Trung Quốc: Nghiên cứu bất ngờ về “nghiện điện thoại” ở các bậc cha mẹ có nhiều con

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nghiên cứu được thực hiện tại nhiều gia đình sống ở Bắc Kinh, với các nhóm tuổi, nền tảng giáo dục và thu nhập khác nhau.
Hành khách sử dụng điện thoại thông minh khi đi tàu điện ngầm ở Vũ Hán ngày 1 tháng 5 (ảnh: Bloomberg)
Hành khách sử dụng điện thoại thông minh khi đi tàu điện ngầm ở Vũ Hán ngày 1 tháng 5 (ảnh: Bloomberg)

Ngày nay, việc tách rời khỏi điện thoại thông minh là một điều thực sự khó khăn. Điện thoại đã gắn bó mật thiết với cuộc sống mỗi người. Nó gắn kết tới mức nhiều người đã trở nên “nghiện” điện thoại, cảm thấy cực kỳ trống vắng và tẻ nhạt nếu không được cầm điện thoại trên tay.

Một nghiên cứu mới đây ở Trung Quốc đã cho thấy mức độ nghiện điện thoại thông minh ở mỗi người phụ thuộc vào các yếu tố tình dục, thu nhập và giáo dục.

Nam giới dễ nghiện điện thoại hơn nữ giới

Nam giới ở Bắc Kinh dễ bị nghiện điện thoại di động hơn nữ giới. Đây là kết luận được công bố trong cuốn Sách Xanh về tinh thần xã hội Bắc Kinh – một nghiên cứu thường niên do Tạp chí Khoa học Xã hội Trung Quốc thực hiện.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc nghiện điện thoại có thể khiến con người bị căng thẳng. Ở mức độ tồi tệ hơn sẽ là lo lắng và trầm cảm. Nghiên cứu vừa được công bố cho thấy sự khác biệt về mức độ nghiện điện thoại giữa hai giới là rất nhỏ.

Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố rộng rãi, nó đã làm nổ ra những cuộc tranh cãi giữa hai giới.

“Các bà mẹ phải chăm con trong khi các ông bố nằm ôm điện thoại” – một trong những bình luận nổi bật trên Weibo.

“Bởi vì hầu hết đàn ông không làm bất cứ điều gì. Họ chỉ về nhà và chơi trò chơi trên điện thoại. Họ không bao giờ nghĩ đến việc giúp vợ làm việc nhà”, một phụ nữ bình luận.

Trong khi những lời phàn nàn như vậy khá phổ biến, thì nhiều người khác đã nhanh chóng phản bác lại những gì được họ coi là định kiến giới.

“Ngày nay, rất nhiều ứng dụng hữu ích được tích hợp trên điện thoại, vì vậy chúng tôi buộc phải sử dụng chúng”, “Tôi thấy âm thanh của điện thoại thông minh thật đáng sợ và căng thẳng”.

“Không cần thiết phải chê bai đàn ông. Thế giới có rất nhiều người đàn ông và phụ nữ vô trách nhiệm. Dù là đàn ông hay phụ nữ, phần lớn chúng ta đều dùng điện thoại để thư giãn sau một ngày bận rộn”.

Người nhiều con dễ nghiện điện thoại hơn người ít con

Một phụ nữ xem điện thoại tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh. Một nghiên cứu mới cho thấy chứng nghiện điện thoại thông minh có liên quan đến số lượng trẻ em mà một người sinh ra ( ảnh: AP)
Một phụ nữ xem điện thoại tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh. Một nghiên cứu mới cho thấy chứng nghiện điện thoại thông minh có liên quan đến số lượng trẻ em mà một người sinh ra (ảnh: AP)

Nghiên cứu cũng cho thấy chứng nghiện điện thoại có liên quan đến số lượng trẻ em mà một bậc cha mẹ sinh ra. Một người nuôi 3 đứa trẻ trở lên sẽ nghiện điện thoại hơn những người ít hoặc không có con.

Trong số những người ở độ tuổi trưởng thành, những người từ 21 đến 30 tuổi nghiện điện thoại nhất. Những người thất nghiệp hoặc kiếm được mức lương hàng tháng từ 2.200 USD đến 2.900 USD cũng dán mắt vào màn hình điện thoại của họ nhiều hơn. Trong khi đó, những người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc thích ứng với các thiết bị kỹ thuật số hiện đại.

Khoảng cách kỹ thuật số giữa nông thôn và thành thị Trung Quốc đang được thu hẹp hơn bao giờ hết nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh. Mặc dù người dân nông thôn tiếp cận với thiết bị di động muộn hơn, nhưng nghiên cứu nói trên cho thấy họ nghiện điện thoại di động hơn người thành thị.

Nhưng ở bất cứ nơi nào, thành thị hay nông thôn Trung Quốc, người dân cũng thừa nhận rằng họ không thể tách rời khỏi điện thoại thông minh. Trong một cuộc thăm dò trực tuyến được Sina thực hiện vào tuần trước, hơn một nửa trong số 8.000 người được hỏi cho biết họ “gần như không thể bỏ điện thoại”. Chỉ có 200 người nói rằng họ không sử dụng điện thoại cho mục đích ngoài công việc.