“Tứ Lập” - mối liên kết của 4 chàng họa sĩ giữa quê và phố

VietTimes – Triển lãm “Tứ lập 3” của 4 chàng họa sĩ đến từ Hà Nội vừa khai mạc chiều tối 4/9, kéo dài tới hết ngày 8/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Bốn họa sĩ nhóm "Tứ Lập": Bùi Văn Tuất, Nguyễn Minh, Phạm Xuân Trung và Đặng Hữu tại buổi khai mạc triển lãm chiều tối 4/9
Bốn họa sĩ nhóm "Tứ Lập": Bùi Văn Tuất, Nguyễn Minh, Phạm Xuân Trung và Đặng Hữu tại buổi khai mạc triển lãm chiều tối 4/9

Nhóm Tứ Lập gồm 4 họa sĩ tự nhận là “người quê”, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội: Đặng Hữu, Nguyễn Minh, Bùi Văn Tuất, Phạm Xuân Trung. Thực chất thì Phạm Xuân Trung sinh tại Ninh Bình, Đặng Hữu sinh tại tỉnh Hòa Bình, còn Nguyễn Minh và Bùi Văn Tuất là cư dân Hà Nội, nhưng nhìn hai họa sĩ này, thực sự rất khó nhận ra “chất” thủ đô.

“Tứ Lập 3” lần này gồm 42 tác phẩm, là lần đầu tiên 4 chàng họa sĩ phía Bắc đến với đất phương Nam. Hai lần triển lãm “Tứ Lập” trước đó (Tứ Lập 1 năm 2016 diễn ra tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội); Tứ Lập 2 năm 2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Bên cạnh trục nhân vật, họa sĩ Nguyễn Minh đưa ra những tác phẩm phong cảnh, nhưng cũng với tinh thần lãng mạn, ẩn trú. Tranh Nguyễn Minh vốn mơ màng đến mức mong manh, với những thiếu nữ yểu điệu, em bé ngây ngô, phong cảnh xôn xao hoa lá, vừa thực vừa ảo.

Nhiều người yêu tranh, bạn bè, nhà sưu tập đến chúc mừng, chụp ảnh cùng họa sĩ Nguyễn Minh bên cạnh bức tranh "Hạnh phúc" mang đặc thù phong cách sáng tác của họa sĩ này
Nhiều người yêu tranh, bạn bè, nhà sưu tập đến chúc mừng, chụp ảnh cùng họa sĩ Nguyễn Minh bên cạnh bức tranh "Hạnh phúc" mang đặc thù phong cách sáng tác của họa sĩ này
Bức "Phố xám 8" của họa sĩ Nguyễn Minh có khổ rất lớn: 150x600 (cm), sáng tác năm 2019, với sự chuyển biến rõ rệt về đề tài
Bức "Phố xám 8" của họa sĩ Nguyễn Minh có khổ rất lớn: 150x600 (cm), sáng tác năm 2019, với sự chuyển biến rõ rệt về đề tài 

Họa sĩ Phạm Xuân Trung chuyển phong cảnh từ ngoại thành Hà Nội ra biển và lên Tây Bắc, với vẻ đượm buồn và quyến luyến. Theo đuổi lối vẽ hiện thực, Phạm Xuân Trung có gam màu vàng sậm, vắng bóng con người, thừa thãi sự hiện diện của những bãi rác, phế thải, dập nát và hoang phế.

"Biển cạn" - tranh sơn dầu, khổ 120x155(cm) của họa sĩ Phạm Xuân Trung, 2019
"Biển cạn" - tranh sơn dầu, khổ 120x155(cm) của họa sĩ Phạm Xuân Trung, 2019

Họa sĩ Đặng Hữu mang đến những phong cảnh vùng cao, được xóa nhòa, hòa trộn trong bút pháp trừu tượng, mô tả những thứ to lớn, vĩ đại, khoáng đạt, giàu cảm xúc. Đứng trước tranh Đặng Hữu, rất khó để nhận biết thứ thực sự hiện diện trong tranh là thác nước, đỉnh núi, hay là cả hai, hoặc thực chất chính là tâm hồn của người xem tranh với những nhận cảm tương đồng cùng những hình tượng đó. 

"Bình minh trên vùng cao" - Tranh sơn dầu, khổ 89x130 (cm), họa sĩ Đặng Hữu, 2019
"Bình minh trên vùng cao" - Tranh sơn dầu, khổ 89x130 (cm), họa sĩ Đặng Hữu, 2019

Họa sĩ Bùi Văn Tuất với phong cách hiện thực, hòa sắc ấm áp, thể hiện niềm say mê bền bỉ với những khuôn mặt trẻ em miền núi hay nông thôn, những chân dung bạn bè, văn nghệ sĩ, và nhiều tranh chỉ đơn giản là những “xó bếp” mộc mạc miền quê, trong gam màu nồng ấm, chứa đầy tình cảm thân thiện, gần gũi, thân thương.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất bên tác phẩm
Họa sĩ Bùi Văn Tuất bên tác phẩm "Không gian bếp" (sơn dầu, 120x150 cm), sáng tác năm 2019

Có mặt tại buổi khai mạc triển lãm, nhà sưu tập Tú Anh cho biết: “Các họa sĩ Trung - Hữu, Minh - Tuất làm thành hai đường chéo của một hình tứ giác với bốn đỉnh là bốn trải nghiệm khác nhau. Đỉnh này của đường chéo là sự đối lập với đỉnh kia về đối tượng, góc nhìn, bút pháp và tạo hình”.

Tác phẩm "Đồng hành" của họa sĩ Phạm Xuân Trung (sơn dầu, 100 x 148 cm, 2019)
Tác phẩm "Đồng hành" của họa sĩ Phạm Xuân Trung (sơn dầu, 100 x 148 cm, 2019)

Dù là ở đỉnh này hay đỉnh kia, xem tranh của nhóm “Tứ Lập”, có thể thấy được tinh thần hiện sinh nồng nàn, tha thiết với con người, say mê những không gian thanh bình, lãng mạn; đồng thời nhóm đã tạo lập được chốn an toàn, ẩn trú khỏi cuộc sống chật hẹp, xô bồ, trong đó chỉ có cái tôi đẹp đẽ đối diện với bản thể và suy nghiệm về cuộc đời.