Truyền hình thực tế: Lại “thèm” điểm 7 của “ông” Lê Hoàng

Nhiều sân chơi truyền hình thực tế như “Cặp đôi hoàn hảo”, “Bước nhảy hoàn vũ”, “The Remix”… có vẻ như người chơi quá giỏi hoặc giám khảo quá hào phóng khi chấm điểm 9, 10 liên tục tạo cảm giác nhàm chán cho khán giả.
Truyền hình thực tế: Lại “thèm” điểm 7 của “ông” Lê Hoàng

Trong các chương trình thực tế thì phần tính điểm luôn được chờ đợi bởi sự lo lắng của thí sinh và sự hào hứng của khán giả. Còn nhớ một trong những chương trình gây tiếng vang rất lớn là “SV’ 96” khi đó những điểm số 9,5 hay 10 khi được MC, nhà báo Lại Văn Sâm hô vang đã trở thành thương hiệu cho sự phấn khích của rất nhiều khán giả truyền hình. Và những điểm số đó được đánh giá chuẩn mực từ hàng ghế chuyên môn, được cộng hưởng bởi sự hài lòng tương đối từ phía khán giả trường quay lẫn khán giả truyền hình.

Nhưng trở lại với THTT trong nước ở thời điểm hiện tại khi các cuộc thi nở rộ thì điểm 9,5 và điểm 10 dường như giảm giá, thậm chí điểm 9 còn trở nên khan hiếm. Công chúng chẳng biết có nên hoang mang hay lạc quan cuồng nhiệt không khi nền giải trí trong nước lắm tài năng xuất chúng đến vậy, trong mỗi phần thể hiện ngoài sự tung hô khen ngợi thái quá của giám khảo thì điểm số của họ cũng hoàn hảo chưa từng thấy.

Đang trong thời điểm chạy nước rút về đích tại “The Remix”, không khó để thống kê những điểm 10 tuyệt đối trong các phần trình diễn của Sơn Tùng, Đông Nhi, Tóc Tiên, Giang Hồng Ngọc, Issac… Thậm chí một vài trong số họ điểm thấp nhất nhận được trong các tuần thi là 9,5 chứ không phải là 9. Tương tự như các show truyền hình trước đó mới kết thúc, nếu như “Bước nhảy hoàn vũ” bùng nổ với điểm số hoàn hảo của những “kẻ” không chuyên tham gia nhảy múa. Thì “Cặp đôi hoàn hảo” nhiều nghệ sĩ hát chỉ ở mức độ karaoke nhưng nhiều đêm thi vẫn có những phần điểm số cao chót vót dù khán giả chưa thể hiểu nghệ sĩ đó vì sao hát lại được khen hay đến vậy. Chỉ cần nghe điểm số thôi cũng tưởng diễn viên hát hay như ca sĩ có thứ hạng, ca sĩ nhảy đẹp hơn cả vũ công chuyên nghiệp.

Sự mát tay “khích lệ” của ban giám khảo đã vô tình tôn vinh nghệ sĩ, thí sinh Việt lên một tầm cao hoàn hảo mới mà thế giới khó sánh kịp. Chẳng cần nhìn đâu xa, cứ theo dõi phiên bản gốc của “Bước nhảy hoàn vũ - Dacing with the stars” tại Mỹ, ta sẽ thấy tài năng của họ chắc phải còn chạy dài mới đuổi kịp tài năng trong nước bằng điểm số. Khung điểm từ 1-10 thì cũng có nhiều thí sinh đạt điểm cao xuất sắc là 8 và 9, những phần thi kém nhận được điểm 3, điểm 4 như thường. Thí dụ điển hình là thí sinh Master P một Rapper kiêm doanh nhân khi kết hợp với bạn nhảy Ashly DelGrosso trong bài nhảy Paso Dople tại “Dancing with the stars” mùa thứ 2 anh nhận tới hai điểm 2 và một điểm 4, được coi là một trong những bài nhảy tệ nhất trong lịch sử của cuộc thi này. 

Bỗng dưng “thèm” điểm 7 của “ông” Lê Hoàng

Khán giả truyền hình đã quá quen với đạo diễn Lê Hoàng trong vai trò là giám khảo các gameshow và THTT, quen bởi sự hóm hỉnh, "chua ngoa" và đặc biệt là điểm số đậm tính cách không giống ai. Sự thiếu vắng của vị đạo diễn này trong vai trò giám khảo THTT trong thời gian vừa qua đã làm cho hàng nghế nóng như trở nên hiền hơn, thoáng hơn và nguội hơn. Trước đây chỉ cần mỗi lần giám khảo Lê Hoàng cho điểm là chẳng ai có thể đoán được ông sẽ cho bao nhiêu ở phần thi đó. Lúc người khác tung hô điểm 9, 10 cao chót vót nhưng với giám khảo Lê Hoàng thì ông sẵn sàng “phang” điểm 7 không run tay

Để giải thích cho lý do vì sao điểm số trong các chương trình THTT đột biến tăng đến mức hoàn hảo tuyệt đối trong thời gian qua thì không khó. Hầu hết một phần khung điểm số được ấn định trước từ nhà sản xuất (thường chủ yếu là từ 8-10), bởi các cuộc chơi phần nhiều là giành cho các nghệ sĩ nổi tiếng. Họ cần mối quan hệ qua lại, việc đánh giá trong mức độ có thể làm đẹp lòng đôi bên những điểm số cao vô tình không làm mếch lòng người trong cuộc. Hơn nữa trong cuộc chơi kết quả được đánh giá 50/50 cả phần bình chọn của khán giả, nhưng hiện nay phần nhiều nghiêng về đánh giá của khán giả, nên giám khảo có phần dễ dãi cho điểm hơn. Thêm nữa điểm số cao dễ gây kích thích từ fan của người chơi, từ khán giả trung lập, tránh mếch lòng nhiều bên nếu cho điểm quá thấp.

Trong cuộc chơi trên truyền hình hiện nay vai trò của giám khảo làm mầu nhiều hơn là làm tròn trách nhiệm đánh giá tài năng. Phần điểm số “khó nghe” của giám khảo Lê Hoàng tưởng như gây tranh cãi nhưng phần nhiều trong đó lại là điểm thật so với thực tế. Lời khen tưởng hay hóa ra chỉ là một sự ve vuốt bên ngoài, khán giả ngán ngẩm với kiểu cho điểm không liên quan đến thực tế, chỉ có thí sinh nếu tỉnh táo tự đánh giá chắc có lẽ những lúc mức điểm 6 điểm 7 lại tạm chấp nhận được và những điểm 10 được nhận mà lại khó tầm với.

Với hàng loạt các điểm cao chót vì thì sự ảo tưởng của thí sinh khi kết thúc cuộc chơi là dễ hiểu. Tuy nhiên trong thâm tâm rất có thể có lúc họ mong muốn giá như hồi đó có “ông” Lê Hoàng giữ mình ở mặt đất. Điểm cao nhưng khán giả truyền hình ưng ý hay không thì lại là chuyện khác, thừa mứa điểm số cao gây ra sự ảo tưởng cho tài năng, và ảnh hưởng đến cả một nền showbiz đang đi ngang chứ không tiến lên phia trước.

Theo Dân trí