Nếu chỉ tính các môn Olympic, Việt Nam sẽ dẫn đầu, còn Thái Lan chỉ đứng thứ 3. (ảnh SMM Sport) |
SEA Games 30 diễn ra tại Philippines đã xác lập kỷ lục về số môn thi đấu trong một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á với 56 môn thi. Với kiểu tổ chức đại hội thể thao như khu vực Đông Nam Á, nước nào đăng cai đều nghĩ ra chiêu trò để vét huy chương. Hai năm trước, thể thao Philippines chỉ giành 24 HCV chung cuộc, đứng hạng 6 khi SEA Games 29 được tổ chức ở Malaysia.
Chủ nhà đứng đầu “đúng quy hoạch”
Chủ nhà Philippines lần này đã có đưa những môn thể thao “lạ” vào cuộc chơi, miễn sao có thêm ba quốc gia khác đồng ý. Thậm chí ở nội dung Water Polo (bóng nước) chỉ có ba đội tham gia, ban tổ chức đành trao HCV và HCB cho hai đội nhất nhì. Có lẽ vì ái ngại quá nên BTC đã không trao HCĐ cho đội thứ ba.
Ánh Viên với 6 HCV, 2 HCB trở thành VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30 cùng với nam kình ngư Quah Zheng Wen. Ảnh Zing
|
Nhưng trong suốt 28 năm qua, chưa một lần nào đoàn thể thao Thái Lan về đích với vị trí thứ 3. Với những năm Thái Lan không tổ chức SEA Games, đoàn thể thao của họ luôn đứng ở vị trí thứ 2, chỉ thua mỗi nước chủ nhà.
Nhưng tại SEA Games 30 lần này, thể thao Thái Lan đã bị Việt Nam “vượt mặt”. Trên bảng tổng sắp huy chương, đoàn thể thao Thái Lan đứng vị trí thứ 3 chung cuộc với 92 tấm HCV, xếp sau Việt Nam với 98 HCV và nước chủ nhà Philippines với 149 HCV.
Nếu chỉ tính các môn Olympic thì Thái Lan vẫn không phải là nước đứng đầu. Việt Nam đứng thứ 1 với 57 HCV, rồi đến chủ nhà Philippines với 53 HCV. Đã nhiều năm là cường quốc thể thao khu vực Đông Nam Á nhưng Thái Lan chỉ giành được 46 HCV cho các môn Olympic, một thất bại nặng nề.
“Nhiều người lạc quan cho rằng, hãy chỉ tính những môn thể thao Olympic. Nhưng kể cả khi tính như vậy, Thái Lan vẫn không phải là số 1”, tờ SMM Sport phân tích.
Không những thế, báo chí Thái Lan còn cho rằng, tuy chỉ kém Việt Nam 6 tấm HCV nhưng số lượng VĐV Thái Lan lại nhiều hơn Việt Nam tới 400 VĐV điều này càng đáng thất vọng.
“Chúng ta thua cả Philippines và Việt Nam, và nhìn tổng quan lại, thất bại này là lẽ tất yếu khi mà số lượng VĐV tham dự SEA Games 30 của chúng ta là gần 1000 VĐV, trong khi con số đó ở Việt Nam chỉ có 600. Nhìn bảng tổng sắp, chúng ta chỉ thua Việt Nam 6 tấm HCV, nhưng nhìn về số VĐV tham dự, có thể thấy rất nhiều bộ môn thế mạnh của Thái Lan đã không đạt tiêu chuẩn”.
“Các bộ môn thể thao mà trước đây tại thế vận hội thể thao quốc tế Olympic, chúng ta luôn làm tốt nhất tại Đông Nam Á như bơi lội hay điền kinh, chúng ta cũng không thể thắng Việt Nam”.
Việt Nam thành công ngoài mong đợi
SEA Games 30 lần này là kỳ đại hội thành công toàn diện đối với Thể thao Việt Nam. Ngoài việc có HCV bóng đá nam, đoàn thể thao Việt Nam còn vượt xa chỉ tiêu về HCV đề ra, với 98 tấm HCV, 85 HCB và 105 HCĐ. Chúng ta đã bỏ xa chỉ tiêu giành 65 đến 70 HCV đã đề ra ban đầu. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất là việc chúng ta vẫn giữ vững được thế mạnh ở những môn Olympic, đó là những tấm HCV của Nguyễn Thị Oanh, Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh).
Chúng ta đã vô địch cả bóng đá nam lẫn nữ. Ảnh VFF
|
Có những đột phá và có VĐV xuất sắc là cử tạ. Đây là 1 trong 5 môn thể thao Olympic được đầu tư ở nhóm 1, bên cạnh điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ và bắn súng. Chỉ tiêu chỉ là 1 HCV nhưng rốt cuộc chúng ta được tới 5 HCV. SEA Games 30 thì riêng môn bơi đã đóng góp đến 11 HCV, trong khi đó điền kinh chiếm thế độc tôn với 15 HCV.
Ngoài Ánh Viên với 6 HCV, 2 HCB trở thành VĐV nữ xuất sắc nhất SEA Games 30 thì Nguyễn Thị Huyền là trường hợp độc nhất vô nhị. Chị là nhà vô địch SEA Games 2015 nội dung 400m, 400m rào và tiếp sức 4x400m. Cô gái Nam Định rất cá tính và tài năng này cũng giành đến 3 HCV quý giá tại SEA Games 2017, từng giành vé đến Olympic. Sau 3 tháng sinh con, Nguyễn Thị Huyền quay trở đường chạy, giành tấm HCV ở cự ly 400m.
Nhưng 1 số môn như bắn súng, cờ vua, rowing có các VĐV từng đạt giải thế giới, châu lục nhưng trắng tay, được coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ.