Trung Quốc nói gì tại phiên khai mạc Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9?

VietTimes -- Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9, đã khai mạc sáng 21/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Duy trì trật tự quốc tế và xây dựng hòa bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Bốn chủ đề lớn của diễn đàn là: Quan hệ giữa các nước lớn và trật tự quốc tế; Quản lý và kiểm soát rủi ro an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Lợi ích và an ninh chung của các nước vừa và nhỏ: Hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và ổn định toàn cầu.
Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh lần thứ 9 khai mạc sáng 21/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh lần thứ 9 khai mạc sáng 21/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bắc Kinh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tối ngày 20/10, tại bữa tiệc chào mừng các đại biểu với sự có mặt của ông Lật Chiến Thư - Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc -  ông Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã có bài phát biểu. Ông nói: “Tại đây, bất kể nước lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, gần hay xa đều có thể lên tiếng, mọi quan điểm đều có thể được đưa ra, thoát ra ngoài những kiêu ngạo và định kiến, cùng nhau tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt; ở đây chỉ đối thoại, không đối đầu, kiên trì giúp đỡ, tin tưởng lẫn nhau, từ bỏ luật rừng, thúc đẩy vận mệnh chung của nhân loại trên con đường hòa hợp”. Đồng thời, ông nhấn mạnh: “Nếu đi vào con đường đối đầu, bất kể đó là chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, đều sẽ không có lối thoát”.

Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc phát biểu tại tiệc chiêu đãi các đại biểu tối 20/10
Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc phát biểu tại tiệc chiêu đãi các đại biểu tối 20/10

Sáng 21/10, khai mạc diễn đàn, ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), Ủy viên Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đọc thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi chúc mừng diễn đàn. Ông cho rằng, hòa bình là kỳ vọng vĩnh cửu của nhân loại. Trung Quốc kiên trì thúc đẩy hợp tác thông qua đối thoại, dùng hợp tác thúc đẩy hòa bình và lấy hòa bình đảm bảo phát triển.

Ông Tập Cận Bình viết: “Trước các mối đe dọa an ninh phức tạp, các quốc gia cần đoàn kết chặt chẽ, giữ vững hệ thống quốc tế lấy LHQ là nòng cốt, không ngừng hoàn thiện quan hệ đối tác an ninh kiểu mới, thúc đẩy xây dựng khuôn khổ an ninh phù hợp với sự phát triển thực tế của khu vực và thúc đẩy tốt hơn hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đóng góp mới và nhiều hơn để thúc đẩy phát triển hòa bình thế giới và xây dựng một cộng đồng vận mệnh nhân loại.

Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đã nêu quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề của Trung Quốc và quốc tế.

Về vấn đề thống nhất Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa nói: “Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới vẫn chưa thực hiện được hoàn toàn thống nhất đất nước. Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện thống nhất hoàn toàn Tổ quốc là xu thế lớn, đại nghĩa, lòng người mong muốn; không có bất cứ ai, bất cứ thế lực nào có thể ngăn cản được”. Ông nói: “Trung Quốc ra sức thúc đẩy sự phát triển hòa bình quan hệ hai bên eo biển và thúc đẩy tiến trình thống nhất hòa bình Trung Quốc, nhưng chúng tôi quyết không cho phép chấp nhận rủi ro bởi các phần tử  “Đài Loan độc lập”, quyết không ngồi nhìn các lực lượng bên ngoài nhúng tay can thiệp. Thống nhất Tổ quốc là con đường đúng đắn, chia tách chỉ là đi vào ngõ cụt”.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu khai mạc diễn đàn
Bộ trưởng Quốc phòng  Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu khai mạc diễn đàn

Liên quan đến tranh chấp với các nước xung quanh, ông Ngụy Phượng Hòa lặp lại luận điệu cũ: “Các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông – NV), đảo Điếu Ngư (Senkaku tranh chấp với Nhật –NV) và các đảo chi nhánh của nó đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, là vùng đất của tổ tiên chúng tôi để lại, chúng tôi không thể để mất một tấc....Quân đội chúng tôi hoàn toàn tự tin và có năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, cung cấp hỗ trợ chiến lược để thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. (Rõ ràng người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn tỏ ra cố tình không hiểu một sự thật chân lý là Việt Nam "có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa" và "mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và không có giá trị". Phải nhấn mạnh rằng tuyên bố của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa - NV).

Ông Ngụy Phượng Hòa cũng nói “chính sách cây gậy lớn” và “nới dài tay quản lý” không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào và gây áp lực trừng phạt cũng rất khó đạt được mục đích; Trung Quốc không chấp nhận và không sợ”.

Ông Ngụy nói, trong quan hệ giữa các quốc gia không thể tránh khỏi việc này việc khác. Có sự khác biệt không đáng sợ. Then chốt là tăng cường tiếp xúc chiến lược và kiểm soát tốt rủi ro.  

Ông cũng nói, từ góc độ của các cuộc chiến tranh cục bộ trong thời gian gần đây, việc sử dụng vũ lực không giải quyết được vấn đề, mà dẫn đến gia tăng mâu thuẫn và cục diện hỗn loạn. Chỉ dùng cách kiên trì đối thoại, không đối đầu, đàm phán giải quyết các vấn đề trên cơ sở bình đẳng, mới có thể tránh được những nghi kỵ, xung đột và đi đúng hướng.

Ông Ngụy Phượng Hòa cũng nói, bên ngoài can thiệp vào các vấn đề khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, kích động “cách mạng màu” và thậm chí lật đổ chính quyền hợp pháp của quốc gia khác là nguồn gốc gây nên sự hỗn loạn và chiến tranh khu vực.

Các đại biểu tham dự diễn đàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Trong bài phát biểu, ông Ngụy cũng tái khẳng định: “Sự phát triển của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào. Dù phát triển đến mấy, Trung Quốc cũng vĩnh viễn không xưng bá, không bành trướng, không mưu tìm phạm vi thế lực”. Ông nói: “Đi con đường phát triển hòa bình đã được đưa vào Hiến pháp và Điều lệ Đảng chúng tôi, cũng là quốc sách chúng tôi luôn quán triệt, không nên đánh giá thấp hoặc nghi ngờ điều này”.

Được cho là ám chỉ Mỹ, ông Ngụy đã không nêu tên phê phán “có quốc gia bên ngoài khu vực thực hiện chiến lược an ninh hại người, mưu đồ bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, xây dựng liên minh quân sự nhằm đối phó quốc gia khác, làm gia tăng tính không xác định cho an ninh khu vực; chúng tôi kiên quyết phản đối điều này”.

Ông Ngụy Phượng Hòa cũng nói: “Trong quan hệ quân sự đối ngoại của Trung Quốc, quan hệ quân sự Trung - Nga có mức độ tin cậy lẫn nhau cao nhất, hợp tác chiến lược tốt nhất, hợp tác thực dụng sâu sắc nhất, giữ vững xu thế tốt, trở thành mẫu mực của hợp tác an ninh và là hòn đá tảng quan trọng để bảo vệ hòa bình thế giới. Quan hệ quân sự Trung - Mỹ nói chung ổn định, nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Hai quân đội cần tăng cường hợp tác trong tiếp xúc chiến lược, tăng cường tin tưởng lẫn nhau, kiểm soát xu hướng; nỗ lực thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ dựa trên sự phối hợp và hợp tác ổn định”.

Về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, ông Ngụy Phượng Hòa nói: “Mọi người đều rất quan tâm đến cuộc xung đột mậu dịch Trung-Mỹ. Cuộc chiến thương mại không tốt cho cả hai nước; chỉ có kẻ thua, không có người thắng. Cách đây không lâu, vòng thứ 13 của cuộc đàm phán cấp cao về thương mại Trung - Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết đúng đắn các vấn đề cùng quan tâm và ngăn chặn xung đột leo thang thông qua đối thoại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu phát biểu tại phiên khai mạc sáng 21/10
Bộ trưởng Quốc phòng  Nga Sergey Shoigu phát biểu tại phiên khai mạc sáng 21/10

Bộ trưởng Quốc phòng Nga lên tiếng

Trong lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Hương Sơn, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã phát biểu trong phiên họp toàn thể đầu tiên với chủ đề “Quan hệ nước lớn và trật tự quốc tế”, phê phán sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương  do Mỹ khởi xướng đã phá hoại hợp tác đa phương.

Ông Shoigu cho biết, đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sáng kiến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương do một số quốc gia đề xuất đặc biệt thú vị. Nga nghi ngờ về điều này, đặc biệt là về định nghĩa của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không có giải thích địa lý rõ ràng, không có điều kiện cụ thể để tham gia sáng kiến và các mục tiêu chiến lược cũng rất mơ hồ.

Ông cho rằng sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng không bao gồm tất cả các quốc gia trong khu vực, điều này dẫn đến sự hình thành các liên minh lợi ích, không phù hợp với mục tiêu hình thành một không gian an ninh duy nhất, không thể chia cắt và cũng sẽ phá hoại sự vận hành của hệ thống hợp tác đa phương khu vực. Ông cũng cho rằng, nguyên nhân chính của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung là nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc.  

Theo các tư liệu công khai, kể từ khi khởi xướng năm 2006 đến nay, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh đã được tổ chức 9 lần. Diễn đàn Hương Sơn là một diễn đàn về “Hợp tác an ninh quốc tế và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Hội Khoa học quân sự Trung Quốc khởi xướng và phối hợp với Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc tổ chức. Khi mới lập ra năm 2006, cứ hai năm tổ chức một lần, là diễn đàn không chính thức. Tuy nhiên măm 2014, sau khi ông Tập Cận Bình chủ trì Quân ủy đã phê chuẩn nâng cấp lên thành một diễn đàn bán chính thức, trở thành diễn đàn đối thoại về quốc phòng và an ninh quốc tế do Trung Quốc tổ chức có nhiều quốc gia tham dự nhất.

Cũng từ năm 2014, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh được tổ chức hàng năm. Đại biểu tham dự được mở rộng thành phần gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng và chỉ huy quân đội các quốc gia trong, ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các đại biểu tổ chức quốc tế, các cựu chính trị gia, cựu tướng lĩnh và các học giả nổi tiếng.

Đáng chú ý, năm 2017, Trung Quốc đã hủy bỏ Diễn đàn Hương Sơn của năm đó. Theo các quan chức cấp cao của Trung Quốc, nguyên nhân hủy bỏ là Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc tham gia vào công tác chuẩn bị của diễn đàn khi đó đang được tổ chức lại. Ngoài ra, năm ấy cũng là dịp trước Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, giới lãnh đạo cấp cao của đảng, Quân ủy Trung ương và Viện Khoa học Quân sự cũng đang trong quá trình thay thế.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hội đàmvới Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Teabanh bên lề Diễn đàn Hương Sơn chiều 20/10
Bộ trưởng Quốc phòng  Trung Quốc hội đàmvới Bộ trưởng Quốc phòng  Campuchia Teabanh bên lề Diễn đàn Hương Sơn chiều 20/10

Một số nhà phân tích cho rằng Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức nhằm cạnh tranh với địa vị của Đối thoại của Shangri-La. Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore, một trong những trung tâm địa chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là cuộc đối thoại được Mỹ ngầm hỗ trợ. Còn Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm và ủng hộ, có thêm sự tham gia và ủng hộ của các nước Đông Bắc Á và Tây Á.

Tại Diễn đàn lần thứ 9 năm nay, theo thông báo của ban tổ chức, có hơn 530 đại biểu từ 76 phái đoàn chính thức đã nhận lời tham dự, bao gồm 23 Bộ trưởng quốc phòng, 6 Tổng tham mưu trưởng quân đội các nước và 8 tổ chức quốc tế. Trong số đó có các Bộ trưởng quốc phòng Nga, Việt Nam, Campuchia, Singapore, Mông Cổ, UAE, Uganda, Myanmar, Nepan, Ai Cập....Triều Tiên và Hàn Quốc cử Thứ trưởng Quốc phòng. Nhật Bản được đại diện bởi Phó Giám đốc Học vụ của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản. Đại diện của Mỹ không cao nhưng rất quan trọng và rất đáng chú ý là Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chad Sbragia, người là quân nhân nghỉ hưu, phụ trách các vấn đề về Trung Quốc. Chức vụ Phó trợ lý Bộ trưởng của ông Sbragia mới được Bộ Quốc phòng Mỹ bổ sung vào tháng 6 năm nay.  

Pháp, Australia, New Zealand ... chỉ cử các quan chức cấp Cục của Bộ Quốc phòng tham gia; Đức và Vương quốc Anh cử các tùy viên quân sự tại Bắc Kinh và giám đốc các viện nghiên cứu không chính thức tham dự. Trong số các nước phương Tây được mời, Canada không cử đoàn đại biểu chính thức đến tham dự.

(Tổng hợp theo báo chí tiếng Trung)