Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra bình luận trên trong bài phát biểu trước Hội thảo về Giải giáp vũ khí của LHQ, trong đó ông kêu gọi tăng cường nỗ lực đàm phán hạt nhân với Iran, và chỉ trích hành vi “bắt nạt đơn phương” của phía Mỹ.
Bình luận được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt mà họ từng áp đặt với Iran, trước một vòng đàm phán mới ở Vienna tổ chức ngày hôm nay, 12/6. Nó cũng xuất hiện trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần tới giữa ông Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva, Thụy Sĩ.
“Thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran là một thành tựu ngoại giao đa phương quan trọng nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an LHQ, như trong các nghị quyết đã nêu, và là cột trụ quan trọng của không phổ biến hạt nhân quốc tế và sự ổn định, hòa bình ở Trung Đông” – ông Vương Nghị nói.
“Hành vi bắt nạt đơn phương của Mỹ là gốc rễ của vấn đề hạt nhân Iran. Và việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran là điều đúng đắn, hợp lý để trở lại thỏa thuận toàn diện đó” – ông Vương nói thêm.
Trước đây, Bắc Kinh từng đe dọa sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả nếu như Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – điều mà chính quyền Donald Trump từng ám chỉ sẽ thực hiện – đồng thời hối thúc các đồng minh của Mỹ không chấp nhận trở thành nơi đặt những thứ vũ khí này.
Trung Quốc cũng phản ứng giận dữ khi Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được lắp đặt ở Hàn Quốc và khuấy động một làn sóng tẩy chay kinh tế không chính thức.
“Trung Quốc phản đối việc triển khai này và cả việc triển khai các hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở khu vực và trên toàn cầu gây ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược của một quốc gia nhất định. Và Trung Quốc phản đối việc một quốc gia triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung ở các nước láng giềng của các nước khác” – ông Vương Nghị nói, ám chỉ Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng, mặc dù Trung Quốc không bao giờ “cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào về số lượng hay quy mô” kho vũ khí hạt nhân, nhưng “hai cường quốc hạt nhân hùng mạnh nhất nên cắt giảm thêm số lượng vũ khí hạt nhân của họ theo cách ràng buộc về luật pháp, có thể xác nhận và không thể đảo ngược, từ đó tạo nên những điều kiện thực hiện tiến trình giải giáp hạt nhân đa phương”.
Bắc Kinh hiện chưa công khai họ sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân, nhưng Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm đưa ra con số 320, tức ít hơn rất nhiều so với con số 54.000 của Nga và 70.000 của Mỹ.