Trước sức ép xe nhập, VAMA muốn Chính phủ cho thêm ưu đãi

VietTimes -- Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản gửi tới Bộ Công thương muốn đề xuất thêm các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
VAMA cũng chỉ ra Việt Nam còn thiếu các chính sách và cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ hợp lý.
VAMA cũng chỉ ra Việt Nam còn thiếu các chính sách và cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ hợp lý.
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay từ năm 2018, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với xe ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN với thuế suất về 0%. Đây là một thách thức lớn và đe dọa sự tồn tại của công nghiệp ô tô trong nước.
Đâu là khó khăn mà doanh nghiệp phụ trợ trong nước gặp phải?
VAMA chỉ ra dung lượng thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, trong đó tổng số xe lắp ráp chỉ đạt khoảng 230.000 xe. Với sản lượng thấp như vậy, chính sách thị trường luôn bất ổn cộng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% dành cho xe CBU đã xác định rõ ràng nên rất khó để các nhà cung cấp quyết định sản xuất linh kiện đòi hỏi có sự đầu tư cao.(đặc biệt là máy móc, khuôn và đồ gá).
Điều này dẫn đến thực tế là gần như không có nhà cung cấp nào có thể duy trì sản xuất ở Việt Nam và cung cấp linh kiện cho các hãng lắp ráp ô tô trong nước. Hoặc nếu có thì mua linh kiện từ các nhà cung cấp trong nước cũng có giá bán tương tự như nhập khẩu từ nước ngoài.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất phụ tùng lớn hơn và các nhà sản xuất xe ô tô phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài, làm phát sinh chi phí logistic, chi phí đóng gói và thuế nhập khẩu.
Các chi phí này khiến cho chênh lệch giữa chi phí sản xuất trong nước và chi phí sản xuất xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia càng lớn, lên đến 20%. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của xe sản xuất trong nước yếu đi kể từ thời điểm năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0%.
Năng lực của nhà cung cấp trong nước còn yếu kém
Một chiếc xe được lắp ráp từ hàng nghìn linh kiện lớn nhỏ nên hệ thống cung cấp khá phức tạp và nhiều tầng, trong đó các nhà cung cấp cấp 2, 3 cũng phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu sản xuất như chất lượng/chi phí/giao hàng (QCD), còn nhà cung cấp cấp 1 cần thỏa mãn thêm yêu cầu về năng lực nghiên cứu & phát triển (R&D).
Thế nên, năng lực QCD trở thành vấn đề lớn đối với các nhà cung cấp Việt Nam do không nhiều nhà cung cấp có thể đáp ứng được tiêu chuẩn này để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
VAMA cũng chỉ ra Việt Nam còn thiếu các chính sách và cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ hợp lý. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về các nhà cung cấp ô tô chưa đầy đủ hoặc không được cập nhật thường xuyên khiến cho các nhà sản xuất mất nhiều thời gian và nổ lực để tìm ra một nhà cung cấp phù hợp.
Cần thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ
VAMA cho rằng để phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ phải thực hiện đồng bộ 3 nhóm chính sách trụ cột chính bao gồm duy trì sự tăng trưởng ổn định thị trường, hỗ trợ giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp.
Để thực hiện được các điều nêu trên, VAMA đã đề nghị Chính phủ cần có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá. Đồng thời, các nhà cung cấp cũng cần được thường xuyên tham gia vào các cuộc đối thoại về ngành ô tô.  
Hiệp hội này cảnh báo các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 không nên đặt  tham vọng “nhảy cóc” lên thành nhà cung cấp cấp 1 trong ngắn hạn mà nên tập trung đáp ứng các yêu cầu về QCD.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp nên tham gia các chương trình kết nối cơ sở dữ liệu và kinh doanh, xây dựng thông tin giới thiệu công ty đầy đủ và hấp dẫn.
Cuối cùng với vai trò là nhà sản xuất ô tô, VAMA cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp các hướng dẫn về việc tuyển chọn nhà cung cấp, các điều kiện tuyển chọn và danh sách các linh kiện có kế hoạch nội địa hóa để các nhà cung cấp tiềm năng cân nhắc.
Đồng thời VAMA sẽ mở rộng cơ hội tuyển chọn nhà cung cấp, không phân biệt các nhà cung cấp có vốn đầu tư nước ngoài hay nhà cung cấp trong nước.