Trung thực, căn cốt của “Nho quân tử” ở đâu?

VietTimes -- Ở thời nào cũng vậy, trung thực luôn là một trong những phẩm chất quý giá góp phần tạo nên nhân cách con người. Xã hội có nhiều người trung thực thì chứng tỏ giáo dục phát triển. Ngược lại, xã hội ít người trung thực, tất có biến và sinh họa.
Trước khi bị truy tố ông Trương Minh Tuấn từng viết cuốn sách này trong thời gian giữ chức
Trước khi bị truy tố ông Trương Minh Tuấn từng viết cuốn sách này trong thời gian giữ chức

Một công dân bình thường đã rất cần đến sự trung thực và đã là cán bộ, đảng viên thì trung thực càng cần thiết gấp bội lần. Bởi đơn giản một điều rằng, sự trung thực cũng chính là một tiềm lực góp phần tạo ra sức mạnh quốc gia và uy tín đất nước.

Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN), nhà Nho trong thời Xuân Thu chiến quốc đã lấy sự trung thực là căn cốt trong giá trị của người chính nhân quân tử. Khi so sánh giữa “Nho quân tử” và “Nho tiểu nhân”, ông viết: "Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt” có nghĩa là “quân tử thông đạt về nhân nghĩa, tiểu nhân thông đạt về tài lợi". 

Khổng Tử chỉ rõ tác dụng của “Nho quân tử” với xã hội: “thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”. Điều ấy hàm ý nói “Nho quân tử” sẽ giúp ích được cho đời, cho dân, cho đất nước và tuyệt nhiên sẽ không phải là kẻ ác.

Đất và những miếng mồi béo bở từ đất đã giết chết sự trung thực của nhiều cán bộ
Đất và những miếng mồi béo bở từ đất đã giết chết sự trung thực của nhiều cán bộ

Ở xã hội ta hiện nay, mặc dù chưa có thống kê khoa học chính xác, nhưng khi nhìn vào những hiện tượng xấu xuất phát từ sự thiếu trung thực của con người, của quan chức trong bộ máy công quyền, nhiều chuyên gia tỏ ra quan ngại, lo lắng cho tương lai của đất nước.

Gần đây nhất, dư luận không khỏi giật mình khi ngày 23/9, một số kênh truyền thông ở xứ kim chi thông tin, có 9 người trong phái đoàn kinh tế đi theo đoàn cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc; 2 người sau đó bị trục xuất về nước. Ngày 25/9, trả lời báo chí, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và chỉ “đi nhờ chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân”.

Ngay sau thông tin này, dư luận xã hội đặt ra một loạt câu hỏi về danh tính của những người “đi nhờ” trên chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Hàn Quốc và liệu câu trả lời về vụ việc đã trung thực chưa?

Có vô vàn dẫn chứng về sự thiếu trung thực của quan chức trong bộ máy công quyền đã diễn ra trong xã hội chúng ta hiện nay, trong đó vấn đề dư luận quan tâm nhất là sự trung thực của cán bộ với nhân dân.

Những vụ khiếu kiện kéo dài về đất đai trong thực hiện các dự án ở các địa phương hiện nay chưa được giải quyết ổn thỏa có gốc rễ từ sự không trung thực của cán bộ. Chính quyền phê duyệt dự án và chủ đầu tư trả tiền mua đất của dân với giá rẻ mạt, thua xa giá đất thị trường nhưng lại thực hiện dự án, tổ chức dịch vụ, kinh doanh thu lợi rất lớn đã khiến người dân bức xúc.

Ông Đinh La Thăng, một người nổi tiếng với nhiều câu nói được báo chí ca ngợi trong thời gian đương chức đã phải hầu tòa

Ông Đinh La Thăng, một người nổi tiếng với nhiều câu nói được báo chí ca ngợi trong thời gian đương chức đã phải hầu tòa 

Đặc biệt, sau khi đã đền bù đất với giá “con kiến” để giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã tự ý hoặc tìm cách xin “điều chỉnh dự án” từ sản xuất, kinh doanh đơn thuần sang làm nhà ở, khu đô thị để phân lô bán nền, thu lời “con voi”, khiến dư luận nhân dân như “ngồi trên chảo lửa”. Vụ việc ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) chính là một điển hình cho sự thiếu trung thực của cán bộ.

Sự thiếu trung thực của cán bộ nhằm đạt lợi ích vật chất đã nguy hiểm và càng nguy hiểm hơn khi những cán bộ ấy lại là những người giao giảng nghị quyết, viết sách, viết báo, nói những lời nhân nghĩa với nhân dân.

Điểm lại vụ gian lận thi cử, chỉnh, sửa điểm thí sinh lớn chưa từng có ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang xảy ra vào năm 2018 thì thấy rằng, sự không trung thực của cán bộ đã chuyển sang cả thế hệ tương lai, mầm non của đất nước. Đây là điều cực kỳ nguy hại cho vận mệnh dân tộc, khiến dư luận không thể không quan ngại.

Sự thiếu trung thực của cán bộ trong bộ máy công quyền có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân từ chủ trương phát triển của địa phương, của đất nước là cái “vỏ” còn nguyên nhân từ lợi ích cá nhân là chính và là “nhân cốt”.

Thế nên không lạ khi ở nước ta có nhiều cán bộ giữ vị trí quan trọng trong bộ máy sở hữu đất đai rộng lớn, xây biệt phủ; sở hữu cổ phần, cổ phiếu và tài sản giá trị khác; nhiều cán bộ ở các địa phương nghèo miền núi, vùng sâu vùng xa nhưng lại có nhà, có đất ở Hà Nội và những thành phố lớn. Những giá trị vật chất ấy lớn hơn gấp nhiều lần thu nhập từ chính đồng lương mà Nhà nước đã trả cho họ.

Hậu quả của sự không trung thực là rất nguy hại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phân tích: “Nói dối, không trung thực là có tội với Đảng, với dân, một bệnh rất nguy hiểm”.

Bởi khi không trung thực đã trở thành thói quen, đã ngấm vào máu của đội ngũ cán bộ, những người có trọng trách được xem là “gốc của công việc” thì sẽ dẫn tới vô vàn những nguy hại ở các mức độ khác nhau. Bà Nguyễn Thị Hòa, giáo viên ở Trường THPT Lương Tài (Bắc Ninh) cho rằng, không trung thực trong đội ngũ cán bộ chính là “giặc” trong lòng và nếu không ngăn chặn, không đánh được sẽ rất nguy hại cho dân, cho Đảng.

Thế nên, để nhân dân tin Đảng, yêu Đảng thì trước tiên chúng ta rất cần nhiều cán bộ có cốt cách của “Nho quân tử” dựa trên căn cốt là sự trung thực như Khổng Tử đã từng đúc kết.