Trung Quốc nhử “hổ lớn” rời hang bằng luân chuyển cán bộ để chặt đứt vây cánh

VietTimes -- Trung Quốc dùng thủ thuật luân chuyển cán bộ để hổ lớn ra khỏi hàng ổ, trở nên cô đơn, từ đó dễ dàng bị bắt. Đây là đợt chống tham nhũng lớn thứ hai trong Quân đội Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc.

Điệu hổ ly sơn

Tờ Đa Chiều ngày 27/8 cho rằng sau một khoảng thời gian "yên ắng", cuộc chiến chống tham nhũng trong Quân đội Trung Quốc bộc lộ sẽ có động thái lớn. Nếu thông tin chính xác, "con cọp lớn" này sẽ là tướng đương chức lần đầu tiên bị "chém" trong Quân đội Trung Quốc.

Tờ Nam Hoa buổi sáng cho biết ngày 25/8, Thượng tướng Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, Quân ủy Trung ương Trung Quốc do vi phạm kỷ luật Đảng, đã bị bắt trong thời gian thị sát ở Thành Đô, Trung Quốc; vợ và thư ký của ông ta cũng bị bắt cùng ngày ở Bắc Kinh.
Ngoài ra, Tô Hải Huy, Trưởng Ban huấn luyện Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc, trước từng là thư ký của Vương Kiến Bình cũng bị bắt.

Tài liệu công khai cho biết, Vương Kiến Bình là tư lệnh Lực lượng cảnh sát vũ trang Quân đội Trung Quốc trong giai đoạn 2009 - 2014. Trong quá trình công tác, Vương Kiến Bình cũng được cho là đồng phạm cấp dưới của các ông Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, do đó cuối cùng đã bị ngã ngựa.

Thượng tướng Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc bị bắt ngày 25/8/2016, được cho là thân tín của Chu Vĩnh Khang - nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị phạt tù chung thân vì tội tham nhũng. Ảnh Đa Chiều.
Thượng tướng Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc bị bắt ngày 25/8/2016, được cho là thân tín của Chu Vĩnh Khang - nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị phạt tù chung thân vì tội tham nhũng. Ảnh Đa Chiều.

Nguồn tin cho hay, nhà chức trách Trung Quốc đã điều chuyển công tác đối với Vương Kiến Bình vào năm 2014 với mục đích chính là để điều ông ta ra khỏi căn cứ quyền lực của Lực lượng cảnh sát vũ trang.

Đa Chiều coi cách làm này là thủ đoạn "điệu hổ ly sơn" và đã khiến cho họ Vương ngã ngựa, theo đó, căn cứ quyền lực của Lực lượng cảnh sát vũ trang có thể sẽ đứng trước một đợt thanh trừng mới.

Cùng với việc thanh lọc những "di họa", Quân đội Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục bị chỉnh đốn. Được biết, việc chỉnh đốn cải cách đoàn văn công được tiếp tục tiến hành, đã có một số thành viên bắt đầu ngã ngựa.

Nhưng, về vấn đề này, trong cuộc họp báo ngày 26/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hoàn toàn không phản hồi trực tiếp. Người phát ngôn cho biết: Đợt cải cách quân đội lần này kiên trì từ trên xuống dưới, thực hiện theo từng bước, thúc đẩy thống nhất nhiệm vụ cải cách theo các giai đoạn... Về việc cải cách đoàn văn công quân đội, sẽ công bố thông tin một cách thích hợp.

Việc trả lời mơ hồ này đã gây tò mò cho dư luận. Có người cho rằng rất nhiều đoàn văn công trong Quân đội Trung Quốc có thể được sáp nhập, đổi tên, cắt giảm biên chế; tất cả các đoàn văn công sẽ bị cấm hoạt động thương mại. Thời đại đoàn văn công với tư cách là trụ cột của văn hóa đại chúng Trung Quốc và bộ mặt của Quân đội Trung Quốc có thể kết thúc.

Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bị phạt tù chung thân vì tham nhũng. Ảnh: Đa Chiều.
Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc bị phạt tù chung thân vì tham nhũng. Ảnh: Đa Chiều.

Trung Quốc mạnh tay với quan tham địa phương

Trung Quốc tiếp tục chống tham nhũng trong quân đội khiến cho giới quan chức liên tục bị chấn động. Trong 1 tuần qua, phó chủ tịch thành phố Thiên Tân, ông Doãn Hải Lâm đã bị tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, đang bị tiến hành điều tra.

2 ngày sau, ủy ban kiểm tra kỷ luật của thành phố Thiên Tân lại tiến hành lập hồ sơ điều tra vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Lư Vượng, bí thư đảng ủy thị xã Hứa Gia Đài.

Mã Dũng, nguyên phó tổng thư ký tỉnh ủy Hồ Nam bị xét xử vì tội giúp đỡ một nhân viên phục vụ nữ của một khách sạn ở Ích Dương trở thành viên chức nhà nước.

Vụ án nhận hối lộ của Lý Kiệt, nguyên phó chủ tịch thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam được tuyên án công khai. Theo thống kê, Lý Kiệt đã nhận hối lộ tổng cộng 9 triệu nhân dân tệ.

Lý Kiệt, nguyên phó chủ tịch thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Lý Kiệt, nguyên phó chủ tịch thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Ba tỉnh đông bắc Trung Quốc cũng xảy ra tham nhũng nặng. Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hắc Long Giang đã tiến hành điều tra đối với Triệu Thắng Lợi, nguyên bí thư thành ủy Triệu Đông do các vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng như vi phạm kỷ luật chính trị, chống đối điều tra, giao dịch “tiền - tình”.

Kỳ Minh, nguyên phó chủ tịch thành phố Thẩm Dương cùng với Ngô Dã Tùng, nguyên bí thư thành phố Thiết Lĩnh (hai thành phố này đều thuộc tỉnh Liêu Ninh) vừa ngã ngựa không lâu, thì Trịnh Ngọc Trác, phó chủ tịch Ban thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh đã bị khai trừ đảng và chức vụ do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng với tội danh mua chuộc phiếu bầu của cử tri.

So với các động thái chống tham nhũng hời hợt của các khu vực khác, tỉnh Liêu Ninh trở thành tỉnh bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương điểm danh đặc biệt. Ngày 25/8, trang tin của ủy ban này đã công bố thông báo của tỉnh Liêu Ninh, trong đó đề cập đến việc thực hiện các quyết định của Trung ương cho có lệ, thậm chí đối lập.

Chiều cùng ngày, trong phân tích vụ án do WeChat chính thức của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương công bố tiếp tục đề cập đến việc làm trái phương châm chính sách của Trung ương. Đối tượng được đề cập tới 2 lần trong 1 ngày như vậy chính là Vương Mân, nguyên bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh.

Triệu Thắng Lợi, nguyên bí thư thành ủy Triệu Đông, tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: Báo Tin tức Tài chính Trung Quốc.
Triệu Thắng Lợi, nguyên bí thư thành ủy Triệu Đông, tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: Báo Tin tức Tài chính Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là cùng với việc tập trung chống tham nhũng 3 tỉnh đông bắc, Trung Quốc cũng tập trung “chữa thương” cho các tỉnh này.

Ngày 22/8, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc công bố “Phương án thực hiện 3 năm thúc đẩy chấn hưng các cơ sở công nghiệp cũ như khu vực đông bắc” (2016 - 2018), xác định rõ 137 công tác trọng điểm và 127 hạng mục quan trọng, tổng quy mô đầu tư khoảng 16.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2.496 tỷ USD).

Vốn đầu tư sẽ do Trung ương, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp liên quan đảm đương để bảo đảm cho các hạng mục có thể thực hiện đúng hạn.

Nhưng, là đầu tàu của kinh tế khu vực đông bắc, các doanh nghiệp nhà nước lại hầu như đang trở thành vật cản. Theo thống kê, tài sản doanh nghiệp của các doanh nghiệp 3 tỉnh đông bắc chiếm tới khoảng hoặc trên 50%, cải cách doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là về thể chế.