|
Ảnh minh hoạ. |
Như VietTimes đã thông tin trong loạt bài Ứng dụng dữ liệu số giải vấn nạn "tín dụng đen", điểm tín dụng khi được cập nhật và khai thác trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia sẽ tạo được bước tiến lớn, tiết kiệm thời gian và công sức cho các tổ chức tín dụng trong việc khai thác thông tin cá nhân, thông tin tài chính và là tiêu chí để cấp tín dụng. Đồng thời, việc này còn giúp đẩy lùi vấn đề tín dụng đen đang gây bức xúc trong xã hội.
Tuy vậy, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05 Bộ Công an) khuyến cáo rằng: “Việc đánh giá khả tín khách hàng vay cá nhân rất nhạy cảm, liên quan mật thiết tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo".
Phân tích về Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân trong vấn đề sử dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay cung cấp cho các đơn vị tài chính - ngân hàng, Cục A05 đặt ra vấn đề tiên quyết là về mặt pháp lý phải bảo đảm thì mới triển khai trong thực tiễn.
Việc triển khai cũng cần có cơ chế thí điểm, nghiên cứu điều chỉnh sao cho phù hợp. Ưu tiên cao nhất của dữ liệu dân cư là phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo Cục A05, trong vấn đề sử dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay cung cấp cho các đơn vị tài chính - ngân hàng, nếu điểm tín dụng - nhấn mạnh chỉ là số điểm, không liên quan tới thông tin cá nhân - thì không phải dữ liệu cá nhân, nên có thể chuyển giao cho các đơn vị tài chính - ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu điểm tín dụng đó có thông tin liên quan tới cá nhân (ví dụ ông A được 700 điểm) thì là dữ liệu cá nhân, không được chuyển giao, mua bán cho các đơn vị tài chính - ngân hàng, trừ trường hợp luật quy định khác.
Có một trường hợp có thể chuyển điểm tín dụng cho các đơn vị tài chính - ngân hàng: Chủ thể dữ liệu yêu cầu Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) hoặc Ngân hàng Nhà nước cung cấp điểm tín dụng của mình cho Ngân hàng, thì Cục C06 hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể làm, nhưng phải được luật quy định cho phép.
2 trường hợp có thể sử dụng dữ liệu dân cư để đánh giá khả tín
Cục A05 cũng cho biết, có 2 trường hợp có thể sử dụng dữ liệu dân cư để đưa ra điểm khả tín khách hàng vay.
Trong đó, một là, việc đánh giá khả tín khách hàng vay là hoạt động của cơ quan nhà nước được quy định theo luật chuyên ngành và Cục C06 được giao thực hiện nhiệm vụ này.
Khi đó C06 có thu thập thông tin liên quan tới tài chính ngân hàng của dân cư để có thể đánh giá khả tín khách hàng vay mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu số. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của nội dung này chỉ liên quan tới hoạt động của cơ quan nhà nước, không được chuyển giao, mua bán dữ liệu cá nhân có liên quan tới quá trình chấm điểm tín dụng bằng dữ liệu số.
Hai là, Ngân hàng nhà nước được luật giao chức năng đánh giá khả tín khách hàng vay và có sử dụng dữ liệu dân cư để xác thực.
Khi đó, việc xác thực có thể được thực hiện nhằm bảo đảm rằng, thông tin điểm tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước nắm giữ là phù hợp, chính xác với dữ liệu dân cư do Cục C06 quản lý. Hoạt động đánh giá khả tín khách hàng vay của Ngân hàng Nhà nước chỉ để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Việc xử lý dữ liệu dân cư cần tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, việc này cũng được miễn trừ trách nhiệm liên quan tới sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, vì phù hợp với quy định về dữ liệu phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.
Chia sẻ nguyên tắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đánh giá khả tín khách hàng vay, đại diện Cục A05 cho rằng, quá trình xử lý cần bảo đảm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân như chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân; thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý; không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác.