Truyền thông Trung Quốc và Ấn Độ nhìn nhận thế nào về xung đột biên giới giữa hai nước?

VietTimes – Báo chí Ấn Độ và Trung Quốc đều yêu cầu hai bên tiếp tục đối thoại sau vụ việc đẫm máu ở biên giới hai nước. Tuy nhiên, từ góc độ Ấn Độ, chính phủ cần "thức tỉnh", đánh giá việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng.
Ấn Độ chính thức công bố 20 binh sĩ bị thiệt mạng trong vụ đụng độ với Trung Quốc ở thung lũng Galwan tối 15/6 (Ảnh: India Today).
Ấn Độ chính thức công bố 20 binh sĩ bị thiệt mạng trong vụ đụng độ với Trung Quốc ở thung lũng Galwan tối 15/6 (Ảnh: India Today).

Báo chí Ấn Độ cảnh báo về Trung Quốc

 Theo trang web tiếng Trung Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 18/6, sau khi xảy ra vụ xung đột đẫm máu ở Thung lũng Galwan tối 15/6, tờ Times of India đã đăng bài bình luận viết rằng có thể thấy rằng "sự xâm lược của Trung Quốc" là nhằm cảnh cáo Ấn Độ không được cùng với các nước khác yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona mới. Báo cáo cũng sử dụng từ "tuyệt đối hợp pháp" để mô tả yêu cầu (tiến hành điều tra nguồn gốc virus corona mới) của cộng đồng quốc tế.

Bài báo còn viết: "Nếu Bắc Kinh thành công trong việc buộc Ấn Độ khuất phục trước lập trường ngoại giao của Trung Quốc, họ cũng sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các nước láng giềng khác để cho thấy ai là bên quyết định mọi việc ở châu Á. Do đó, điều Ấn Độ nên làm là những điều Trung Quốc không mong muốn, và đối phó bằng các biện pháp giáng trả ngoại giao”.

Hinh ảnh vệ tinh của Planet Laps cho thấy hai bên tập trung rất đông quân ở khu vực thung lũng Galwan nơi xảy ra xung đột tối 15/6 (Ảnh: AP).
Hinh ảnh vệ tinh của Planet Laps cho thấy hai bên tập trung rất đông quân ở khu vực thung lũng Galwan nơi xảy ra xung đột tối 15/6 (Ảnh: AP).

Trong bối cảnh hiện nay, tác giả của bài bình luận kiến nghị chính phủ Ấn Độ có lập trường “phê phán mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm nhân quyền” của chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương và cải thiện quan hệ với chính quyền Đài Loan.

Bài báo thậm chí còn nói đến việc : "Cần phải ăn miếng trả miếng và lấy mậu dịch làm vũ khí để áp đặt trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh không thể vừa giết lính của chúng ta trên đường kiểm soát thực tế, trong khi lại hưởng lợi từ thị trường khổng lồ của chúng ta”.

Tờ Indian Express thì viết: "Quân đội Trung Quốc đã sát hại dã man 20 binh sĩ Ấn Độ, điều này có thể phá hoại sự hòa giải quân sự mà các sĩ quan cao cấp của  hai bên vừa mới đạt được chỉ vài ngày trước”. Tác giả cũng nhắc đến việc hai nước đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm sự đồng thuận đạt được giữa hai bên.

Lính pháo binh Ấn Độ ở gần khu vực biên giới xảy ra tranh chấp (Ảnh Reuters).
Lính pháo binh Ấn Độ ở gần khu vực biên giới xảy ra tranh chấp (Ảnh Reuters).

Bài báo viết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều điều đã bị bỏ qua trong quá trình dịch thuật. Đồng thời, chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận mà Tập Cận Bình và Narenda Modi đạt được qua nhiều cuộc gặp mặt. New Delhi nên khởi động mọi kênh liên lạc chính trị và quân sự với Bắc Kinh để tuyên bố rõ điều này”.

Báo này cũng nói, trong thời gian từ năm 2013 đến 2017, nhiều chính trị gia ở New Delhi đã bị chìm đắm trong "cảm giác an toàn giả tạo" vì thành công ngoại giao mà họ đã đạt được trong tranh chấp biên giới với Trung Quốc. "Chính phủ Ấn Độ không còn có thể xem thường những thay đổi cơ bản trong thế giới quan của Trung Quốc. Theo sự thay đổi này, Bắc Kinh hiện đã có thể đối phó với bất cứ ai ... Ấn Độ không thể tiếp tục có ảo tưởng chính trị đối với Trung Quốc được nữa”.

Truyền thông Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ

Trong khi đó, theo Deutsche Welle, thông tin của truyền thông Trung Quốc về vụ việc này giống như giọng điệu của chính quyền, hầu hết nội dung đều là: sức mạnh quân sự của Trung Quốc chiếm ưu thế, “Trung Quốc không sợ chiến tranh, nhưng vẫn coi trọng đàm phán hòa bình”...

Nội dung liên quan không giống như sự nhấn mạnh của Ấn Độ về số thương vong của người lính ở cả hai phía, mà tập trung vào việc đổ lỗi cho phía Ấn Độ. Diễn giả tích cực nhất trong vấn đề này là Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập phiên bản tiếng Trung của Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc vận chuyển xe tăng ra khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).
Trung Quốc vận chuyển xe tăng ra khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).

Hồ Tích Tiến viết: "Trung Quốc không muốn người dân hai nước so sánh con số thương vong của cả hai bên, từ đó kích thích tình cảm công chúng hai nước. Đây là thiện chí của Bắc Kinh”.

Ông ta cũng nói, "Ở Ấn Độ, người ta ít nói về tình hữu nghị Trung-Ấn trong những năm gần đây và ngày càng có nhiều tiếng nói phù hợp với các khái niệm của nước ngoài về "đồng minh quan niệm giá trị” và về “chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Nhưng ông nhấn mạnh rằng dù Mỹ có can thiệp vào như thế nào, "Đối với Ấn Độ, không có mối quan hệ bên ngoài nào có thể thay thế mối quan hệ với Trung Quốc vì họ không thể rời khỏi Nam Á được".

“Hiệp Khách Đảo”, tài khoản WeChat công khai của cơ quan truyền thông chính thức Nhân dân Nhật báo phiên bản phát hành ở nước ngoài, viết ngày 17/6: "Nếu muốn dạy cho Ấn Độ một bài học, kết quả của vấn đề đã rõ ràng, bởi vì hiệu quả chiến đấu của Trung Quốc là không thể nghi ngờ, nhưng bất kể như thế nào, không ai muốn thực sự đi đến mức tiến hành chiến tranh”.

Ấn Độ tổ chức lễ tang cho các binh sĩ thiệt mạng trong vụ xung đột (Ảnh: Reuters).
Ấn Độ tổ chức lễ tang cho các binh sĩ thiệt mạng trong vụ xung đột (Ảnh: Reuters).

Bài báo sử dụng vụ Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang) hồi năm 2017 trước đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ làm ví dụ, cho rằng: “Ấn Độ có tâm thái chủ nghĩa cơ hội trong chính sách với Trung Quốc và đã quen với việc tham lợi nhuận nhỏ mà không có tầm nhìn chiến lược lâu dài”.

Bài báo cuối cùng cảnh báo phía Ấn Độ cần "chấn chỉnh thái độ, trừng phạt nghiêm khắc những người chịu trách nhiệm về vụ việc, kiểm soát chặt chẽ các binh sĩ ở tiền tuyến và lập tức đình chỉ mọi hành động khiêu khích”.

Vì sao Trung Quốc không công bố thương vong?

 Cuộc xung đột quân sự tối ngày 15/6 giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Thung lũng Galwan đang tranh chấp gây nên thương vong nghiêm trọng đầu tiên sau 45 năm. Theo Ấn Độ, cuộc xung đột dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ, phía Trung Quốc cũng có thương vong. Truyền thông Anh cho biết 5 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng và 11 bị thương, một số cơ quan truyền thông Ấn Độ như India Today nói quân đội Trung Quốc có 43 người chết và bị thương.

Thủ tướng Ấn Độ Modi cầu nguyện cho những binh sĩ thiệt mạng trong vụ xung đột tối 15/6 (Ảnh: AFP).
Thủ tướng Ấn Độ Modi cầu nguyện cho những binh sĩ thiệt mạng trong vụ xung đột tối 15/6 (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, phía Trung Quốc giữ bí mật về điều này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói có xung đột giữa hai bên, mà không nêu rõ tình hình chi tiết. Tuyên bố sau đó của Chiến khu miền Tây PLA cũng chỉ nói "hai bên có xung đột thể xác dữ dội, gây nên thương vong về người", nhưng không nói rõ số thương vong của Trung Quốc. Phía Bắc Kinh đã tuyệt đối im lặng về thương vong của chính binh lính của họ và ngay cả tin tức về cuộc xung đột, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng chỉ dẫn tin của Reuters.

Rốt cục, trong vụ xung đột này, phía Trung Quốc có thương vong không và con số thương vong là bao nhiêu? Tại sao Bắc Kinh không công bố số liệu thương vong? Những cân nhắc đằng sau này là gì? Theo trang tin Đa Chiều ngày 18/6, các nhà quan sát cho rằng có thể Trung Quốc dựa trên cân nhắc từ hai mặt:

Đầu tiên, để tránh gia tăng hơn nữa xung đột biên giới. Từ thông tin hiện tại, cái chết của 20 binh sĩ ở Ấn Độ là tương đối chắc chắn. Có lý do để tin rằng Trung Quốc chiếm ưu thế trong cuộc xung đột này. Trong một cuộc xung đột trước đó, phía Trung Quốc đã làm 72 lính Ấn Độ bị thương và bắt 5 người để chiếm thế thượng phong. Xét về tố chất của binh lính hay lợi thế địa lý mà họ chiếm được  (phía Trung Quốc ở trên sườn đồi cao hơn), xác suất thương vong của Trung Quốc thấp hơn phía Ấn Độ, thậm chí cái giá thương vong phía Trung Quốc phải trả là khá nhỏ. Có tin tức chưa được xác nhận rằng Trung Quốc có người bị thương thậm chí bị thương nghiêm trọng, nhưng không ai bị chết.

Lý do tại sao Bắc Kinh chọn không công bố số liệu thống kê thương vong của binh lính Trung Quốc là vì theo ông Hồ Tích Tiến, Trung Quốc không muốn người dân hai nước so sánh thương vong để tránh gây ra tình cảm kích động. Điều này có vẻ hợp lý.

Dân chúng Ấn Độ biểu tình chống Trung Quốc sau vụ xung đột (Ảnh: Getty).
Dân chúng Ấn Độ biểu tình chống Trung Quốc sau vụ xung đột (Ảnh: Getty).

 Việc so sánh thương vong giữa hai bên có thể dễ dàng kích động tình cảm dân tộc chống lại Trung Quốc vốn tồn tại trong xã hội Ấn Độ. Nếu không kiểm soát được, rõ ràng điều đó không có lợi cho việc làm dịu tình hình biên giới.

Thứ hai, xung đột biên giới liên tục giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến trong xã hội Trung Quốc tồn tại xu hướng chống Ấn Độ; thể hiện trên mạng thỉnh thoảng xuất hiện những tiếng nói mang nặng chủ nghĩa dân tộc cực đoan hô hào chiến tranh chống Ấn Độ. Họ cho rằng trước sự khiêu khích của Ấn Độ trong khu vực tranh chấp, Trung Quốc đã đến "thời điểm để đánh mạnh". Đánh mạnh một lần ở đây không phải là nắm đấm và gậy mà mang ý nghĩa tiến hành chiến tranh thực sự.

Đa Chiều cho rằng, giới lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh đã tỏ ra tỉnh táo, bởi vì, nếu tiến hành cuộc chiến chống lại Ấn Độ bất kể từ quan điểm nào cũng đều không có nhiều lợi ích thiết thực cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ không nhượng bộ nhau trong vấn đề biên giới, nhưng cả hai đều là những nước lớn mới nổi và là các nước đang phát triển. Cả hai bên cũng có nhu cầu hợp tác chiến lược sâu rộng. Các lãnh đạo hàng đầu của Bắc Kinh rõ ràng không muốn nhìn thấy sự bùng nổ của tình cảm dân tộc chống Ấn Độ ở Trung Quốc, thậm chí đi đến mất kiểm soát. Đó là một lý do khác khiến Bắc Kinh kiên trì "hạ thấp giọng" sau khi cuộc xung đột nổ ra ở biên giới Trung-Ấn.