|
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV |
Trao đổi tại diễn đàn Vietnam Banking Innovation Summit 2024 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đối tác Temenos tổ chức ngày 13/12, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết năm 2024 đánh dấu nhiều dấu ấn của ngành ngân hàng.
Thứ nhất là bước tiến mới trong thanh toán quốc tế khi các ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên cho phép khách hàng sử dụng mã QR để giao dịch tại Lào, Campuchia và Thái Lan, thay thế phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt và thẻ. Điều này có nghĩa rằng, người Việt Nam có thể dễ dàng thanh toán bằng ví điện tử tại các quốc gia này chỉ với một chiếc smartphone, loại bỏ sự cần thiết mang theo tiền mặt hoặc thẻ.
Thứ hai, hoạt động cho vay trực tuyến (online lending) được luật hoá. “Cho vay trực tuyến được dự báo sẽ tăng trưởng đến 49%, một phần bởi xuất phát điểm thấp do mới được luật hóa”, TS Lực nói.
Thứ ba, các ngân hàng Việt đi rất nhanh trong quá trình chuyển đổi số. Các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và đang tích cực đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ. Các ngân hàng đã nắm bắt, áp dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain, AI, big data và sinh trắc học (nhận diện giọng nói, vân tay, mống mắt)…
“Một phân khúc nổi bật về đổi mới sáng tạo nữa là Fintech (công nghệ tài chính). Hiện nay có hơn 50 công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán và trung gian thanh toán và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra, có hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử”, ông Sơn cho biết và khẳng định thời gian tới, xu thế chuyển đổi số sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa, ví dụ như ứng dụng công nghệ thông tin cho thực thi pháp lý, hoặc công nghệ ứng dụng cho cơ quan quản lý giám sát.
Dù phát triển mạnh mẽ song khung pháp lý cho Fintech vẫn chưa hoàn thiện. TS Cấn Văn Lực đề xuất Nhà nước nên sớm ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, nhân rộng mô hình tương tự cho fintech trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm.
Ngoài ra, TS. Lực cho rằng các đơn vị hữu quan cũng cần nghiên cứu nền tảng phát triển tiền kỹ thuật số. Theo ông, tính phi chính thức và chính thức, có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện tiền kỹ thuật số.