Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông chính thức tuyên bố rút bỏ Luật dẫn độ

VietTimes -- Vào khoảng 18h00 giờ địa phương (tức 17h, giờ Hà Nội) chiều ngày 4 tháng 9, Trưởng quan (Thống đốc) Đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), đã có bài phát biểu trên truyền hình thông báo về việc chính thức rút bỏ sửa đổi Pháp lệnh người phạm tội bỏ trốn (còn gọi là Luật dẫn độ).
Bà Carrie Lam phát biểu trên truyền hình tuyên bố chính thức rút bỏ Luật dẫn độ Hồng Kông.
Bà Carrie Lam phát biểu trên truyền hình tuyên bố chính thức rút bỏ Luật dẫn độ Hồng Kông.

Trong bài phát biểu của mình, bà Carrie Lam đã đưa 4 biện pháp lớn: Một, chính thức rút lại Pháp lệnh sửa đổi về người phạm tội bỏ trốn và sẽ rút dự thảo theo quy trình nghị sự. Thứ hai, hỗ trợ công việc của IPCC (Ủy ban giám sát cảnh sát) với sự tham gia của các thành viên mới như cựu chủ tịch Hiệp hội luật sư Lâm Định Quốc (Lin Dingguo) và cựu quan chức Dư Lê Thanh Bình (Yu Li Qingping). Thứ ba, Thống đốc và các Vụ trưởng sẽ xuống các cộng đồng dân cư để lắng nghe tiếng nói của công chúng. Thứ tư, các chuyên gia và học giả sẽ được mời nghiên cứu các vấn đề sâu rộng như cung cấp đất ở, sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, thanh thiếu niên thượng lưu và công bằng xã hội.

Trước khi phát biểu trên truyền hình, bà Carrie Lam đã triệu tập một nhóm nghị sĩ Hồng Kông, đại biểu Quốc hội Trung Quốc của khu vực Hồng Kông, Ủy viên Hội nghị Chính Hiệp Trung Quốc khu vực Hồng Kông tới Tòa nhà Chính phủ vào lúc 16 giờ chiều. Theo truyền thông Hồng Kông, các quan chức Hồng Kông tham gia cuộc họp bao gồm Vụ trưởng Tư pháp, ông Trịnh Nhược Hoa (Andrew Cheng); Cục trưởng Bảo an Lý Gia Siêu (Li Jiachao);  Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cơ bản Đàm Huệ Châu (Tan Huizhu); Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Lương Quân Ngạn (Leung Junyan); các thành viên hội đồng hành chính Nhiệm Chí Cương (Ren Zhigang), Hoàng Quốc Kiến (Hoang Guojian), Lâm Chính Tài (Lin Zhengcai), Diệp Lưu Thục Nghi (Ye Liu Shuyi), Lý Quốc Chương (Li Guozhang) v.v.

Theo các báo, đối với Quy định người phạm tội bỏ trốn, bà Carrie Lam nhấn mạnh tại cuộc họp “The bill is dead” (Dự luật đã chết). Bà cũng nói rằng hiện không có bầu không khí để thực hiện bầu cử kép và do đã có một cuộc điều tra của IPCC, nên sẽ không xem xét việc thành lập một ủy ban điều tra độc lập.

Dân chúng Hồng Kông theo dõi phát biểu của bà Carrie Lam trên truyền hình.
Dân chúng Hồng Kông theo dõi phát biểu của bà Carrie Lam trên truyền hình.

Bà Carrie Lam cũng hy vọng sẽ chấm dứt bạo loạn và mở ra một cục diện mới và sẽ đưa các biện pháp để đối phó với suy thoái kinh tế. Bà chỉ rõ, để chấm dứt bạo loạn cần thiết phải có các biện pháp pháp luật có thể sử dụng, cần sử dụng và sử dụng toàn bộ, bày tỏ sẽ “dùng đủ dùng tốt” mọi biện pháp; ngay cả các biện pháp hành chính cũng sẽ được xem xét, để lực lượng cảnh sát có thêm năng lượng thực thi pháp luật, các cơ quan khác của chính quyền cũng sẽ hỗ trợ cảnh sát làm việc.

Trước đó, ngày 15 tháng 6, sau một cuộc biểu tình lớn của phe đối lập, bà Carrie Lam đã chính thức tuyên bố tạm hoãn công tác sửa đổi Pháp lệnh người phạm tội bỏ trốn và nói rằng các công việc sửa đổi lập pháp tương ứng cũng sẽ tạm dừng. Về vấn đề này, phía Bắc Kinh khi đó đã bày tỏ ủng hộ, tôn trọng và hiểu hành vi của chính phủ Hồng Kông.

Ngày 3 tháng 9, Văn phòng Hồng Kông và Macao của Quốc Vụ viện Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo để nhấn mạnh một lần nữa rằng “chấm dứt bạo loạn, khôi phục trật tự” là ưu tiên hàng đầu của Hồng Kông lúc này. Từ ngữ phía Bắc Kinh sử dụng rất cứng rắn, nói rằng “trong vấn đề chấm dứt bạo loạn không có khu vực trung gian, không được phép do dự, trăn trở hay dao động”.

Ngoài ra, cuộc họp báo cũng xác định mục đích những người biểu tình cực đoan thực thi bạo lực nhằm làm loạn Hồng Kông, khiến chính quyền tê liệt, có ý đồ giành quyền cai trị Hồng Kông, biến Hồng Kông thành một thực thể chính trị độc lập hoặc bán độc lập và cuối cùng là khiến “một quốc gia, hai chế độ” trở nên “hữu danh vô thực”.

Phản ứng trước tuyên bố của bà Carrie Lam, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một đại diện của phe đối lập nói: “Tuyên bố của bà Lam hoàn toàn xa rời với thực tế. Bà cần giải quyết tất cả 5 yêu cầu, bao gồm các yêu cầu còn lại như: ngưng truy tố, ngưng gọi người biểu tình là những kẻ bạo loạn, tiến hành điều tra cảnh sát một cách độc lập, và bầu cử tự do!”.

Có ý kiến cho rằng, với quyết định chính thức rút dự luật dẫn độ, bà Lam hy vọng có thể chặn được các cuộc biểu tình trong thời gian dẫn tới ngày lễ Quốc khánh 1/10, kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.  

(Theo Đa Chiều)