Trung Quốc tăng sức mạnh mềm hải quân bằng cách mạnh tay loại bỏ tham nhũng trong quân đội

VietTimes -- Theo đánh giá của báo Mỹ, Trung Quốc cũng đang tập trung tăng cường sức mạnh mềm của hải quân, với biện pháp quan trọng nhất chính là loại bỏ hiện tượng tham nhũng trong quân đội, điều chỉnh cơ cấu trong quân đội và cải thiện hệ thống bảo đảm hậu cần...
Ngày 16/6/2016, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục Tây Án, tàu hộ vệ Hoành Thủy, tàu tiếp tế Cao Bưu Hồ, tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu, tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo lên đường đến Hawaii tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc g
Ngày 16/6/2016, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục Tây Án, tàu hộ vệ Hoành Thủy, tàu tiếp tế Cao Bưu Hồ, tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu, tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo lên đường đến Hawaii tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc g

Tạp chí Business Insider Mỹ dẫn báo cáo của Quốc hội Mỹ cho rằng Hải quân Trung Quốc đang được nâng cấp hiện đại hóa chưa từng có, có tiến bộ mới cả về tên lửa, tàu chiến, công nghệ thông tin và bảo đảm hậu cần, đang từng bước thu hẹp khoảng cách với Hải quân Mỹ, phát triển vững chắc theo hướng cấp độ thế giới.

Bước đi nhanh

Theo báo cáo, sự phát triển của Hải quân Trung Quốc có tính mục đích cao, tất cả các biện pháp tăng cường thực lực đều nhằm thực thi "sứ mệnh". 

Báo cáo viết: "Hải quân Trung Quốc tổng cộng có 5 nhiệm vụ: ngăn chặn Đài Loan độc lập, áp đặt yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bảo đảm quyền lợi ở vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và tiến hành 'quản lý' hoạt động quân sự của nước ngoài tại khu vực này, bảo đảm an toàn cho tuyến đường hàng hải giữa Trung Quốc và các đối tác quân sự hoặc thương mại, thách thức vị thế bá chủ của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, hỗ trợ cho Trung Quốc phát triển thành cường quốc cấp độ thế giới". 

Để thực hiện tham vọng này, Hải quân Trung Quốc đang tiến hành cải tiến lớn về tên lửa đạo đạo và tên lửa hành trình, đồng thời ra sức nghiên cứu chế tạo và mua sắm các hệ thống vũ khí như tàu ngầm, máy bay và tàu chiến mặt nước. 

Cùng với việc nâng cấp phần cứng, cấp cao Chính phủ Trung Quốc cũng đang tập trung tăng cường sức mạnh mềm của hải quân, với biện pháp quan trọng nhất chính là loại bỏ hiện tượng tham nhũng trong quân đội, điều chỉnh cơ cấu trong quân đội và cải thiện hệ thống bảo đảm hậu cần...

Báo cáo viết: "Để tránh kích động Mỹ và các nước xung quanh, tiến trình hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc đang duy trì nhịp độ ổn định và thận trọng, sẽ tránh những hành vi có thể dẫn đến chiến tranh". 

"Vì vậy, Mỹ có thể coi phương thức phát triển của Hải quân Trung Quốc là bước đi nhỏ nhưng nhanh, đã nhanh chóng vượt qua hầu hết các đối thủ cạnh tranh ở xung quanh, đồng thời dần dần thu hẹp khoảng cách với hải quân hàng đầu thế giới". 

5 lĩnh vực lớn

Ngày 16/6/2016, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục Tây Án, tàu hộ vệ Hoành Thủy, tàu tiếp tế Cao Bưu Hồ, tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu, tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo lên đường đến Hawaii tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương-2016. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Ngày 16/6/2016, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục Tây Án, tàu hộ vệ Hoành Thủy, tàu tiếp tế Cao Bưu Hồ, tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu, tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo lên đường đến Hawaii tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương-2016.

Sự tiến bộ của Hải quân Trung Quốc gồm cả 5 lĩnh vực công nghệ dưới đây, đó là tên lửa, tàu chiến, máy bay, hậu cần và công nghệ thông tin. 

Báo cáo viết: "Nguyên tắc do Trung Quốc đưa ra là tiến lên đồng bộ, điều này không chỉ có thể tránh nảy sinh khiếm khuyết trong phát triển tổng thể, mà còn có lợi cho hình thành năng lực tác chiến mang tính hệ thống, không cần lo ngại những trở ngại vì lạc hậu công nghệ". 

Về tên lửa, tờ Business Insider cho rằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình là chương trình phát triển trọng điểm của Hải quân Trung Quốc, trong đó tên lửa đạn đạo Đông Phong -21D, loại tên lửa được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" đã thu hút sự chú ý của Mỹ và các nước đối tác. 

Loại tên lửa này có tầm bắn trên 1.500 km, đã vượt xa bán kính tác chiến của máy bay hải quân Mỹ. Biên đội tàu sân bay Mỹ nếu tiếp tục muốn tấn công khu vực duyên hải Trung Quốc, tên lửa Đông Phong -21D sẽ trở thành ác mộng của chúng. 

Về tên lửa hành trình, Hải quân Trung Quốc vừa có tên lửa hành trình chống hạm SS-N-22 Sunburn và SS-N-27 Club nhập khẩu của Nga, vừa đã trang bị nhiều loại tên lửa tự chế có tính năng tương tự hàng nhập. Chẳng hạn, tên lửa hành trình chống hạm YJ-18. 

Tờ Jane's Defense Weekly cho rằng chỉ cần 1 tên lửa YJ-18 có thể làm cho một chiếc tàu chiến Aegis mất khả năng tác chiến. Cho dù nổ ở cách tàu chiến 50 m, chức năng phản xạ mạnh của nó cũng có thể phá hủy 60% hệ thống tên lửa trên tàu địch.

Là phương tiện tác chiến chủ yếu của lực lượng vũ trang trên biển, tàu chiến cũng là đối tượng ra sức phát triển của Hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây. 

Báo cáo Mỹ cho rằng Trung Quốc sử dụng chiến lược "chống can dự" làm chính, đã nhập khẩu ít nhất 12 tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến của Nga, đồng thời đã tự nghiên cứu chế tạo không ít tàu ngầm chiến lược và tàu ngầm tấn công (các tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn và lớp Thương, các tàu ngầm thông thường lớp Tống và lớp Nguyên). 

Lầu Năm Góc cho rằng, so với tàu ngầm cũ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm mới do Hải quân Trung Quốc nghiên cứu chế tạo và trang bị đã có bước nhảy về chất trên phương diện năng lực tác chiến.  

"Không chỉ có thể tiến hành tấn công sát thương hơn đối với tàu chiến mặt nước, mà còn đã có khả năng thực hiện nhiệm vụ bí mật tấn công đối đất" – báo cáo viết. 

Từ thập niên 1990 đến nay, lực lượng tàu chiến Hải quân Trung Quốc đã có sự phát triển nhanh chóng.

Lực lượng phi công trên hạm của hải quân PLA

Báo cáo dẫn quan điểm của chuyên gia Hải quân Mỹ cho rằng, những năm gần đây Trung Quốc đã kết hợp nhập khẩu và tự nghiên cứu chế tạo, đã trang bị nhiều tàu khu trục, tàu hộ vệ mới, trong đó một số loại không chỉ đã tăng mạnh năng lực phòng không, mà còn không thua kém sản phẩm phương Tây về trình độ tác chiến tổng hợp. 

Điều đáng chú ý nhất là sự phát triển của tàu sân bay Trung Quốc. Mặc dù Hải quân Trung Quốc hiện chỉ sở hữu một chiếc tàu sân bay (Liêu Ninh) và được cho là có vai trò huấn luyện lớn hơn chiến đấu thực tế, nhưng các thông tin xác nhận, Trung Quốc đang gia tăng chế tạo nhiều tàu sân bay hơn. 

Hiện nay, bên ngoài biết về tàu sân bay Trung Quốc không nhiều, nhưng cơ bản có thể xác định tàu sân bay mới cũng sẽ sử dụng đường băng kiểu nhảy cầu như tàu sân bay Liêu Ninh. 

Khả năng kiểm soát trên không là một phần không thể thiếu của năng lực tác chiến trên biển. Vì vậy, Hải quân Trung Quốc hiện đang ra sức nghiên cứu chế tạo, đổi mới các phương tiện tác chiến trên không trong đó có máy bay trên tàu sân bay, máy bay tác chiến sử dụng sân bay mặt đất và máy bay không người lái. 

Báo cáo Mỹ cho rằng máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc đã mô phỏng máy bay Su-33 Nga, đã đạt được tiến triển sơ bộ, hiện đã có 8 chiếc phiên bản sản xuất đang bay thử. 

Ngoài ra, máy bay không người lái Hải quân Trung Quốc cũng là trung tâm chú ý của dư luận. Thông tin từ Lầu Năm Góc cho hay Trung Quốc chuẩn bị sản xuất trên 41.000 máy bay không người lái phiên bản phóng từ mặt đất hoặc tàu chiến trong giai đoạn 2014 - 2023, tổng vốn đầu tư khoảng 10,5 tỷ USD. 

"Khi đó, Trung Quốc sẽ trở thành số ít nước lớn trên thế giới sở hữu máy bay không người lái quân dụng, tăng cường các khả năng như trinh sát, giám sát, định vị mục tiêu và tấn công hỏa lực". 

Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn đang gia tăng công tác nghiên cứu chế tạo căn cứ di động trên biển (bến nổi). Lầu Năm Góc cho rằng mặc dù công tác này hiện nay còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm, "nhưng có triển vọng không giới hạn". Một khi trang bị thành công, năng lực bảo trì, bảo dưỡng biển xa của Hải quân Trung Quốc sẽ được tăng cường chưa từng có.

Báo cáo Mỹ còn cho rằng so với với các quân chủng khác, Hải quân Trung Quốc cũng rất coi trọng phát triển công nghệ thông tin, đối tượng tập trung phát triển là năng lực do thám theo dõi trên biển, định vị mục tiêu và tác chiến mạng. 

Hải quân Trung Quốc hiện trang bị nhiều loại radar cảnh giới tầm xa mặt đất, vệ tinh trinh sát và hệ thống sonar đáy biển, vừa có thể tiến hành do thám và theo dõi có hiệu quả đối với tình hình bất ngờ trên biển, vừa có thể tiến hành dẫn đường chính xác và định vị mục tiêu đối với tên lửa. 

Tác chiến mạng là một trong những chương trình có tính bí mật mạnh nhất. Dư luận hiện nay không biết nhiều về phương thức tác chiến mạng của Hải quân Trung Quốc. Nhưng, điều có thể khẳng định là, Trung Quốc đã đầu tư nguồn lực to lớn trên lĩnh vực này, một khi nổ ra xung đột hoặc chiến tranh, tác chiến mạng sẽ trở thành một phần không thể thiếu của tác chiến trên biển.

Đón đọc phần tiếp theo: Báo cáo Mỹ chỉ ra những điểm yếu chiến lược của Hải quân Trung Quốc