GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới:

Từ 1956 đến 2014, Hàn Quốc đổi mới SGK 9 lần, còn Việt Nam mới có 3 lần!

VietTimes – Đó là một trong nhiều chi tiết thú vị mà  Gs. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới - đã đưa ra trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì mới?” do  CLB Cafe Số tổ chức vào sáng 15/9.

Không có chuyện “80 triệu USD rơi vào túi các ông làm chương trình”

Lấy bổi cảnh thế giới bước sang giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết các nước trên thế giới cũng đang có xu hướng rút ngắn các lần đổi mới sách giáo khoa (SGK) từ 10 – 15 năm xuống chỉ còn vài năm. Mục tiêu của các lần đổi mới nhằm đào tạo thế hệ trẻ có đầy đủ phẩm chất, năng lực và bản lĩnh.

GS. Thuyết lấy ví dụ về Hàn Quốc, trong giai đoạn 1956 – 2014, nước này đã có 9 lần đổi mới SGK phổ thông. Trong khi đó, Việt Nam mới thực hiện đổi mới 3 lần trong cùng khoảng thời gian trên (bao gồm: 2 lần cải cách giáo dục vào năm 1956 và 1979; 1 lần đổi mới SGK năm 2000).

Chương trình mới sắp được triển khai được GS. Thuyết đánh giá là được xây dựng “một cách bài bản nhất” căn cứ trên “kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn” và các quy định pháp lý có liên quan tại Việt Nam.

Phương pháp chính được áp dụng trong xây dựng chương trình GDPT mới bao gồm: Vận dụng phương pháp “sơ đồ ngược” và Vận dụng phương pháp đánh giá tác động của chính sách.

Về phương pháp “sơ đồ ngược”, thay vì thực hiện các xây dựng môn học cụ thể ngay từ ban đầu như các chương trình trước, chương trình mới sẽ xác định các mục tiêu cần đạt về phẩm chất và năng lực trong bối cảnh thế giới và Việt Nam trước và thực hiện từng bước để cụ thể hóa trong từng môn học.

Bên cạnh đó, phương pháp đánh giá tác động chính sách dựa trên quan điểm “coi chương trình GDPT là một văn bản quy phạm pháp luật”, vì vậy, chương trình mới đã được xây dựng theo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khi đề cập tới kinh phí đổi mới chương trình SGK, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết dự án được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới (WB), bị quản lý rất chặt về tài chính và không có chuyện “80 triệu USD rơi vào túi các ông làm chương trình”.

“Ngay từ khi khởi động dự án, họ đã nêu rõ cụ thể các khoản chi ...Họ đề nghị trả lương cho những người làm chương trình, ông muốn làm như thế nào thì làm để ra chương trình tốt thì làm” – GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Số tiền 144 tỷ đồng nghe có vẻ rất to, nhưng chỉ bằng 180 mét đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa ngay gần nhà tôi, hoặc 600 mét đường cao tốc Bắc – Nam” – tổng chủ biên của chương trình GDPT mới bình luận.

Nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới có gì mới?

Trước tiên, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết định hướng chung của chương trình đổi mới lần này nhằm chuyển nền giáo dục nặng về tri thức sang nền giám dục phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Trong đó, chương trình đã xác định được “chân dung” của người học sinh mới bao gồm 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành và phát triển. Các phẩm chất và năng lực cốt lõi này sẽ được phát triển thông qua nội dung dạy học và phương pháp dạy học mới (phương pháp tổ chức hoạt động).

Dựa trên các tài liệu về giáo dục của các tổ chức quốc tế, căn cứ trên Nghị quyết TW 5 khóa 8, Nghị quyết TW 33 khóa 11 (năm 2014) và Năm điều Bác Hồ dạy học sinh, ban soạn thảo chương trình đã tìm và chọn lọc 5 phẩm chất cốt lõi, bao gồm: Yêu nước - Nhân ái - Chăm chỉ - Trung thực - Trách nhiệm.

Năng lực cốt lõi dựa trên sự kết hợp giữa tố chất sẵn có với quá trình học tập, rèn luyện; kết quả huy động tổng hợp giữa các nguồn lực (kiến thức, kỹ năng) được hình thành và phát triển thông qua hoạt động (thể hiện ở hiệu quả hoạt động).

Ban soạn thảo cũng phân loại năng lực thành 2 nhóm chính là năng lực chung (bao gồm: năng lực tự chủ và tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực đặc thù của từng em học sinh.

Ngoài ra chương trình GDPT cũng sẽ phát triển năng lực dựa trên các phương pháp: Dạy học phân hóa; Dạy học tích hợp và Dạy học thông qua hoạt động.

GS. Nguyễn Minh Thuyết lý giải về tầm quan trọng của phương pháp dạy học phân hóa.

Ông cho rằng: “Năng lực là sự kết hợp giữa tố chất sẵn có và quá trình rèn luyện. Mỗi người có tố chất khác nhau, nếu người ta được học một cách thuận lợi để phát triển các tố chất ấy thì họ sẽ phát triển thành năng lực. Còn nếu chúng ta áp dụng khung cho tất cả mọi người thì sẽ làm thui chột năng lực của học sinh.”

Nếu Trần Đăng Khoa mà từ bé đã bị buộc phải học toán để trở thành Ngô Bảo Châu ... và ngược lại thì chúng ta cũng không có Trần Đăng Khoa và Ngô Bảo Châu như hôm nay” – ông Nguyễn Minh Thuyết lấy ví dụ.

Về dạy học tích hợp, dựa trên khái niệm về năng lực cốt lõi, GS. Thuyết cho rằng phương pháp này sẽ giúp học sinh “đẩy nhanh được quá trình tổng hợp các nguồn lực” để phát triển được năng lực của bản thân.

Dạy học thông qua hoạt động thông qua các hình thức vận động để hình thành các kỹ năng cần thiết.

Chương trình GDPT được xây dựng lần này “không có sự cào bằng” và phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Cụ thể, chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề do CLB Cafe Số tổ chức
Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề do CLB Cafe Số tổ chức 

Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá

Bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá phù hợp với chương trình GDPT mới cũng được GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ trong buổi thuyết trình.

Đổi mới phương pháp dạy học là “tổ chức hoạt động”, trong đó, thầy cô sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức hoạt động cho học sinh nhưng không tuyệt đối hóa phương pháp nào hay cấm thầy cô thực hiện giảng dạy.   

Đặt trong bối cảnh công nghệ số, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết “nếu thầy cô chỉ bằng lòng là người cung cấp thông tin đơn thuần thì họ không thể so sánh được với “ông thầy” Google. Nhưng học sinh vẫn cần các giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn tìm kiếm, chọn lọc và bổ sung thông, xử lý thông tin và vận dụng thông tin đó... Nghề giáo cũng vậy, không cữ mãi giảng dạy theo phương pháp cũ”.

GS. Thuyết cũng đề cập tới các khó khăn của giáo viên khi áp dụng chương trình mới ông nhận định cách quản lý như hiện nay đã khiến giáo viên “co lại và thụ động”. Chương trình GDPT mới sẽ giao quyền tự chủ cho giáo viên.

Nhận định đổi mới phương pháp với đổi mới đánh giá mới đạt được hiệu quả, GS. Thuyết chia sẻ các dẫn chứng thực tế trong quá trình ông công tác tại các trường.

Phương pháp đánh giá đang được áp dụng mới chỉ đòi hỏi kỹ năng giải bài tập, chưa đòi hỏi học sinh phải vận dụng và thực hành kiến thức. Bên cạnh đó, áp lực thi cử sẽ khiến cho các giáo viên dạy học sinh theo cách nhồi nhét và chỉ tập trung vào các phần thi mà thôi.

Các phương pháp đánh giá cần cung cấp thông tin chính xác, khách quan, có giá trị, kịp thời về mức độ đạt chuẩn chương trình của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong phần hỏi đáp cuối buổi thuyết trình, GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cho biết Bộ đã có công tác rà soát, lên kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên ở cả 3 cấp. Chương trình GDPT mới cũng sẽ được triển khai từng cấp nên cũng sẽ giảm thiểu áp lực về cơ sở vật chất cho các địa phương./.

Ngày 28/11/2014, Quốc hội (QH) đã ban hành Nghị quyết Số 88/2014/QH13 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông nhằm “tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.

Về chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, nội dung đổi mới trong nghị quyết cũng đã nêu rõ: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”; và “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh (HS) và cha mẹ HS theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”.

Về lộ trình thực hiện, Nghị quyết đặt ra kế hoạch “Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông”.

Tuy nhiên, ngày 21/11/2017, QH đã thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được quy định tại Khoản 4, Điều 2 Nghị quyết Số 88/2014/QH13, theo đó, thời hạn áp dụng chương trình sách giáo khoa mới được lùi thời điểm triển khai thành “chậm nhất từ năm học 2020 – 2021 đối với lớp đầu cấp của tiểu học”. 

Đầu năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định sẽ áp dụng chương trình, SGK mới trong năm học 2019 – 2020 đối với lớp đầu cấp của tiểu học, từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của THCS và từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của THPT./.