Truyền thông Anh: Mỹ sắp trừng phạt 20 công ty Trung Quốc trọng yếu liên quan đến quân đội

VietTimes – Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 24/6 đã liệt kê 20 công ty Trung Quốc thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của PLA. Tổng thống Trump sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các công ty này.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập danh sách 20 công ty trọng yếu của Mỹ trên các lĩnh vực được cho là liên quan đến PLA để Tổng thống Donald Trump ra lệnh trừng phạt (Ảnh: Đông Phương).
Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập danh sách 20 công ty trọng yếu của Mỹ trên các lĩnh vực được cho là liên quan đến PLA để Tổng thống Donald Trump ra lệnh trừng phạt (Ảnh: Đông Phương).

Mỹ tiếp tục gây áp lực mạnh mẽ lên Trung Quốc. Hãng tin Anh Reuters ngày 24/6 dẫn tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, tiết lộ Washington đã lên danh sách 20 công ty Trung Quốc thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của quân đội Trung Quốc (PLA). Trong danh sách này có người khổng lồ viễn thông Huawei và các công ty sản xuất thiết bị giám sát nổi tiếng Hikvision.v.v. Tin cho biết báo cáo, bản danh sách cùng văn kiện liên quan đã được đệ trình lên Quốc hội. Theo luật pháp liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các công ty có liên quan trong tương lai, bao gồm việc phong tỏa toàn bộ.

20 công ty trong các lĩnh vực trọng yếu sẽ bị trừng phạt?

Danh sách mà Reuters có đã được Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo theo điều luật liên quan năm 1999. Sau đó, trang web chính trị Mỹ Axios đã công bố thông tin chi tiết của 20 công ty Trung Quốc này. Ngoài Huawei, Hikvision, China Mobile, China Telecom, Tập đoàn Trung Xa (CRRC) và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, các Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (với 2 công ty liên quan), Công ty Công nghệ Hàng không Trung Quốc, Tập đoàn Trung Tín (CITIC), Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp Nam Phương Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc, Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp Bắc Phương Trung Quốc, Tập đoàn Inspur, Tập đoàn Phát triển Hàng không Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn điện lực Panda. Tập đoàn Công nghiệp Thông tin Shuguang, Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc và Tập đoàn công nghiệp hạt nhân Trung Quốc.

 Hầu hết các công ty này là doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực hàng không, điện tử, viễn thông, điện hạt nhân và tàu thuyền... Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng 20 công ty Trung Quốc có tên trong danh sách đều liên quan đến quân đội Trung Quốc. Bộ Quốc phòng không có quyền trừng phạt, nhưng Tổng thống Trump có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty trong danh sách mà Bộ Quốc phòng soạn thảo.

Huawei tiếp tục là công ty có tên trong danh sách nạn nhân bị trừng phạt do liên quan đến PLA (Ảnh: chinatimes).
Huawei tiếp tục là công ty có tên trong danh sách nạn nhân bị trừng phạt do liên quan đến PLA (Ảnh: chinatimes).

Hiện các công ty Huawei, Hikvision, China Mobile, CITIC, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc.., Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington và Nhà Trắng đều chưa lên tiếng. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton và Hạ nghị sỹ Mike Gallagher hôm thứ Tư (24/6) đã đưa ra các tuyên bố ủng hộ bản danh sách của Bộ Quốc phòng và kêu gọi ông Trump xử phạt các công ty Trung Quốc có liên quan bằng các biện pháp kinh tế. Các nhà phân tích chỉ ra rằng hành động này của Washington sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

 Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu không nêu tên, đã xác nhận với Reuters về tính xác thực của tài liệu và cho biết nó đã được gửi tới Quốc hội. Tin cho rằng Tổng thống Trump có quyền áp đặt trừng phạt kinh tế khẩn cấp đối với 20 công ty trong danh sách, bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính.

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 25/6, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act) được Mỹ thông qua năm 1999 yêu cầu Bộ Quốc phòng lập danh sách này, nhưng đến nay vẫn chưa được tóm tắt hoặc công khai.

Ngoài ra, Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế của Mỹ (IEEPA) cũng trao cho tổng thống quyền trừng phạt các công ty quân sự Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.

Thông thường IEEPA sẽ công bố các lệnh trừng phạt thông qua Bộ Tài chính Mỹ, có thể cắt đứt quan hệ giữa các công ty và cá nhân nước ngoài với hệ thống tài chính Mỹ. Hiện không rõ liệu bản danh sách này có phải là khúc dạo đầu cho các hành động của Bộ Tài chính Hoa Kỳ hay không.

Ông Larry Wortzel, thành viên của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung tại Quốc hội, nói với Axios: "Tổng thống có thể sử dụng ủy quyền của IEEPA để xử phạt các thực thể trong danh sách".

Hiện chưa rõ bước tiếp theo của chính quyền Donald Trump. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien cũng đã đề cập đến danh sách 20 công ty Trung Quốc này trong bài phát biểu tại Phoenix hôm thứ 24/6.

Quyết định trừng phạt 20 công ty lớn trên các lĩnh vực sẽ khiến quan hệ Trung - Mỹ đã xấu lại càng trở nên tồi tệ thêm (Ảnh: nzmao.com).
Quyết định trừng phạt 20 công ty lớn trên các lĩnh vực sẽ khiến quan hệ Trung - Mỹ đã xấu lại càng trở nên tồi tệ thêm (Ảnh: nzmao.com).

Tại sao danh sách được công bố tại thời điểm này?

Washington năm ngoái đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại do vấn đề an ninh quốc gia và đi đầu thuyết phục các đồng minh quốc tế loại trừ Huawei khỏi mạng 5G. Huawei và Hikvision cũng nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ và các nhà cung cấp Mỹ phải xin phép trước khi giao dịch với hai công ty này.

Sau đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về công nghệ, thương mại và chính sách đối ngoại không ngừng gia tăng và các nhà lập pháp từ cả hai đảng ở Mỹ cũng bắt đầu gây áp lực cho Bộ Quốc phòng, yêu cầu công bố danh sách này.

Tháng 9 năm ngoái, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton và Hạ nghị sỹ Cộng hòa Mike Gallagher đã viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bày tỏ lo ngại rằng các công ty Trung Quốc đang sử dụng công nghệ dân sự mới nổi cho mục đích quân sự. Họ hỏi trong thư: "Các vị có hứa sẽ nhanh chóng cập nhật và xuất bản danh sách này không?"

Sau khi danh sách được công bố, Cotton và Gallagher đã đưa ra những tuyên bố ca ngợi cách làm của Bộ Quốc phòng và kêu gọi Tổng thống áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các công ty này. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói trong một tuyên bố rằng "danh sách này là một sự khởi đầu", nhưng nó không đủ để cảnh báo người dân Mỹ chú ý đến các hoạt động hỗ trợ chính phủ Trung Quốc và còn đe dọa nền kinh tế và An toàn quốc gia Mỹ của các công ty nhà nước và được chính phủ Trung Quốc chỉ đạo.

Các công ty Trung Quốc bị điểm mặt

Danh sách này cũng chuyển trọng tâm sang các liên kết giữa các công ty Mỹ và các công ty Trung Quốc, cũng như hoạt động kinh doanh của họ tại Hoa Kỳ. Năm 2012, General Electric, có trụ sở tại Hoa Kỳ và Tập đoàn Hàng không Trung Quốc đã cùng nhau thành lập Aviage Systems mỗi bên nắm 50% cổ phần để cung cấp thiết bị cho máy bay C919 của Trung Quốc.

Danh sách của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng bao gồm Tập đoàn Trung Xa (CRRC), đã giành được các hợp đồng ở Boston, Philadelphia, Chicago và Los Angeles thông qua đấu thầu chi phí thấp.

Các công ty này đã không phản ứng ngay lập tức, nhưng thực ra từ lâu họ đã bị các nhà quản lý Mỹ nhắm đến. Vào tháng Tư năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan liên bang khác đã kêu gọi Ủy ban Thông tin Liên bang thu hồi giấy phép của China Telecom (Mỹ) cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế cho Mỹ. Năm ngoái, các nhà quản lý viễn thông cũng đã từ chối các yêu cầu tương tự của China Mobile.