|
TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam |
Để làm rõ vấn đề, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với TS Đào Trọng Tứ.
PV: Như ông từng nói tại nhiều hội thảo là hệ thống sông ngòi cũng giống như những mạch máu trong một cơ thể. Xin ông giải thích rõ quan điểm này của mình.
TS Đào Trọng Tứ: Câu chuyện này thì chúng ta ai cũng biết. Nước là thiết yếu cho cuộc sống. Nước là một trong những yếu tố quyết định sự tồn vong và phát triển của bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào. Vì không có nước thì chúng ta sẽ không có gì cả. Thế nhưng hiện nay ở nhiều nơi thì người ta lại coi thường điều đó. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ là chúng ta rất dồi dào về nước thì điều này là thấy rõ.
Có thể nói, hình ảnh của những dòng sông là rất đẹp đối với tất cả chúng ta trong ký ức cũng như hiện tai. Điều đó được thể hiện trong thơ ca của rất nhiều nhà thơ. Tuổi thơ của rất nhiều người trong chúng ta đã gắn liền với những dòng sông. Tôi rất thích bài thơ của tác giả Hoàng Hiệp là “Quê hương ai cũng có một dòng sông quanh nhà”. Và khi trở về không thấy dòng sông không già như bây giờ.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thì các dòng sông được coi là đổi tượng cần phải chinh phục. Tư tưởng chinh phục này đã rộ lên từ những năm 1960 – 1970. Nếu như con người chặn dòng sông bằng những con đập càng to thì tức là đã chế ngự được thiên nhiên. Thế nhưng đến nay thì đến nay, việc chế ngự như thế đã làm tan nát các dòng sông.
|
Biển hồ Aral đã cạn kiệt do chính quyền Liên Xô làm kênh đào Karakum để lấy nước từ sông Amu Darya cho việc tưới nước cho những cánh đồng bông ở Uzbekistan. Ảnh: Wikipedia. |
Như một vị Thủ tướng Israel – quốc gia rất khan hiếm nước từng nói thì nguồn nước chính là máu và phải coi các dòng sông như những mạch máu của một cơ thể. Từ đó chúng ta có thể thấy, đã là máu thì có nghĩa phải có dòng chảy. Và các dòng sông chính là mạch máu. Nước là máu và sông là mạch máu. Rõ ràng, nếu các dòng sông được trong lành thì môi trường ở đó sẽ phát triển bền vững.
Theo những phân tích quốc tế, khi mà các dòng sông bị chặn bở các công trình hồ chứa đến 1/3 chiều dài của nó thì đó là những dòng sông vỡ vụ. Và khi lượng nước bị con người sử dụng quá 30% thì coi như an ninh nguồn nước đã ở mức báo động. Năm 2015, tại Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 7 ở Seoul (Hàn Quốc) mà tôi đã tham dự, có một thông điệp rất hay là “hãy trả lại không gian cho các dòng sông để nó có thể cứu chúng ta khỏi những điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, cứu chúng ta khỏi lũ lụt, thiên tai”.
PV: Ông nghĩ gì về sự phát triển thuỷ điện nhỏ ở Việt Nam, đặt biệt là miền Trung trong những năm gần đây?
TS Đào Trọng Tứ: Quốc hội đang họp thời gian này cũng trao đổi rất nhiều chiều về câu chuyện này. Năm 2013, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã được Quốc hội mời tham gia tham gia vào quá trình giám sát và thực địa các dự án thủy điện. Xây dựng thuỷ điện lớn hay nhỏ cũng tác động đến các vấn đề di dân, sinh kế, phá rừng lòng hồ, tác động đến thượng nguồn và hạ nguồn.
Sau đó, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 62/2013?QH13 về Tăng cường công tác quản lí quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Nghị quyết này được ra đời không chỉ căn cứ vào ý kiến của chúng tôi mà cả trên những báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương. Nghị quyết này ghi rõ là thời gian vừa qua chúng ta đã phát triển ồ ạt thuỷ điện nhỏ và đã nảy sinh nhiều tác động tiêu cực. Do đó, Quốc hội đã đề nghị dừng lại, không đưa vào quy hoạch hơn 420 thuỷ điện nhỏ nếu tôi nhớ không nhầm. Và đến bây giờ, Quốc hội vẫn tiếp tục bàn cãi chuyện này.
Thực tế, từ 2013 đến nay thì tôi thấy việc xây dựng thuỷ điện nhỏ đã phát triển rất mạnh. Tại sao vậy? Vì nó mang lại lợi ích rất lớn cho những nhà đầu tư. Tuy rằng thuỷ điện nhỏ đóng góp rất ít điện năng cho mạng lưới điện quốc gia (chỉ 3 – 5%) nhưng giá thành đầu tư tương đối rẻ. Nếu sử dụng turbin phát điện của Trung Quốc hay Ấn Độ thì đầu tư thuỷ điện nhỏ rất lãi. Đồng thời, nhà đầu tư lại có điều kiện để tiệm cận với rừng nếu không nói là phá rừng hợp pháp. Cái này, Nhà nước hoàn toàn có thể thống kê để đưa ra con số chính thức về tình trạng này với hơn 200 thuỷ điện vừa và nhỏ đang tồn tại hiện nay.
Các nhà đầu tư thuỷ điện nhỏ chỉ mới quan tâm đến kinh tế để hưởng lợi. Không chỉ có họ mà chính quyền địa phương cũng có thể có lợi ích riêng trong đó.
PV: Hiện tưởng lũ chồng lũ do các thuỷ điện gây ra là một thực tế mỗi khi có mưa lớn. Để khắc phục tình trạng này thì quản lý nhà nước phải xử lý thế nào?
TS Đào Trọng Tứ: Tại sao lại nói về lũ chồng lũ. Tại các bậc thang của sông suối có thuỷ điện về cơ bản đều không thể thiếu hồ chứa. Và khi thiết kế và xây dựng thì đều phải có quy trình vận hành hồ chứa để bảo đảm an toàn hồ đập và cả an toàn cho hạ lưu. Song trên thực tế, câu chuyện này là cực kỳ khó khăn.
Tôi đã nói rất nhiều lần là quy trình vận hành cũng mang tính tương đối . Lý do là khi xây dựng quy trình vận hành, chúng ta chỉ dựa vào những số liệu thống kê của quá khứ. Tuy nhiên, còn có những vấn đề khác vì thiên nhiên còn có nhiều thay đổi bất thường. Cụ thể với năm 2020, không ai đoán được số lượng các cơn bão đổ vào miền Trung nhiều như thế. Thực tế đó khiến việc vận hành hồ chứa gặp nhiều khó khăn. Tiếp đó là hệ thống dự báo khí tượng thuỷ văn nếu không tốt thì những người vận hành hồ chứa cũng không thể làm việc tốt được.
|
Lũ lụt ra thiệt hại nặng nề hơn cho người dân hạ du. Ảnh: Báo Thanh Niên |
Trong điều kiện tự nhiên, khi các dòng sông không bị chặn thì lũ đến và đi, lan toả sang các lưu vực sông. Lũ phải được xả khi nó vượt quá sức chứa của hồ chứa. Nếu lũ tiếp tục đến thì hồ chứa buộc phải tiếp tục xả. Lũ tự nhiên đã đi rồi nhưng lũ từ thuỷ điện lại tiếp tục đến. Và thế năng của lũ do thuỷ điện xả ra là rất mạnh vì có cao độ rất lớn. Vì thế, khu vực cận kề thuỷ điện bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.
PV: Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục hiện tượng này?
TS Đào Trọng Tứ: Vấn đề là phải xem xét lại tất cả quy trình hoạt động của hồ chứa cả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Thứ hai, công tác dự báo và cảnh báo sớm về mưa lũ là hết sức quan trọng để vận hành hồ chứa. Thứ ba, để vận hành hệ thống thuỷ điện trong mùa mưa lũ phải cần có một bộ phận tiền phương để điều hành thực tế quá trình xả lũ của các hồ chứa chứ không thể giao trách nhiệm này cho chủ đầu tư. Phải có những quyết định đúng đắn cho việc này vì sinh mạng con người là không gì có thể bù đắp được.
Xin cám ơn ông!