Truyền thông tiết lộ tin EU chuẩn bị xây boongke tuyệt mật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Điện thoại, đồng hồ và các thiết bị hỗ trợ nghe sẽ bị cấm bên trong khu hầm chống do thám này.
Một cuộc họp Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ (Ảnh: AP)
Một cuộc họp Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ (Ảnh: AP)

Liên minh châu Âu (EU) sẽ chi 8 triệu euro (8,1 triệu USD) để xây dựng một boongke an ninh tại Brussels, Bỉ để làm nơi tổ chức họp bí mật, tờ EUobserver đưa tin. Boongke này được thiết kế để chống lại sự can thiệp điện tử, và sẽ cấm mang tất cả các loại thiết bị, trong đó trang tin điện tử này nói rằng những biện pháp như vậy là cần thiết để chống “Nga hay các bên khác nghe lén.”

Tuyên bố rằng đã thu được một biên bản ghi nhớ của EU liên quan tới dự án này, trang tin EUobserver nói rằng boongke sẽ được thiết kế để chứa được khoảng 100 người, bao gồm 34 nhà lãnh đạo và đội ngũ nhân viên. Dự kiến được xây vào năm 2024, boongke này sẽ được đặt ở một vị trí bên trong khu phức hợp của Hội đồng châu Âu tại thủ đô của Bỉ.

Phòng họp sẽ được ngắt kết nối với bên ngoài, nhưng vẫn có micro kết nối với phòng phiên dịch viên. Cả phòng này lẫn các phòng phiên dịch đều sẽ được bao phủ bởi một “lồng cô lập được NATO chứng nhận” để ngăn chặn sóng điện từ, sóng radio từ bên ngoài. Bất cứ ai tìm cách đi vào, thậm chí cả lao công, đều cần được kiểm tra an ninh ở mức cao nhất.

Theo biên bản ghi nhớ của EU, cơ sở này sẽ được kiểm tra tổng thể “trước và sau khi các cuộc họp được tổ chức, để phát hiện và vô hiệu hóa các thiết bị nghe lén,” và bất cứ ai đi vào bên trong đều phải bỏ lại điện thoại, laptop, đồng hồ thông minh, chìa khóa điện tử và các thiết bị hỗ trợ nghe ở bên ngoài.

Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt này nhằm mục đích chống lại “các thiết bị nghe lén của Nga và các bên khác,” EUobserver viết. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu có phải EU xây dựng cơ sở này để phản ứng trước mối đe dọa an ninh đặc biệt hay chỉ là để đề phòng trước.

Trước đó, nhiều thành viên EU đã cáo buộc Nga có hoạt động do thám, từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhiều vụ trục xuất các nhà ngoại giao lẫn nhau đã gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, ngay cả các nước đồng minh cũng xảy ra các vụ do thám tương tự, trong đó Mỹ từng bị phanh phui là nghe lén 122 lãnh đạo thế giới trong năm 2014. Chương trình do thám rộng khắp được thực hiện bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nhằm vào các quan chức cấp cao ở Pháp và Đức cũng gây tai tiếng.

Theo RT