Cùng với tên tuổi 2 võ sĩ, trận đấu hôm nay tại Las Vegas được mệnh danh là "cuộc so găng thế kỷ" chủ yếu do khoản doanh thu kỷ lục, ước khoảng 300 triệu USD mà sự kiện này tạo ra. Gần như toàn bộ số tiền này đến từ dịch vụ truyền hình trả tiền Pay-per-view (PPV), vốn rất phổ biến tại Mỹ hiện nay.
Đồng tổ chức sự kiện này, 2 đại gia truyền hình Mỹ là HBO (do Time Warner sở hữu) và Showtime (thuộc về CBS Corp) công bố thu phí 90 USD trên mỗi đầu thu độ nét chuẩn theo dõi. Với định dạng độ nét cao, vốn được đa số gia đình tại Mỹ sử dụng, chi phí cũng cao hơn tương ứng. Reuters ước tính có khoảng 3 triệu hộ tại Mỹ sẵn sàng bỏ tiền để theo dõi trận đấu nêu trên tại nhà, mang về 270 triệu USD cho HBO và Showtime. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lạc quan hơn cho rằng con số có thể lên tới 4 triệu thuê bao.
Cùng với các hộ gia đình, một món hời khác đối với dịch vụ truyền hình chính là các chuỗi nhà hàng, quán bar... nơi người Mỹ thường tụ tập theo dõi quyền anh (boxing). Tuỳ thuộc quy mô, mỗi địa điểm kiểu này sẽ phải trả cho nhà cung cấp PPV khoảng 3.000-4.000 USD để phát sóng.
Ngoài những khoản tiền nêu trên, sự kiện còn có những nguồn thu khác, đến từ bản quyền truyền hình cho các kênh nước ngoài, tiền bán vé xem trực tiếp cũng như xem qua truyền hình tại khách sạn, nơi trận đấu diễn ra... Những khoản tiền này hiện còn chưa được thống kê cụ thể.
Cũng theo công bố của đơn vị tổ chức, HBO và Showtime sẽ chỉ nhận một phần nhỏ (khoảng 7,5%) từ tổng doanh thu PPV, trong khi số tiền còn lại sẽ được chia hết cho 2 võ sĩ Mayweather và Pacquiao theo tỷ lệ 60:40.
"Chúng tôi không lấy PPV là ngành kinh doanh chính, mà sử dụng nó như một chiến thuật, tại những sự kiện cần thiết, mà trận đấu này là một trong số đó. Thật khó tưởng tượng việc đưa một sự kiện như vậy lên hệ thống hiện nay của HBO", Ken Hershman - Chủ tịch HBO Sport phát biểu.
Vốn là đối thủ lớn của nhau trong ngành công nghiệp truyền hình, đây mới là lần thứ 2 HBO và Showtime hợp tác tổ chức một sự kiện PPV, sau một trận quyền anh "bom tấn" khác giữa Mike Tyson và Lennox Lewis năm 2002. Sự kiện này cũng từng thu hút gần 2 triệu thuê bao theo dõi qua truyền hình. "Không phải lúc nào chúng tôi cũng nhìn về một hướng, song việc hợp tác nhìn chung là tốt đẹp", Hershman phát biểu.
Lượng thuê bao theo dõi những sự kiện PPV lớn nhất trong lịch sử. Đơn vị:triệu thuê bao.
Tuy nhiên, trong khi các tổ chức đang khá hào hứng với sự kiện trị giá hàng trăm triệu USD này thì không phải người xem truyền hình nào cũng hài lòng. Guadalupe Jaimes, một doanh nhân tại Chicago từng trả 50-60 USD để xem những sự kiện PPV trước đây cho rằng mức giá 90-100 USD là "lố bịch". "Số tiền đó có thể làm được nhiều việc hơn là ngồi xem một trận đấu vào ngày cuối tuần", thuê bao này nói. Trong khi đó, nhiều người khác chia sẻ với Reuters rằng họ sẽ tụ tập tại nhà người quen để theo dõi và chia sẻ chi phí, thay vì xem tại nhà riêng.
Trong khi đó, lãnh đạo của chuỗi nhà hàng Buffalo Wild Wings - một trong những địa điểm theo dõi quen thuộc của người hâm mộ thể thao Mỹ cho biết họ không thể phát sóng sự kiện này vì chi phí quá cao. "Chúng tôi tính mỗi cửa hàng sẽ mất khoảng 5.100 USD chỉ để phát sóng sự kiện này. Như vậy là quá đắt", COO của chuỗi hơn 1.000 nhà hàng trên khắp nước Mỹ chia sẻ với Business Insider.
Ngoài Buffalo Wild Wings, một số chuỗi nhà hàng, quán bar khác cho biết vẫn sẽ phát sóng trận đấu, song sẽ thu phí người xem 20-30 USD trên mỗi người xem, hoặc yêu cầu khách hàng cam kết hoá đơn không dưới 15 USD mỗi người.
Được thử nghiệm lần đầu năm 1951, dịch vụ truyền hình trả tiền theo lượt xem (Pay-per-view hayPPV) ngày nay khá phổ biến tại Mỹ và thế giới. Ban đầu, các hãng truyền hình tiếp nhận yêu cầu và thu phí khách hàng qua đường điện thoại, sau đó qua mạng truyền hình cáp và kỹ thuật số. PPV thường được sử dụng đối với các sự kiện thể thao lớn (đặc biệt là quyền anh) hay các chương trình giải trí, phim bom tấn. Từ năm 1988 đến nay, đã có gần 80 chương trình PPV được tổ chức với lượng người xem giao động từ vài trăm nghìn tới 2,4 triệu cho mỗi sự kiện. |
Theo Vnexpress