/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến New York Mỹ gặp ông Donald Trump. Rất nhiều người dự đoán hai bên sẽ bàn về các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc. Trong bối cảnh này, động thái của Đô đốc Harry Harris gây ra nhiều liên tưởng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Việc Đô đốc Harry Harris thể hiện thái độ cứng rắn của Quân đội Mỹ về tình hình châu Á-Thái Bình Dương vào lúc này là muốn tác động đến chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống đắc cử Mỹ, có ý nhắc nhở ông Donald Trump không nên từ bỏ chính sách hiện nay.

Qua việc này, báo Trung Quốc có ý định nhắc nhở ông Donald Trump cần tự chủ về chính sách, không nên bị tác động bởi các tuyên bố “cứng rắn” từ Đô đốc Harry Harris, không nên đi theo “con đường cũ” – thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” do đối thủ tranh cử Hillary Clinton thúc đẩy.

Ông Donald Trump là người có quan hệ ít với phía Quân đội Mỹ, đồng thời lại không có kinh nghiệm về lĩnh vực chiến lược ngoại giao, hơn nữa còn thiếu các mối quan hệ cần thiết.

Trong bài phát biểu lần này, Đô đốc Harry Harris còn cho biết, bản thân ông sẽ trung thành với ông Donald Trump sau ngày 20/1/2017, nhưng tuyên bố “cứng rắn” của Đô đốc Harry Harris hầu như lại đang muốn “áp đảo” đối với ông Donald Trump – Thời báo Hoàn Cầu bình luận.

Trong chính sách “tái cân bằng”, Philippines là một mắt khâu rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Hiện nay, mặc dù Philippines có nhiều thay đổi về chính sách ngoại giao, muốn “tách rời” Mỹ, “gác lại” vấn đề Biển Đông, nhưng ngày 15/11, Đô đốc Harry Harris vẫn đặc biệt nhấn mạnh rằng quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines hiện không có gì thay đổi.

Đô đốc Harry Harris cho biết các loại tương tác giữa Mỹ và Philippine theo hình thức “đồng minh” vẫn đang tiến hành bình thường.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người được gọi là
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người được gọi là "Donald Trump châu Á". Ảnh: The New Indian Express