“Tứ đại lão gia” dưới góc nhìn “điếu đóm” của nhà văn Bùi Bình Thi

VietTimes -- "Tứ đại lão gia” là bốn nhà văn thuộc hàng “cây đa cây đề”: Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên và Tô Hoài, còn người được vinh dự “điếu đóm” đó là nhà văn Bùi Bình Thi. "Điếu đóm", ấy là cách gọi hài hước của việc phục vụ biên tập bản thảo, theo sự chỉ đạo của “Tứ đại lão gia”.

Nhà văn Bùi Bình Thi
Nhà văn Bùi Bình Thi

“Bố tôi, nhà văn Bùi Bình Thi đã về với Nước của Đức Chúa Trời, đi theo cách mà ông vẫn thường đi trong suốt cả cuộc đời là thích thì đi thôi, chẳng có gì quan trọng cả”, Đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Bùi Thạc Chuyên thông báo trên tài khoản facebook của mình ngày 22/6/2016.

 Nhà văn Bùi Bình Thi sinh năm 1939 tại Ứng Hòa, Hà Tây (cũ) trong một gia đình theo đạo Tin lành. Cha ông là một mục sư tại một vùng hẻo lánh ở Sơn Tây. Năm 1970, sau khoảng chục năm làm biên tập và nổi tiếng là một cây bút ký của Ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, Bùi Bình Thi được chuyển công tác về Tạp chí Tác phẩm mới, công văn tiếp nhận do nhà văn Tô Hoài ký.

Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi trước khi ông qua đời.
Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi trước khi ông qua đời.

Hồi đó, “Tác phẩm mới” gần như là tờ tạp chí duy nhất cả nước ta chuyên đăng tải các sáng tác của các nhà văn và các cây bút “cứng”, được ấn hành với số lượng lớn, có uy tín rất lớn trong làng văn và bạn đọc. Sau này, tạp chí được đổi tên là “Tác phẩm văn học”, rồi “Nhà văn” và nay là “Nhà văn và Tác phẩm”...

Làm Tổng biên tập của Tạp chí nêu trên, đều là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, trong đó có “Tứ đại lão gia”. Và nhà văn Bùi Bình Thi đã có hàng chục năm may mắn được làm biên tập, rồi Thư ký tòa soạn cho cả “Tứ đại lão gia”.

Thâm cung bí sử  ở“Tác phẩm mới”

"Mỗi người có một thói quen làm việc, một cách duyệt bài khác nhau", Bùi Bình Thi kể, "nhưng họ có một điểm chung: Đều là những bậc thầy trong chuyện “bếp núc văn chương”.

Hai vợ chồng nhà văn Bùi Bình Thi thời trẻ
Hai vợ chồng nhà văn Bùi Bình Thi thời trẻ

Có lần ông kể, nhà văn Nguyễn Đình Thi là một mẫu mực trong nghề. Ông làm việc rất khoa học, không có chuyện ngẫu hứng bao giờ. Họp hành cũng rất đúng ngày giờ, trả bản thảo duyệt đúng hẹn với biên tập viên. Mỗi khi làm được bài thơ mới, ông thường háo hức đọc cho nhân viên của mình nghe và nhờ góp ý. Với các tác giả gửi bài đến, dù lạ hay quen, ông đều đọc và chọn rất công tâm.

Quan điểm của Nguyễn Đình Thi là không can thiệp quá sâu vào văn phong của người viết. Nghĩa là biên tập chỉ dùng bút “can thiệp” khi thật sự cần thiết (như sửa những lỗi chính tả). Nếu bản thảo chưa đạt yêu cầu thì ông hoặc là góp ý để tác giả tự sửa chữa, hoặc là trả lại chúng cho người viết. Thói quen “trân trọng tác giả” này còn biểu hiện rõ mỗi khi Nguyễn Đình Thi có tác phẩm mới in muốn tặng một ai đó. Thường ông điện thoại trước, rồi phóng xe mobilet đến tận nơi, ghi và ký tặng ngay trước mặt, trao tận tay. Rất hiếm khi ông gửi sách biếu hay tặng quà người khác chuyển hộ.

Ngược lại với Nguyễn Đình Thi, nhà văn Tô Hoài lại có quan niệm khác: Người biên tập phải can thiệp tích cực, coi tác phẩm của cộng tác viên như đứa con tinh thần của chính mình, nếu cần thì phải sửa chữa, thêm bớt để làm cho tác phẩm hay lên! Và nhiều bản thảo đã được Tô Hoài yêu cầu biên tập, cắt gọt một cách “không thương xót”.

Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi năm 1971 (ngồi ngoai cùng, bên phải là đạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên khi mới 4 tuổi).
Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi năm 1971 (ngồi ngoai cùng, bên phải là đạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên khi mới 4 tuổi).

Bùi Bình Thi kể: Một lần, Tô Hoài chuyển cho anh một kịch bản sân khấu của một nữ tác giả và bảo: “Đây một cây bút mới, tác phẩm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền nhưng văn chương lòng thòng, ít chữ mới và quá dài. (Trong nhận xét bản thảo, Tô Hoài rất quan tâm và luôn tìm tòi những “chữ mới” của người viết - PV). Anh hãy cắt bớt, co lại còn 60 trang, sao cho vẫn đảm bảo nội dung, tinh thần của tác giả”.

Bùi Bình Thi nhìn tập bản thảo dày tới 250 trang đánh máy, không khỏi lo lắng, hỏi lại: “Thưa anh, thời gian bao lâu thì phải xong ạ?”. “Tôi cho anh một tuần, anh có thể làm việc ở nhà!”.

Vậy là suốt mấy ngày đêm liền, Bùi Bình Thi phải đọc, phải cân nhắc... rồi với cây kéo nhỏ và lọ hồ dán, anh tỉ mỉ cắt dán từng đoạn, từng câu...

Đúng bảy ngày sau, Bùi Bình Thi mang 60 trang tới trình Tô Hoài. Tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký chỉ “đọc nếm” (lật dở từng trang và đọc rất nhanh) rồi gật gù mỉm cười, khen: “Thế này mới là biên tập chứ!”.

Vở kịch có nội dung viết về cuộc sống, chiến đấu của công nhân vùng mỏ Quảng Ninh ấy đã được in trang trọng trên Tác phẩm mới trong số ngay sau đó và được một đoàn kịch dàn dựng theo đúng nội dung đã biên tập.

Nói về sự cẩn trọng và tỉ mỉ trong câu chữ thì thời làm Tạp chí Tác phẩm mới, khó ai bằng nhà thơ Chế Lan Viên. Tính ông nghiêm khắc trong công việc, nhưng lại sẵn sàng nói lời xin lỗi nhân viên dưới quyền, nếu mình sai. Chế Lan Viên viết chữ không đẹp, nhưng luôn yêu cầu cấp dưới phải viết ra giấy, nói và làm gì cũng phải có văn bản, nghĩa là không được nói mồm rồi để đấy.

Một trong những trang ghi biên bản họp Ban biên tập của Tạp chí “Tác phẩm mới” năm 1974 (thời làm việc của “Tứ đại lão gia”) có bút tích của nhà thơ Chế Lan Viên.
Một trong những trang ghi biên bản họp Ban biên tập của Tạp chí “Tác phẩm mới” năm 1974 (thời làm việc của “Tứ đại lão gia”) có bút tích của nhà thơ Chế Lan Viên.

Hồi đó, Ban biên tập quy định có các cuộc giao ban từng số tạp chí. Họp bàn trước khi chuẩn bị bản thảo và họp rút kinh nghiệm sau khi ấn phẩm được phát hành. Và đã giao ban thì đều phải ghi biên bản, nội dung thống nhất: Ai vắng mặt? Ai có mặt tham dự? Người chủ trì nói gì? Các thành viên phát biểu những gì? Và cuối buổi họp biểu quyết những vấn đề gì?...

Lần lượt các thành viên trong ban biên tập đều thay nhau ghi biên bản. Và điều thú vị là trong những trang ghi biên bản đó, có cả bút tích của nhà thơ Chế Lan Viên. Chỉ có điều, tác giả của “Điêu tàn” ghi chép biên bản rất dở: Ông viết rất vắn tắt, xuống dòng nhiều, không dùng gạch đầu dòng mà thích dùng dấu chấm (.), hoặc dấu khoanh tròn như chữ O. Ông hay gạch dưới tên tác giả và không viết trọn vẹn một câu văn nào, nên đọc văn bản rất lủng củng và... khó hiểu!

Xuân Diệu vừa ngủ ngáy vừa... biên tập

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang lưu giữ một tư liệu quý: Cuốn sổ ghi biên bản với bút tích của các thành viên trong Ban biên tập Tạp chí Tác phẩm mới năm 1974. Đó là một thếp giấy có dòng kẻ, được khâu chỉ, chữ viết bằng mực xanh hoặc đen, nét bút đã nhoè vì thời gian sau mấy chục năm. Trong một trang biên bản ấy, ta có thể đọc được lý do vì sao nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Chế Lan Viên xin chuyển công tác khỏi Tạp chí. Trong một số trang biên bản khác, ta có thể đọc được lời phàn nàn đại ý: Nhà thơ Xuân Diệu ít chịu đến cơ quan, hay đi làm muộn giờ. Mọi người đều yêu cầu ông phải đến cơ quan thường xuyên hơn và hẹn thời gian chính xác để tiếp các cộng tác viên…

Chân dung nhà văn Bùi Bình Thi những năm đầu thập niên 2000.
Chân dung nhà văn Bùi Bình Thi những năm đầu thập niên 2000.

Riêng với nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Bùi Bình Thi cho biết: Thời Xuân Diệu làm Tổng biên tập, ấn tượng đáng nhớ nhất là cách duyệt bài kỳ lạ của ông. Nhà thơ tình nổi tiếng này có cách duyệt bài chẳng giống ai: Vừa... nằm nghe đọc bản thảo, vừa... ngủ ngáy thành tiếng!

- Sao lại “nghe đọc bản thảo”? - Tôi tưởng mình nghe nhầm, nên hỏi lại. - Ông ấy không tự đọc được sao? Mà nằm ở đâu?

- Tất nhiên là nằm trên giường rồi! - Bùi Bình Thi cười - Hồi mình mới về cơ quan tạp chí, mới nghe người ta nhắc tên ông ấy đã run lên và sợ như cọp. Vừa sợ, vừa kính phục nữa. Thành ra, ông ấy bảo gì cũng răm rắp nghe theo...

Một lần, sau khi biên tập xong bản thảo tạp chí số mới, ngó vào phòng thấy Xuân Diệu có mặt, mình mang tập bản thảo đến ấp úng: “Thưa anh, bản thảo đã hoàn chỉnh, xin anh dọc duyệt và ký cho in ạ”! Xuân Diệu vuốt cái trán cao và hất mớ tóc quăn bồng bềnh, nheo mắt nhìn mình: “Hoàn chỉnh rồi thì cậu cần gì phải duyệt tôi? Mà sao lại có sự duyệt ở đây? Cơ quan đâu phải chỗ duyệt bài! Tối nay, cậu mang bản thảo đến nhà tôi...

Tối ấy, mình ôm 200 trang bản thảo tới nhà riêng của Xuân Diệu ở 24 phố Cột Cờ. Nhà thơ tình vừa ăn tối xong, ông đang ngồi xỉa răng và uống chén nước chè.

Lát sau, Xuân Diệu giục: “Cậu lấy ra đọc đi, còn đợi gì nữa!”. Mình hỏi lại: “Đọc cái nào ạ?”. “Đọc tất cả! Nhớ là phải chính xác, rõ ràng.”.

Thế là mình lần lượt đọc từng cái truyện một. Cũng may là mình đã có kinh nghiệm của một biên tập viên phát thanh, nên giọng không đến nỗi nào. Xuân Diệu vừa nghe vừa lim dim mắt. Lát sau, ông nằm ra giường ngáy khe khẽ...

Mình liếc mắt, thất vọng quá, định ngừng giọng, thì bất ngờ Xuân Diệu hắng giọng, nói tỉnh như sáo: “Câu ấy bỏ dấu phẩy đi, thay bằng chữ “và”. Biên tập rồi sao còn lủng củng thế!”. Nói xong, ông lại nhắm mắt và ngáy đều đều... Mình ngạc nhiên, đọc tiếp. Xuân Diệu lại lên tiếng: “Cả cái câu vừa rồi, cậu phải xóa đi, nghe thô tục quá!”

Cứ thế, mình đọc hết cả 200 trang bản thảo, còn Xuân Diệu nhắm mắt nằm nghe, vừa ngủ gật, vừa bắt lỗi biên tập... Hầu như trang nào ông cũng phát hiện ra một vài lỗi, cần chỉnh sửa lại, tài thật!

Mới đó mà gần 50 năm đã trôi qua. Nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Đình Thi, rồi nhà văn Tô Hoài đã lần lượt ra đi, trở thành người thiên cổ. Và bây giờ đến lượt Bùi Bình Thi - người thư ký cho “Tứ đại lão gia” cũng lên đường về với Chúa.

Người viết bài này có may mắn được trực tiếp trò chuyện với Bùi Bình Thi nhiều lần lúc sinh thời, nên chép lại vài kỷ niệm nhỏ, để hầu chuyện bạn đọc. Âu cũng là một cách để mọi người cùng nhớ tới ông…

Cầu chúc cho linh hồn nhà văn Bùi Bình Thi đã về tới Nước Chúa và thanh thản nơi Thiên Đàng!

Hà Nội, tháng 6/2016

Đặng Vương Hưng

Cố nhà văn Bùi Bình Thi sinh năm 1939, tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Rạng sáng ngày 22/6/2016, ông đã ra đi sau một cơn tai biến, hưởng thọ 77 tuổi. Lễ viếng ông sẽ bắt đầu từ 8h ngày 25/6/2016 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai và sau đó, được an táng tại quê nhà (làng Bặt, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).