Trung Quốc thực hiện thành công ca phẫu thuật não đầu tiên qua kết nối 5G

VietTimes – Theo Trung Quốc Nhật báo, một bệnh nhân Parkinson tại Bệnh viện Đa khoa Quân đội Trung Quốc đã phẫu thuật từ xa thành công. Đáng chú ý, đây là ca phẫu thuật não đầu tiên trên thế giới thông qua kết nối 5G.
Ảnh minh họa: ChinaDaily
Ảnh minh họa: ChinaDaily

Ngày 16-3, Bệnh viện Đa khoa Quân đội Trung Quốc (PLAGH), hợp tác cùng China Mobile và Huawei, đã thực hiện thành công ca phẫu thuật não từ xa qua kết nối 5G đầu tiên trên thế giới.

Người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật này là bác sĩ Ling Zhipei của Trung tâm Y tế Số 1, trực thuộc trụ sở PLAGH ở Bắc Kinh và Khoa Giải phẫu Thần Kinh của PLAGH tại tỉnh Hải Nam.

Bắt đầu từ 9:00 sáng, tại thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam), bác sĩ Ling đã điều khiển các dụng cụ phẫu thuật cách đó 3.000 ở Bắc Kinh với độ chính xác tính theo micro-mét, thông qua kết nối 5G. Sau 3 giờ phẫu thuật, bác sĩ Ling đã cấy thành công DBS (Deep Brian Stimulation – Kích thích Não Sâu) vào vị trí tối ưu.

Trả lời phỏng vấn tờ Trung Quốc Nhật báo sau ca phẫu thuật, bệnh nhân cho biết: “Tôi cảm thấy rất tốt”.

“Tôi làm việc luân phiên ở Bắc Kinh và Hải Nam. Ca phẫu thuật diễn ra trong đợt công tác ở Hải Nam của tôi, khi một bệnh nhân Parkinson ở Bắc Kinh cần phẫu thuật và không thể bay tới Hải Nam”. Bác sĩ Ling chia sẻ: “Mạng 5G đã giải quyết những vấn để như độ trễ truyền dẫn video, độ trễ điều khiển từ xa tồn tại trong mạng 4G, đảm bảo hoạt động gần như theo thời gian thực. Bạn hầu như không cảm thấy bệnh nhân đang ở cách xa 3.000km”.

Bác sĩ Ling cho rằng trong tương lai, các chuyên gia cao cấp từ nhiều bệnh viện trung ương có thể trực tiếp phẫu thuật cho các bệnh nhân vùng sâu vùng xa, giải quyết các ca bệnh khó tại những bệnh viện cấp cơ sở.

Thành công của ca phẫu thuật từ xa qua kết nối 5G này đã cho thấy bước đột phá lớn trong y học Trung Quốc; từ quan sát, tư vấn, hướng dẫn đến trực tiếp thực hiện.

Parkinson là một loại dạng rối loạn thoái hóa thần kinh, xuất hiện phổ biến ở người già. Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ thể của bệnh nhân.

Theo báo cáo của The Lancet Neurology, có 6,1 triệu người mắc bệnh Parkinson trên toàn cầu vào năm 2016, gấp đôi so với 2,5 triệu người vào năm 1990.

Mặc dù, y học hiện nay vẫn chưa tìm ra cách chữa trị dứt điểm căn bệnh này, nhưng sự xuất hiện của DBS đã thay đổi cuộc sống của rất nhiều người. Phẫu thuật DBS thành công giúp người mắc bệnh Parkinson không phải phụ thuộc quá nhiều vào thuốc men, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trung Quốc thực hiện thành công ca phẫu thuật não đầu tiên qua kết nối 5G. Nguồn: Tân Hoa Xã

Trên thực tế, đây không phải ca phẫu thuật từ xa đầu tiên nhờ sự trợ giúp của công nghệ 5G. Ngày 12-3, một chuyên gia tại Bắc Kinh đã phẫu thuật gan thành công cho một bệnh nhân ở Thâm Quyến, nhờ hình ảnh độ nét cao qua đường truyền 5G.

Ban đầu, Bệnh viện Nhân dân Thâm Quyến, nơi tiến hành phẫu thuật, đã nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ Dong Jiahong của Bệnh viện Tsinghua Chang Gung ở Bắc Kinh. Vì quá phức tạp đối với các bác sĩ địa phương, bác sĩ Dong đã phải trực tiếp chỉ đạo ca phẫu thuật từ xa.

Với độ trễ thấp, băng thông lớn và độ ổn định cao của đường truyền 5G, bác sĩ Dong đã có thể giám sát tình hình thời gian thực trong phòng điều hành cách Thâm Quyến 2.200km và đưa ra hướng dẫn.

Trước đó, các bác sĩ ở cả hai bệnh viện đã cùng nhau bàn bạc và đánh giá trực tuyến bệnh nhân, trước khi tiến hành ca phẫu thuật. Bác sĩ Dong nói: “Sự ra đời của kỷ nguyên 5G đã cho phép các bác sĩ thực hiện kế hoạch phẫu thuật và hơp tác từ xa”.

Phẫu thuật từ xa là một trong những ứng dụng hữu ích nhất của công nghệ 5G. Thành công của nó sẽ mở đường cho các nghiên cứu trong tương lai và thu hẹp khoảng cách mất cân đối tài nguyên y tế giữa các khu vực khác nhau.

Khi trở nên phổ  biến, 5G sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chăm sóc sức khỏe, vận tải hay nông nghiệp.

Theo ChinaDaily