Truyền thông Trung Quốc tiết lộ thêm thông tin về J-36, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6

Công ty Máy bay Thành Đô (CAC) hôm 26/12/2024 đã tiến hành chuyến bay thử đầu tiên của chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 được mệnh danh là "máy bay ném bom chiến đấu", có tên gọi là "J-36".
Các góc nhìn khác nhau về chiếc J-36. Ảnh: NetEasy.

Chiến đấu cơ được thiết kế để tấn công tầm xa

Theo truyền thông Trung Quốc, chiếc máy bay quân sự mới thực hiện chuyến bay đầu tiên và gây chấn động toàn cầu này được trang bị động cơ ở trên lưng một cách hiếm thấy. Toàn bộ máy bay sử dụng tổng cộng ba động cơ, mang lại sức mạnh vượt trội. Ngay cả khi được nạp đầy nhiên liệu và mang đầy đủ vũ khí bom đạn, nó vẫn có tính năng bay hành trình siêu âm và khả năng cơ động trên không cũng cực kỳ xuất sắc.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 này được các nhà quan sát quốc phòng nước ngoài coi là "máy bay ném bom". Bán kính chiến đấu của nó vượt quá 3.000 km. Khi mang theo tên lửa chống hạm siêu thanh tầm xa, tên lửa hành trình tấn công mặt đất và bom đạn dẫn đường chính xác khác phóng từ ngoài khu vực phòng thủ, các mục tiêu liên quan ở chuỗi đảo thứ hai và thậm chí cả chuỗi đảo thứ ba đều nằm trong tầm bắn hiệu quả của hỏa lực từ J-36.

Ảnh chụp cận cảnh chiếc J-36. Ảnh: NetEasy.

Điều này khác với J-50, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Công ty Máy bay Thẩm Dương (SAC). Chiếc J-50 này có thể sẽ là máy bay chiến đấu cất hạ cánh trên tàu sân bay.

Hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 được cư dân mạng tiết lộ đều đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 26/12/2024. Nó được cho là đã lần đầu tiên khơi dậy tương lai của máy bay chiến đấu tiên tiến trên thế giới. Các cư dân mạng Trung Quốc cũng tiết lộ người thiết kế chính của nó là Vương Hải Phong (Wang Haifeng), còn người thiết kế chính của J-20 là Dương Vĩ (Yang Wei).

Truyền thông Trung Quốc cho rằng nước này có những nhà nghiên cứu khoa học hàng không có tầm nhìn rộng và tư duy tiến bộ, giúp Trung Quốc đứng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết bị hàng không, đánh dấu bằng chuyến bay đầu tiên của hai chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Ý tưởng thiết kế chiếc J-36 của Vương Hải Phong xoay quanh sự cân bằng tinh tế giữa khả năng đột phá và khả năng cơ động cao. Trong một bài viết công bố hồi đầu năm 2024, ông khám phá các đặc điểm của máy bay thế hệ thứ 6 (được mô tả là "máy bay chiến đấu tính năng cao"), mang đến cái nhìn hiếm có và có giá trị về tương lai của không chiến.

Chiếc J-36 (phải) bay cùng chiếc J-20S. Ảnh: NetEasy.

Nó được thiết kế để cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu bằng cách hy sinh lực đẩy nguyên thủy, cho phép J-36 đảm bảo thời gian bay thực hiện nhiệm vụ dài hơn và cơ động linh hoạt hơn, điều này rất quan trọng đối với một máy bay ném bom chiến đấu dự kiến ​​​​sẽ hoạt động trong môi trường ngày càng cạnh tranh với tải trọng bom đạn cao, hành trình xa, rất quan trọng để thực hiện các cuộc tấn công không đối đất và không đối biển tầm xa.

J-36, dựa trên ý tưởng thiết kế tàng hình toàn diện, động cơ có tính đột phá nhất gắn ở phía lưng, được thiết kế để làm cho máy bay chiến đấu-ném bom này mạnh hơn bằng cách tích hợp các công nghệ tiên tiến như cấu trúc ống hút và miệng vòi phun được thiết kế lại khiến chúng không nhìn thấy được trên toàn bộ quang phổ radar.

Với nguồn động năng lưỡng dụng gồm 3 động cơ, J-36 vẫn có độ ổn định đa trục tuyệt vời, hỗ trợ chiến đấu với tốc độ cao lẫn khả năng cơ động cực cao, mở rộng tầm hoạt động của J-36 tới các vùng trời và biển rộng lớn.

Vương Hải Phong (người ngồi trước), nhà thiết kế trưởng máy bay J-36.
Ảnh: NetEasy.

J-36 có thể đạt được tính năng tối ưu ở tốc độ cao, thay đổi căn bản cách nó hoạt động ở các tốc độ và chế độ nhiệm vụ khác nhau. Với tính năng tàng hình tuyệt vời và khả năng xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương trong khi vẫn duy trì sự nhanh nhẹn và khả năng cơ động chính xác, nó có thể thực hiện các cuộc tấn công các mục tiêu có giá trị cao trên mặt đất và trên biển.

Trong thời chiến, nó không chỉ có thể kiểm soát không phận một cách hiệu quả mà còn thực hiện các cuộc tấn công trên mặt đất, (trên biển) chính xác trước khi đối phương biết nó ở đâu. J-36 có khả năng răn đe bất kỳ đối thủ nào tốt hơn so với các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 hiện đang được trang bị như J-20 của Không quân Trung Quốc. Sau khi các mục tiêu liên quan bị tiêu diệt, đối phương có thể không biết chuyện gì đã xảy ra vì radar có thể không khóa được máy bay chiến đấu-ném bom J-36 thực hiện vụ tấn công từ khoảng cách xa.

Video của Indian Express về chiến đấu J-36 của Trung Quốc.

J-36 sẽ giúp Trung Quốc vượt trên Mỹ, Nga về sức mạnh không quân?

Giám đốc thiết kế Vương Hải Phong đã thiết kế J-36 chuyên cho các nhiệm vụ xâm nhập sâu. Nó được cho là như bóng ma trên không, cho phép nó xuyên thủng các hệ thống phòng không tích hợp phức tạp nhất mà không bị phát hiện. Trang Bulgaria Military và các trang web của nước ngoài khác khẳng định đây là một nền tảng di chuyển trên không cực kỳ quan trọng, sẽ giúp Không quân Trung Quốc thay đổi luật chơi trong tương lai.

Nhìn chung, J-36 với ba động cơ là nguồn động lực lưỡng dụng, có thể liên tục tạo ra sức mạnh tăng vọt; có tính năng tàng hình cực kỳ xuất sắc; các cảm biến tiên tiến cho phép nó đạt được khả năng “phát hiện kẻ thù, khai hỏa và tiêu diệt kẻ thù trước”.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, tầm nhìn của nhà thiết kế trưởng Vương Hải Phong sắp trở thành hiện thực và J-36 sẽ định nghĩa lại tương lai của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Các máy bay Trung Quốc sẽ thách thức máy bay chiến đấu Mỹ, phương Tây và Nga, cũng có thể định hình lại toàn bộ cục diện tác chiến trên không ở châu Á và Thái Bình Dương, thay đổi cán cân sức mạnh không quân giữa Trung Quốc và các cường quốc không quân lớn như Mỹ và Nga.

Theo QQnews, NetEasy