ông Nguyễn Sĩ Dũng
ông Nguyễn Sĩ Dũng

E-magazine TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tập quyền gắn liền với kỹ trị, và không độc đoán, sẽ phát huy sức mạnh lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lấy dẫn chứng về thành công của Việt Nam trong việc phản ứng nhanh với COVID-19, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng thể chế của nước ta đang có tiềm năng lớn, cần được phát huy qua lộ trình hoạch định cụ thể.

Nội dung trên được ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng Khoa học IPS – trao đổi với với phóng viên VietTimes, trong khuôn khổ Tọa đàm “Việt Nam 2016 - 2020: Cải cách thể chế và các vấn đề chính sách nổi bật”. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào chiều 28/12.

PV: Thưa ông!Qua nghiên cứu về cải cách thể chế của Việt Nam trong 5 năm qua, ông nhận thấy Việt Nam đã có những bước tiến gì đáng kể?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cải cách thể chế là một trong các đột phá được Đại hội Đảng đề ra. Chính vì vậy, Đảng và nhà nước ta đã tập trung rất nhiều nguồn lực, rất nhiều công sức vào cải cách thể chế. Ta có thể tóm lược lại những thành tựu đã đạt được về cải cách thể chế như sau. Lĩnh vực thứ nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nền kinh tế. Chúng ta có cách giảm thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo khuôn khổ cạnh tranh lành mạnh. Đây là những bước tiến để tạo môi trường kinh doanh tốt, giúp các lực lượng kinh doanh khác có cơ hội tham gia.

Cải cách đáng ghi nhận tiếp theo là cắt giảm bộ máy nhà nước. Giai đoạn qua có rất nhiều biên chế bị cắt giảm, nhiều đơn vị hành chính sáp nhập lại với nhau, tạo nên bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn. Đó là một trong những cải cách thể hiện rất rõ sự cải tiến. Mảng cải cách tiếp theo nữa đó là chúng ta cải cách cách điều kiện, cải cách pháp luật, cải cách quy định để phù hợp với những hiệp định thương mại tự do được nhà nước ký kết.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng trả lời phỏng vấn VietTimes

Những cải cách này có thể làm pháp luật, hệ thống thể chế của chúng ta tương đồng với chuẩn mực chung của quốc tế. Đây là các lĩnh vực thể hiện rất rõ thành tựu của cải cách thể chế trong thời gian qua.

Hai mô hình nhà nước

PV: Từ quan điểm của ông, cải cách thể chế ở Việt Nam còn điểm nào chưa hoàn thiện?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Có lẽ cái đầu tiên trong khuôn khổ tầm chủ thuyết, hoặc là chúng ta chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, hoặc là chúng ta chọn mô hình nhà nước điều chỉnh. Kiến tạo phát triển là mô hình theo khuôn khổ Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore - PV), nhà nước điều chỉnh là mô hình của Anh, Mỹ. Một vấn đề nổi lên là khi chúng ta đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển kiểu Đông Bắc Á nhưng thực tế khi cải cách chúng ta đang đi theo mô hình nhà nước điều chỉnh. Vấn đề là không có sự nhất quán trong khuôn khổ khái niệm thế nào là mô hình kiến tạo phát triển, thế nào là nhà nước điều chỉnh.

Tạo khuôn khổ thể chế, tạo môi trường kinh doanh, tạo cạnh tranh lành mạnh, đó là khuôn khổ của mô hình nhà nước điều chỉnh kiểu Anh, Mỹ. Còn nhà nước hoạch định chiến lược công nghiệp, can thiệp thị trường để thúc đẩy công nghiệp phát triển là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển theo mô hình của Đông Bắc Á. Vì vậy, vấn đề đầu tiên của cải cách thể chế là chúng ta cần phải làm rõ hơn các khuôn khổ khái niệm ở tầm cao nhất đó.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng Việt Nam nên xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển giống các nước Đông Bắc Á

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng Việt Nam nên xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển giống các nước Đông Bắc Á

PV: Năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi của xã hội thúc đẩy cái cách thể chế. Ông đánh giá thế nào về vai trò của thể chế chính trị trong bối cảnh đầy những biến động này?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Phải khẳng định là thể chế chúng ta đang có tiềm năng rất lớn và có thế mạnh riêng nếu có được sự nhất quán. Lấy ví dụ trong giai đoạn phòng chống COVID-19, nhắc đến Việt Nam là nhắc đến phản ứng nhanh, người dân đồng lòng,… Bản chất đằng sau đó là sức mạnh của thể chế. Quyền lực tập trung thống nhất đã giúp cho chúng ta phản ứng rất nhanh nhạy. Trung ương ban hành lệnh, cả hệ thống tuân theo. Trong trường hợp này, hình thức phân quyền như Anh, Mỹ hoặc châu Âu không kịp phản ứng nhanh do không đồng nhất ý kiến. Hình thức tập quyền – hay còn gọi là quyền lực tập trung thống nhất – sẽ phát huy sức mạnh.

"Tập quyền sẽ phát huy sức mạnh rất lớn nếu gắn với kỹ trị, nói không với độc đoán, chuyên quyền", ông Dũng nhận định

"Tập quyền sẽ phát huy sức mạnh rất lớn nếu gắn với kỹ trị, nói không với độc đoán, chuyên quyền", ông Dũng nhận định

PV: Với tư cách chuyên gia, ông có khuyến nghị, đề xuất gì để đóng góp cải cách thể chế trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trong bối cảnh COVID-19, tại sao chúng ta lại thành công như vậy? Đó là bởi vì tập trung quyền lực trên nền tảng kỹ trị, tức không phải một người “độc đoán” ban hành quyết định cho cả hệ thống. Người đứng đầu tập hợp hàng loạt chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của Việt Nam để tư vấn Thủ tướng và Ban chỉ đạo. Tập quyền sẽ phát huy sức mạnh rất lớn nếu gắn với kỹ trị, nói không với độc đoán, chuyên quyền. Để sử dụng sức mạnh đó, tôi đề xuất chúng ta phải thu hút được đội ngũ chuyên gia và người thực tài cho hệ thống chính trị và lĩnh vực công. Tôi cho rằng đây là hướng đi tốt để đất nước ta thịnh vượng trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!