TS Nguyễn Quân: Giải thưởng Chuyển đổi số đã tổ chức trước cả khi chính phủ ban hành chính sách CĐS

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phát biểu tại sự kiện do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Quân nói rằng nhận thức về chuyển đổi số của các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay đã được nâng lên rất nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ

Trong bài phát biểu của mình, TS. Nguyễn Quân nói rằng ông rất ấn tượng với Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Giải thưởng đã được tổ chức lần đầu cách đây 3 năm, trước cả thời điểm chính phủ ban hành các quyết sách về chuyển đổi số. Điều này cho thấy Hội Truyền thông số Việt Nam đã có nhận thức rất đúng về chuyển đổi số.

TS. Nguyễn Quân cho biết, khi được mời làm Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Chuyển đổi số năm 2020, ông đã rất cảm động. Mặc dù từng giữ cương vị quản lý ngành Khoa học Công nghệ nhiều năm (ông Nguyễn Quân nguyên là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - PV), nhưng Chuyển đổi số vẫn là một lĩnh vực mới mẻ. Ông đã phải nghiên cứu, học tập rất nhiều để có kiến thức về Chuyển đổi số, được nhiều người công nhận là một chuyên gia về chuyển đổi số. Từ đó, ông có thể đóng góp công sức của mình vào quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất.

trích bài phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Quân tại Lễ phát động giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021

TS. Nguyễn Quân nói rằng Hội Tự động hóa Việt Nam (mà hiện nay ông đang là Chủ tịch - PV) đã được thành lập hơn 20 năm. Các thành viên của Hội đa phần là các doanh nghiệp sản xuất, họ đưa những công nghệ mới về tự động hóa vào trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm phục vụ cho xã hội. Các doanh nghiệp làm tự động hóa bắt buộc phải chuyển đổi số một cách toàn diện, triệt để. Nếu không quá trình tự động hóa cũng manh mún và không thể đạt được mục tiêu của các doanh nghiệp trong thời đại số.

Qua hai bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Nguyễn Quân thấy rất ấn tượng với thành tựu về chuyển đổi số của hai Bộ cũng như một số Bộ, ngành khác. Ông nói rằng Việt Nam là một trong các quốc gia đang chuyển đổi số một cách quyết liệt và cũng đã bước đầu thành công.

TS. Nguyễn Quân dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khi nói rằng trong dịch Covid-19, nếu không có chuyển đổi số, chắc chắn chúng ta không đạt được thành công như ngày hôm nay. Không có chuyển đổi số, chúng ta không truy vết, không cách ly và không thể điều trị kịp thời cho những người nhiễm bệnh. “Chúng ta có thể thấy chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi số”, ông nói.

Đề cập đến mảng chuyển đổi số doanh nghiệp – nòng cốt của kinh tế số, TS. Nguyễn Quân phát biểu rằng các chuyên gia của Hội sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp dịch vụ, để họ chuyển đổi số thành công. “Khi chuyển đổi số thành công thì chúng ta mới có nền kinh tế số”, ông nói.

Nhân dịp lễ phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021, đại diện cho các chuyên gia uy tín được mời vào Hội đồng Chung khảo, TS. Nguyễn Quân bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tích cực tham gia giải thưởng này. Việc tham gia, theo TS. Nguyễn Quân, không phải để đánh bóng tên tuổi, mà thực chất để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đã thành công, đồng thời cũng trao đổi kinh nghiệm. “Tôi biết nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, chưa biết phải bắt đầu từ đâu, và làm thế nào để chuyển đổi số. Nếu không có chuyển đổi số, trong một vài năm tới các doanh nghiệp đó sẽ vô cùng khó khăn và nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ bị tụt hậu”, ông Nguyễn Quân nói.

Chủ tịch Hội Tự động hóa cũng nói rằng, trong khuôn khổ lễ phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021, ông rất mong được nghe ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp đã thành công cũng như khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp đang thực hiện quá trình chuyển đổi số. Việc này giúp lãnh đạo các Bộ, ngành có thể nắm được tình hình, từ đó tham mưu cho chính phủ, Đảng và nhà nước để có những chính sách hợp lý, khả thi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình chuyển đổi số.