TTCK ngày 15/01: Đón đầu kết quả kinh doanh quý IV

VietTimes – Dư âm của phiên điều chỉnh cuối tuần trước cũng chỉ khiến chỉ số VN-Index giảm điểm nhẹ trong những phút đầu của phiên giao dịch. Dòng tiền đầu tư vẫn tích cực tìm đến các mã cổ phiếu được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh Quý IV khả quan.
Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)
Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)

Đà tăng của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch đầu tuần xuất phát từ sự đồng thuận của nhiều mã cổ phiếu có vốn hóa lớn. Cụ thể, số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm tốt chiếm ưu thế áp đảo như: VCB (+3,4%), VIC, PLX, HPG, GAS, VJC, SAB, CTG, VPB. Ở chiều hướng ngược lại, mã cổ phiếu VNM có tác động tiêu cực đáng kể nhất đến đà giảm điểm của chỉ số VN-Index.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu này cũng đại diện nhóm ngành có khả năng tạo đà tâm lý tốt cho thị trường thời gian qua. Thanh khoản ở các nhóm cổ phiếu này tiếp tục sôi động cũng phần nào phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh quý 4 và triển vọng trong năm 2018.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng tốt ở một số cổ phiếu của nhóm ngân hàng ở vị trí dẫn đầu như: CTG (+2,0%), VCB (+3,4%), MBB (+2,9%), VPB (+1,9%), SHB (+5,9%).

Dòng tiền cũng tìm đến nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và xây dựng, đây là nhóm cổ phiếu được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý IV tích cực, do yếu tố mùa vụ và được hưởng lợi từ kinh tế vĩ mô. Cụ thể, một số mã cổ phiếu tăng điểm tốt của nhóm ngành này có thể kể đến như: VIC (+2,1%), LDG (+5,1%), DXG (+6,8%), SCR (+6,1%).

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng ghi nhận sự hồi phục tốt ở các mã cổ phiếu đầu ngành như: GAS (+1,7%), PVD (+0,7%), PLX (+4,4%).

Đà tăng của giá dầu vẫn được củng cố bởi thông tin hỗ trợ tích cực từ thị trường, đặc biệt là nguồn cung dầu mỏ. Trong tuần qua, dữ liệu cho thấy trữ lượng dầu thô Mỹ tuần trước giảm mạnh 4,95 triệu thùng, cao hơn mức kỳ vọng của nhiều dự báo 3,44 triệu thùng. Sản lượng khai thác tại Mỹ cũng đã giảm 290.000 thùng/ngày xuống còn 9,49 triệu thùng/ngày.

Trong tuần này, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi các báo cáo đánh giá hàng tháng của OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế để đánh giá và dự báo cung cầu thị trường trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ cũng có sự tăng điểm tốt như SBS (+14,3%), AGR (+5,1%), JVC (+5,5%), HAG (+1,7%), HNG (+3,2%).

Khối ngoại tiếp tục mua ròng 619,8 tỷ đồng trên sàn HOSE, giao dịch được tập trung vào các mã VIC, VRE, HDB, VJC. Trong khi đó, trên sàn HNX, khối ngoại giao dịch khá cân bằng khi mua ròng 6,57 tỷ đồng, tập trung vào các mã cổ phiếu như SHB, PVS, HUT, VGC.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.063,47 điểm, tăng 11,36 điểm (+1,27%); chỉ số VN30-Index đóng cửa ở mức 1.063,11 điểm, tăng 13,25 điểm (+1,26%); chỉ số VNXAllShare đóng cửa ở mức 1.508,6 điểm, tăng 18,03 điểm (+1,21%).

Thanh khoản thị trường có sự sụt giảm nhẹ so với các phiên trước, cụ thể: trên sàn giao dịch HSX, có 292,7 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương với 7.708,95 tỷ đồng; trên sàn giao dịch HNX ghi nhận giao dịch sôi động đột biến với 67,12 triệu cổ phiếu giao dịch, tương đương với 958 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, số lượng hợp đồng giao dịch khớp lệnh đạt 16.770 hợp đồng, tổng giá trị giao dịch đạt 1.769 tỷ đồng. Hợp đồng VN30F1801 được khớp lệnh nhiều nhất với 15.375 hợp đồng, đóng cửa ở mức 1.059 điểm.