Trung Quốc ớn Nhật biến chiến hạm Izumo thành tàu sân bay thực sự

VietTimes -- Nhật Bản đang có kế hoạch cải tạo tàu hộ vệ lớp Izumo thành tàu sân bay thực sự chở theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B gây quan ngại đặc biệt cho dư luận Trung Quốc. Trung Quốc lại lặp lại lập trường cũ.
Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina
Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản gần đây cho hay Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch cải tạo tàu hộ vệ lớn nhất Izumo của Lực lượng Phòng vệ Trên biển thành tàu sân bay có thể cất hạ cánh máy bay chiến đấu, với vai trò chính là phòng thủ đảo nhỏ, đảo xa và cung cấp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ.

Nếu tất cả thuận lợi thì tàu hộ vệ Izumo sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ, mục tiêu là đến năm 2020 sẽ chính thức đi vào sử dụng. Mục đích biến tàu Izumo thành tàu sân bay thực sự chính là để ứng phó với các hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc, bảo vệ các đảo ở phía tây nam.

Tàu Izumo được Nhật Bản gọi là tàu hộ vệ chở máy bay trực thăng có đường băng rộng, thân tàu tương tự tàu sân bay, dài 248 m, lượng giãn nước đầy khoảng 27.000 tấn, có thể chở 14 máy bay trực thăng, nên nó còn được gọi là tàu sân bay trực thăng.

Sở dĩ Nhật Bản gọi tàu Izumo là tàu hộ vệ, vì Hiến pháp Nhật Bản không cho phép sở hữu lực lượng quân sự mang tính tấn công. Một khi tàu Izumo được cải tạo thành tàu sân bay thực sự thì nó có thể chở khoảng 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng đã bắt đầu thảo luận toàn diện việc mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, một loại máy bay chiến đấu có thể cất hạ cánh cự ly ngắn như trên đường băng tàu sân bay. Nội dung mua sắm này sẽ được viết vào “Đại cương kế hoạch phòng vệ”.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo. Ảnh: Sina.

Chính phủ Nhật Bản sẽ duy trì lập trường không sở hữu “tàu sân bay kiểu tấn công”, vì vậy sẽ tập trung sử dụng tàu Izumo cho phòng thủ đảo nhỏ, đảo xa. Izumo một khi cải tạo thành tàu sân bay, dự tính có thể cất hạ cánh máy bay chiến đấu F-35B của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, tăng cường hợp tác Nhật - Mỹ, đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc.

“Tàu sân bay kiểu tấn công” là chương trình bị cấm bởi khoản 2 điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, nhưng quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng chỉ cần sử dụng cho mục đích phòng thủ thì không phải là tàu sân bay kiểu tấn công.

Nếu máy bay chiến đấu F-35B trang bị cho tàu Izumo thì có nghĩa là Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu tàu sân bay chở máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhất. Mặc dù lượng giãn nước của tàu Izumo còn nhỏ hơn so với tàu sân bay hạng trung, nhưng trên thế giới, tàu sân bay của một số nước còn có lượng giãn nước nhỏ hơn như tàu sân bay của Thái Lan, tàu sân bay của Italia.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc, các nước như Trung Quốc, Nga cần gây sức ép ngoại giao với Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy Hàn Quốc gây sức ép với Nhật Bản, bởi vì lực lượng trên biển của Nhật Bản lớn mạnh sẽ gây bất lợi cho Hàn Quốc.

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng Nhật Bản làm như vậy sẽ không thể kiểm soát được. Do đó, Trung Quốc phải đẩy nhanh xây dựng hải quân, nhanh chóng chế tạo và sở hữu 4 - 5 tàu sân bay. Hiện nay, lực lượng quân sự của Trung Quốc còn nhiều điểm yếu, xây dựng quốc phòng còn phải đi con đường xa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh. Ảnh: People.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh. Ảnh: Sina

Ngày 26/12, trong cuộc họp báo thường lệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lặp lại nhiều quan điểm cũ về Nhật Bản, cho rằng: “Do nguyên nhân lịch sử, các động thái của Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh quân sự luôn bị các nước láng giềng châu Á (Trung Quốc) và cộng đồng quốc tế rất quan ngại”

Trung Quốc cho rằng: “Các động thái của Nhật Bản có thể vi phạm điều 9 Hiến pháp Nhật Bản. Điều 9 Hiến pháp là tượng trưng và bảo đảm pháp lý quan trọng đi con đường phát triển hòa bình của Nhật Bản sau chiến tranh, cũng là cam kết nghiêm túc của Nhật Bản với cộng đồng quốc tế”.

Theo bà Oánh, Trung Quốc thúc giục Nhật Bản kiên trì “chuyên phòng vệ”, kiên trì đi con đường phát triển hòa bình, thận trọng hành động trong lĩnh vực an ninh, quân sự, làm nhiều việc có lợi cho tăng cường lòng tin giữa các nước trong khu vực và hòa bình, ổn định khu vực, chứ không phải ngược lại.