Theo hãng tin Newsweek, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành việc kiểm duyệt thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội có liên quan đến vụ "Hồ sơ Panama" khi một lượng lớn người thuộc tầng lớp thượng lưu của nước này dính líu đến vụ việc.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội Sina Weibo và Wechat tại Trung Quốc cho biết chính quyền đã xóa hàng trăm bài viết liên quan đến vụ rò rỉ chứng từ thuế từ công ty luật Mossack Fonseca tại Panama trong ngày 4.4. "Hồ sơ Panama" là kết quả của một cuộc điều tra kéo dài do tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung và Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp tiến hành.
Hãng tin BBC phát hiện hơn 481 cuộc thảo luận trên Weibo về "Hồ sơ Panama" đã bị biến mất. Trong khi đó, theo Freeweibo.com, một trang web chuyên theo dõi hoạt động kiểm duyệt tại Trung Quốc, “Panama” là từ bị kiểm duyệt xếp thứ 2 vào ngày 4.4.
Nhân vật nổi bật nhất tại Trung Quốc có liên quan đến vụ rò rỉ chứng từ thuế là ông Đặng Gia Quý (Deng Jiagui), anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Đặng đã thành lập các “công ty ma” tại nước ngoài để tiến hành hoạt động rửa tiền lên đến hàng trăm triệu USD.
Không phải tất cả những khoản tiền gửi ở nước ngoài hay thành lập các công ty bên ngoài quốc gia là phạm pháp, nhưng nhiều người sử dụng các “công ty ma” để che giấu quỹ đen hoặc trốn thuế.
Các tài liệu chứng từ rò rỉ cũng liên quan đến con gái của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, bà Lý Tiểu Lâm (Li Xiaolin). Bà Lý Tiểu Lâm được giới truyền thông Trung Quốc gọi là “Nữ hoàng năng lượng”, hiện giữ chức Phó chủ tịch Tập đoàn Năng lượng nhà nước Trung Quốc Power Investment Corp.
Bà Lý là chủ sở hữu một công ty thành lập tại Virgin Islands (Anh) khi cha của bà là thủ tướng Trung Quốc. Luật sư của bà Lý không bình luận về những thông tin rò rỉ liên quan đến nhân vật này, nhưng cho rằng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh tại nước ngoài đều được tôn trọng.
Vụ rò rỉ chứng từ thuế Panama xảy ra trong thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, được gọi là “đả hổ đập ruồi”. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc này đã hướng mục tiêu chống tham nhũng vào hàng trăm quan chức chính phủ, quân đội và các công ty nhà nước.
Theo Newsweek, Một thế giới