Trung Quốc: vì sao 10,1 triệu người trẻ rời thành phố lớn về quê lập nghiệp nội trong năm 2020?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hiện tượng "phản đô thị hóa" đang tăng tốc ở một số nơi của Trung Quốc. Kể từ năm 2016, dân số vùng trung tâm của Bắc Kinh và Thượng Hải bắt đầu sụt giảm.
Người trẻ Trung Quốc từ bỏ thành phố lớn để về quê lập nghiệp. Ảnh: Sina
Người trẻ Trung Quốc từ bỏ thành phố lớn để về quê lập nghiệp. Ảnh: Sina

Khi khoảng cách thành thị ngày càng thu hẹp, cơ hội việc làm ngày càng cân bằng hơn và chỉ số hạnh phúc tại các thành phố nhỏ không hề thấp, nhân tài ở các thành phố lớn đã bắt đầu hướng sự quan tâm về quê hương.

Chiến đấu trong thành phố lớn, hay quay trở lại thành phố nhỏ? Mỗi người thanh niên đang gặp khó khăn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu hay Thâm Quyến đều tự hỏi mình câu này một cách thầm lặng.

Đây không phải là một chủ đề mới, nhưng nó đã được đề cập nhiều lần trong mười năm trở lại đây. Không giống như mười năm trước, người ta thường nói về "bỏ trốn" [đào tỵ], giờ là lúc người ta nói nhiều hơn về "hồi hương".

Trong mười năm qua, Trung Quốc đã trải qua một cuộc cách mạng về Internet, thông tin di động, trải qua những thay đổi lớn về xã hội và kinh tế, cũng như những nâng cấp lớn về tiêu dùng. Khoảng cách giữa các thành phố lớn và các thành phố nhỏ đã dần dần được thu hẹp. Trước đây, những người trẻ có hoài bão lớn không dám quay lại quê dù trong lòng có áp lực như thế nào đi chăng nữa, vì thành phố nhỏ không có cuộc sống như họ mong muốn. Giờ đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ "dám" về quê vì cuộc sống đã tốt hơn nhiều.

Gần đây, một bộ phim tài liệu ngắn có tựa đề "Hồi hương thật tuyệt" của Trung Quốc kể lại rất sinh động những câu chuyện điển hình của những người thanh niên Trung Quốc rời bỏ thành phố lớn.

Nhân vật Tiểu Vĩ, một chuyên viên lập kế hoạch quảng cáo, làm việc ở Bắc Kinh sáu năm, khi giúp mẹ chuẩn bị lễ kỷ niệm đám cưới, anh đã nảy ra ý tưởng kinh doanh mới và quyết định trở về quê nhà.

Một cặp vợ chồng trẻ nhiều năm kinh doanh ở cùng một thành phố lớn, nhưng công việc khiến họ trở nên xa cách, vì muốn có nhiều thời gian bên nhau, họ trở về quê để mở và cùng vận hành một cửa hàng bán đồ tráng miệng.

Lăn lộn làm việc kiếm sống khi chưa tốt nghiệp, một nhân vật khác là A Kiệt, người luôn mơ ước trở thành ông chủ, nhận thấy cuộc sống ở quê nhà cũng khá tốt nên đã quay trở về quê để trở thành chủ một cửa hàng RELX.

Những nhân vật trên là nhân chứng cho sự trỗi dậy của các thành phố nhỏ và sự gia tăng của khuynh hướng tiêu dùng mới. Họ quyết định trở về quê hương và khởi nghiệp.

Cuộc sống của họ mỗi người một vẻ, nhưng nét chung là họ đều có một cuộc sống tươi vui hơn trên mảnh đất quê hương.

1. Thành phố nhỏ cũng có thể nuôi dưỡng những giấc mơ

"Rời Bắc Thượng Quảng" [ 逃离北上广 : Đào ly Bắc Thượng Quảng], cụm từ lần đầu tiên được nghe thấy, nhìn thấy vào năm 2010 và được giới truyền thông xếp hạng là một trong mười từ tổ "hot" nhất năm đó.

Vào thời điểm đó, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc chưa đến 3000 USD/năm, Internet mới bắt đầu bước vào kỷ nguyên 3G, Alibaba không thể giao hàng đến vùng quê nhỏ, dịch vụ giao đồ ăn nhanh chưa nở rộ. Giao thông thông minh và video ngắn thậm chí phải đến năm năm sau mới có.

Cuộc sống ở một thị trấn nhỏ thì tẻ nhạt và đơn điệu. Những hoạt động tiêu dùng như trà sữa, hộp mù (blind box hay hộp quà chứa một món đồ chơi bí ẩn), kịch bản nhập vai hoàn toàn không tồn tại.

Có rất ít cơ hội việc làm để lựa chọn và mọi người chỉ có thể làm nông nghiệp hoặc kinh doanh buôn bán ở thị trấn nhỏ. Những thành phố lớn thu hút những người trẻ có khát vọng, và những người trẻ ôm ấp những giấc mơ lớn chỉ có thể hiện thực hoá ở các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Bởi vậy mới có câu chua chát "thành thị hạng nhất thì không có chỗ để dung thân, còn quê hương yêu dấu thì không có chỗ cho mơ mộng."

Mười năm sau, mọi thứ đã thay đổi. Năm 2011 được coi là năm đầu tiên của Internet di động và điện thoại thông minh bắt đầu xuất hiện. Sự phổ biến của Internet không dây đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các thành phố nhỏ. Hình thức công nghiệp của các thành phố cấp một có thể không thay đổi nhiều, nhưng các thành phố nhỏ đã trải qua một cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Trong khi thương mại điện tử, số hóa, chuyển đổi số, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo đang thay đổi thế giới, những thành tựu kỹ thuật này cũng đang biến đổi cơ sở hạ tầng của các thành phố nhỏ và hình thành nhiều ngành nghề mới.

A Kiệt tại quê hương Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến. Ảnh cắt từ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt"

A Kiệt tại quê hương Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến. Ảnh cắt từ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt"

Trong bộ phim ngắn, A Kiệt là một chàng trai trẻ sinh ra ở thị trấn Tuyền Châu, thuộc Phúc Kiến. Quê hương của anh quá nhỏ bé, anh muốn nhìn ra thế giới bên ngoài, và muốn tạo ra sự khác biệt. Ước mơ của A Kiệt là trở thành một ông chủ. Anh thích tự quyết định cuộc sống của mình, nhưng sau một thời gian dài ở thành phố lớn, anh đã không thể tìm thấy cơ hội hiện thực hoá ước mơ.

Vì dịch bệnh nổ ra, phải sống ở quê nhà một thời gian dài, anh mới chợt phát hiện ra thị trấn đã trải qua những biến đổi to lớn. Nơi mà anh khao khát trốn thoát trước đây hóa ra giờ là một thành phố nổi tiếng trên Internet, những người bạn xung quanh anh đều có một cuộc sống đầy đủ và thoải mái. Sau trận dịch, anh quyết tâm trở về quê hương, trở thành ông chủ của chính mình.

Trong mười năm qua, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, và tiềm năng tiêu dùng của các thành phố nhỏ được coi là thị trường có nhiều cơ hội thương mại nhất trong tương lai.

Theo số liệu từ McKinsey, trong 10 năm tới, tỷ lệ hộ gia đình thành thị Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu trở lên sẽ tăng lên rất nhiều và dự kiến ​​sẽ đạt 81% vào năm 2022, trở thành lực lượng quan trọng nhất trong nâng cấp tiêu dùng của Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu ở các thành phố hạng ba và hạng tư sẽ trở thành nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong tương lai.

Cửa hàng "kịch bản sát" của A Nặc cũng theo xu hướng mới mà xuất hiện. A Nặc trước đây làm biên kịch ở các thành phố hạng nhất và viết rất nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình, nhưng không gây được tiếng vang lớn. Sau khi nhìn thấy cơ hội thị trường, anh từ chức và trở về thị trấn nhỏ để mở cửa hàng "kịch bản sát" (trò chơi lấy cảm hứng từ The Werewolf Game - Trò chơi ma sói).

Một nhóm bạn trẻ đang chơi "kịch bản sát". Ảnh cắt từ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt"

Một nhóm bạn trẻ đang chơi "kịch bản sát". Ảnh cắt từ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt"

Theo dữ liệu của iMedia Consulting, quy mô thị trường của ngành công nghiệp kịch bản sát của Trung Quốc đã vượt quá 1,55 tỉ USD vào năm 2019, tăng 68,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến ​​đến 2021, quy mô thị trường của ngành này sẽ tăng lên 2,64 tỉ USD. Ngày nay, A Nặc đã mở quán riêng và tự viết kịch bản. Mỗi ngày, có vô số người 'dở khóc dở cười' trong thế giới của những câu chuyện mà anh ấy tạo ra.

Đã có thời, những người trẻ tuổi rời bỏ các thành phố lớn vì họ không có sự lựa chọn. Giờ đây, việc ở lại thành phố lớn hay về quê không còn là vấn đề khó khăn nữa. Bởi vì cho dù gắn bó với nơi đâu thì cơ hội thành đạt thăng tiến cũng đều phong phú, không bên nào hơn quá xa bên nào.

2. Tư tưởng xã hội đã thay đổi

Trong mười năm trở lại đây, tâm lý xã hội cũng lặng lẽ thay đổi không ngừng.

Sau khi dư dả về vật chất, con người bắt đầu theo đuổi sự thỏa mãn về tinh thần. Những người trẻ đương đại ngày càng nhận thức được rằng không phải chỉ có những thành phố lớn mới nuôi dưỡng được tham vọng của họ.

Tiểu Ma, một người trẻ trôi dạt về phương Bắc, đã làm việc quần quật đến năm 30 tuổi. Vợ chồng cô bắt đầu kinh doanh ngay sau khi cưới, mặc dù sống cùng nhau nhưng do công ty cần mở rộng thị trường nên cả hai luôn đi công tác xa và chỉ có thể gặp nhau vài lần trong tháng. Vào sinh nhật lần thứ 30 của mình, Tiểu Ma cho biết ước sao hai người có thể ở bên nhau nhiều hơn, "Tôi không muốn kiếm nhiều tiền, chỉ cần một tiệm nhỏ có thể nuôi vợ chồng là tôi mãn nguyện rồi."

Chồng của Tiểu Ma đã làm việc chăm chỉ ở Bắc Kinh trong nhiều năm, anh cũng bắt đầu mệt mỏi, và ý tưởng của hai người hoàn toàn trùng khớp. Trong thời gian gấp rút, họ quyết định trở về quê hương Hà Bắc để khởi nghiệp, Tiểu Ma và chồng đã tự tay xây dựng một cửa hàng chuyên đồ tráng miệng.

Nhìn cửa hàng lớn lên từng ngày, Tiểu Ma cảm thấy chưa bao giờ vui sướng hơn. Tuy bận rộn hơn trước, họ vẫn dành được nhiều thời gian cho nhau hơn, cảm nhận được tình yêu của nhau nhiều hơn. "Không quan trọng là ở đâu, quan trọng là chúng ta phải hạnh phúc," Tiểu Ma nói.

Tiểu Ma và chồng chuẩn bị nguyên liệu cho cửa hàng. Ảnh cắt từ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt"

Tiểu Ma và chồng chuẩn bị nguyên liệu cho cửa hàng. Ảnh cắt từ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt"

Nhà xã hội học và nhà quan sát người tiêu dùng nổi tiếng người Nhật Bản Atsushi Miura đã từng thảo luận về mối quan hệ giữa con người và xã hội trong cuốn sách "Thời đại tiêu dùng lần thứ tư".

Ông tin rằng kỷ nguyên tiêu dùng đầu tiên là tiêu dùng của tầng lớp trung lưu tập trung ở thành phố; kỷ nguyên tiêu dùng thứ hai lấy gia đình làm trung tâm; kỷ nguyên tiêu dùng thứ ba thể hiện xu hướng cá nhân hóa; và kỷ nguyên tiêu dùng thứ tư có xu hướng "chia sẻ" và con người đề cao thỏa mãn tâm hồn và gắn bó giữa con người với nhau. Vật chất không phải là hiện thân cao nhất của hạnh phúc. Mọi người đều theo đuổi một cuộc sống đơn giản và tận hưởng niềm vui tinh thần.

Nhìn lại mô hình tiêu dùng tại Trung Quốc, một quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên tiêu dùng thứ ba sang kỷ nguyên tiêu dùng thứ tư đang diễn ra. Đại dịch năm 2020 khiến một số thanh niên đang phải vật lộn một mình ở các thành phố lớn nhận ra tầm quan trọng của gia đình và bạn bè. Mọi người bắt đầu chọn "cuộc sống" ở thành phố thay vì "sống" ở thành phố, nhiều bạn trẻ như A Kiệt và A Nặc đã tranh thủ về quê.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm 2020, số lượng người dân về quê lập nghiệp đạt 10,1 triệu người, tăng 1,6 triệu người so với năm 2019 và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm có mức tăng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong những năm gần đây.

Việc "quay trở lại một thành phố nhỏ" không còn là trốn tránh, thất bại. Mọi người không còn sử dụng định nghĩa thành công là phải bám trụ tại thành phố lớn nữa.

Từ năm ngoái, nhiều địa phương đã triển khai các chính sách toàn diện nhằm ứng phó hiệu quả với tác động của dịch bệnh, phối hợp phát triển doanh nghiệp và việc làm cho người trở về quê.

Ông Lưu Huán Hâm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy mở rộng và củng cố các ngành công nghiệp nông thôn, đồng thời xây dựng một nhóm các doanh nhân và tổ chức việc làm bén rễ ở nông thôn, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho những người trở về quê lập nghiệp, động viên và thúc đẩy tinh thần kinh doanh nơi họ. Ngoài ra, các chính sách liên quan có xu hướng trợ giúp nhiều hơn cho doanh nhân và nhân tài hồi hương, chẳng hạn như trợ giúp kinh phí khởi nghiệp cho những người về quê khởi nghiệp lần đầu.

Mới đây, tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành "Ý kiến ​​thực hiện của tỉnh Hà Nam về thúc đẩy nền kinh tế cửa hàng nhỏ", đề xuất rằng đến cuối năm 2022, số lượng cửa hàng nhỏ đăng ký trong tỉnh sẽ vượt quá 5,5 triệu, tạo ra hơn 13 triệu việc làm.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc cũng chỉ ra rằng cần phải thúc đẩy tiêu dùng một cách toàn diện, trong đó đặc biệt đề cập đến sự cần thiết phải khuyến khích các hình thức tiêu dùng mới và các hình thức kinh doanh mới tại các thành phố nhỏ.

Khi cả xã hội thay đổi tầm nhìn thì việc "hồi hương" đối với những người trẻ ở các thành phố lớn không còn là hành trình tìm kiếm một cuộc tĩnh tâm mà là một bước đột phá về tinh thần, để họ thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt, đồng thời tạo ra một con đường phát triển khác.

Chính nhờ sự bùng nổ của Internet, sự nổi lên của các thương hiệu mới, các hình thức tiêu dùng mới, và chính sách khuyến khích từ nhà nước, hành trình về quê khởi nghiệp của người trẻ đã có cơ hội thành công lớn hơn.

3. Xu hướng phản đô thị hóa (counter urbanization) mang lại năng lượng tích cực cho thành phố nhỏ

Học giả Trung Quốc Trương Tuệ đã giải thích nguồn gốc cụ thể của khái niệm "phản đô thị hóa" khi quan sát hiện tượng xã hội "những người nhập cư mới của Đại Lý" (Đại Lý thuộc Vân Nam, Trung Quốc). "Phản đô thị hóa" xuất hiện lần đầu tiên trong quá trình công nghiệp hóa ở các nước phương Tây. Sau những năm 1970, tỷ lệ đô thị hóa ở các nước phát triển đạt 70%, dân số các thành phố lớn ngừng tăng hoặc thậm chí giảm, dân số và các nguồn lực khác dần dần đổ về các thành phố vừa và nhỏ, đặc biệt là các thị trấn ngoại ô xung quanh các thành phố lớn.

Theo điều tra dân số lần thứ bảy của Trung Quốc năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa ở nước này đạt 63,83%, và tỷ lệ đô thị hóa ở 20% tỉnh đạt 70%. Tỷ lệ đô thị hóa của cuộc tổng điều tra quốc gia lần thứ sáu năm 2010 là dưới 50%, năm 2000 là 36,09%. Trong 20 năm liền, đô thị hóa ở Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Theo bà Trương Tuệ, hiện tượng "phản đô thị hóa" đang manh nha ở một số nơi của Trung Quốc. Kể từ năm 2016, dân số vùng trung tâm của Bắc Kinh và Thượng Hải bắt đầu sụt giảm.

Những tài năng từ các thành phố lớn đang "chảy sang" các thành phố mới cấp một hoặc cấp hai với nhiều tiềm năng hơn, hoặc trở về quê hương của họ ở cấp ba và bốn cùng hành trang là những kỹ năng mà họ đã học được. vậy nên ở một mức độ nào đó, hiện tượng "phản đô thị hóa" cũng đang làm cho các thành phố nhỏ trở nên tốt đẹp hơn.

Ví dụ, trong bộ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt", nhân việt A Kiệt mang đến những lối sống và phong cách tiêu dùng mới cho thị trấn nhỏ Tuyền Châu, A Nặc mang đến trải nghiệm kịch bản nhập vai cho vùng quê Đô Giang Yển của Tứ Xuyên, và Tiểu Vĩ ở thành phố già cỗi Đại Khánh (tỉnh Hắc Long Giang) đã khởi đầu một lễ cưới náo nhiệt cho người cao tuổi.

Tiểu Vĩ tổ chức lễ cưới cho người lớn tuổi ở quê. Ảnh cắt từ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt"
Tiểu Vĩ tổ chức lễ cưới cho người lớn tuổi ở quê. Ảnh cắt từ phim ngắn "Hồi hương thật tuyệt"

Ở các vùng nông thôn nhỏ hơn, cũng có nhiều người về quê và tự mình thay đổi toàn bộ bộ mặt quê hương.

Ở huyện Linh Sơn (tỉnh Quảng Tây) trù phú trái cây, không ai không biết đến người sáng tạo ra những video nông nghiệp "Chị gái Xảo Phụ". Nhờ cô, làng quê không có xe lửa và đường cao tốc đã có cơ sở vận chuyển SF Express đầu tiên và kho lạnh bảo quản đồ tươi sống, trở thành một làng thương mại điện tử nổi tiếng. Chỉ một mình cô mà giúp huyện Linh Sơn năm 2020 thông qua video ngắn đã bán được 4 triệu cân vải, quýt hoàng đế, nhãn và các loại trái cây khác.

"Chị gái Xảo Phụ" từ phụ nữ nông dân đến người nổi tiếng trên mạng với hàng triệu người hâm mộ.

"Chị gái Xảo Phụ" từ phụ nữ nông dân đến người nổi tiếng trên mạng với hàng triệu người hâm mộ.

"Chị gái Xảo Phụ" tên thật là Cam Hữu Cầm, một phụ nữ bình thường ở huyện Linh Sơn, thành phố Khâm Châu, Quảng Tây. Bốn năm trước, gia đình Cam Hữu Cầm tình cờ quay được một đoạn video ngắn ghi lại cảnh cô làm ruộng và làm đồ ăn, sau khi đăng tải lên nền tảng trực tuyến với cái tên "Chị gái Xảo Phụ", cô đã trở nên "hot".

Rất nhiều người Trung Quốc giờ đây cũng hâm mộ một nhân vật "tiên nữ đồng quê" tên là Lý Tử Thất đã từ bỏ cuộc sống ồn ào nơi thành thị để trở về quê hương, rồi mang những nét đặc trưng và văn hóa của quê hương mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Mỗi video của Lý Tử Thất có hàng triệu lượt theo dõi, ngoài chuyện làm truyền thông, cô tiên nữ đồng quê sinh năm 1990 này cũng kinh doanh thực phẩm rất thành công. Từ cô gái nghèo khó, Lý Tử Thất đã trở thành triệu phú với thu nhập đáng ước mơ.

Tất nhiên, những đổi thay này cũng không thể tách rời làn sóng công nghệ. Trong vài năm qua, nhiều công ty Internet, bao gồm cả nền tảng thương mại điện tử và video ngắn, đã bùng nổ ở nhiều mảng kinh doanh và nuôi dưỡng nhiều tài năng sáng tạo hơn.

Các công nghệ mới và hình thức kinh doanh mới do Internet mang lại đã khiến nhóm người trẻ quay trở lại các thành phố nhỏ.

Những thay đổi ở đây không chỉ mang tính thương mại mà còn mang tính nhân văn. Những người trẻ quay về quê hương, với kinh nghiệm tích lũy và tư tưởng hiện đại, đang làm thay đổi một cách tinh tế kiến ​​trúc, thẩm mỹ, phong tục và văn hóa của địa phương.

Kết quả là các thành phố nhỏ đã trở nên hiện đại hơn và đáng sống hơn, điều này khuyến khích hơn nữa những người trẻ thế hệ sau trở về quê hương của họ.

Một số người đã đạt được hạnh phúc, và một số người đã nhận ra giá trị bản thân. "Vào ngày lễ cưới diễn ra, lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ cười như một cô bé. Bây giờ, tôi đang bận rộn giúp đỡ nhiều người hơn từ quê hương mình tạo ra cảm giác hạnh phúc, và tôi cảm thấy mình có giá trị hơn trước," Tiểu Vĩ nói.

Những thập kỷ trước, có lẽ chỉ có một con đường để mọi người thực hiện ước mơ của mình, chỉ có một hướng đến duy nhất là các thành phố lớn.

Sau nhiều thập kỷ biến chuyển xã hội và công nghệ, suy nghĩ và môi trường sống của con người Trung Quốc giờ đã thay đổi quá nhiều. Cuộc sống lý tưởng giờ không còn được quan niệm giống nhau và giống với thứ khuôn mẫu duy nhất trong quá khứ nữa.

Ngày càng có nhiều sự lựa chọn, và ngay cả khi ở thành phố nhỏ quê nhà, người trẻ vẫn có thể tận hưởng một cuộc sống tươi vui gần gũi những người ruột thịt. Và đó là nguồn cơn của cuộc dịch chuyển cả chục triệu người trẻ từ thành phố lớn về quê hương lập nghiệp mỗi năm.

Thanh Hà (tổng hợp từ Sina)