Trung Quốc muốn chặn doanh nhân ôm tiền bẩn chạy ra nước ngoài

VietTimes -- Trung Quốc muốn bắt bớ tội phạm tham nhũng, nhưng nhiều nước G20 có chính sách thu hút đầu tư, trở thành nơi "chứa chấp" tội phạm tham nhũng (từ TQ), tình hình thực tế thúc đẩy hợp tác quốc tế chống tham nhũng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ thái độ kiên quyết chống tham nhũng. Ảnh: Đại Công báo, Hồng Kông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ thái độ kiên quyết chống tham nhũng. Ảnh: Đại Công báo, Hồng Kông.

Tờ Đô thị phương Nam Trung Quốc ngày 3/9 cho rằng tại nhiều Hội nghị thượng đỉnh G20, Trung Quốc từ ủng hộ tăng cường hợp tác chống tham nhũng quốc tế, đến tích cực thúc đẩy hợp tác thực chất, rồi đến từng bước đưa ra "phương án Trung Quốc" cho hợp tác quốc tế trong chống tham nhũng.

Tại sao Trung Quốc coi trọng hợp tác quốc tế trong chống tham nhũng như vậy? Bởi vì tham nhũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, vấn đề tham nhũng đã trở thành "kẻ thù chung" của các nước, hơn nữa, cũng có quan hệ trực tiếp đến vấn đề nan giải trong chống tham nhũng của Trung Quốc hiện nay.

G20 mặc dù chỉ có 20 nước thành viên, nhưng dân số của 20 nước này chiếm 2/3 thế giới, tổng GDP chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu.

Giáo sư Hoàng Phong từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng do đa số các nước G20 là nước phát triển, điều kiện kinh tế, môi trường tự nhiên tương đối tốt, có sức thu hút tương đối mạnh ở góc độ di dân nước ngoài.

Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng dưới thời Tập Cận Bình. Ảnh: Đa Chiều
Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng dưới thời Tập Cận Bình. Ảnh: Đa Chiều

Đồng thời, các nước như Mỹ, Canada, Australia tương đối cởi mở trong chính sách di dân, có nước còn có chính sách ưu đãi đối với dân di cư là nhà đầu tư. Không ít người chạy ra nước ngoài đã đi theo "đường tắt" này để ôm tiền chạy ra nước ngoài.

"Những người chạy ra nước ngoài đều coi trọng có thể dựa vào các điều luật của một số nước để đến, qua đó có thể đối phó với các đề nghị bắt giữ, dẫn độ của cơ quan tư pháp Trung Quốc" – nhà nghiên cứu Hoàng Phong nhấn mạnh.

Nhìn vào top 100 đối tượng chạy ra nước ngoài được Cục trung tâm quốc gia Trung Quốc của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế công bố năm 2015, trong 100 người này có tới 76 người chạy tới các nước G20, chủ yếu là Mỹ, Canada, Australia.

Số liệu cho thấy, danh sách top 100 người chạy ra nước ngoài có 40 người lấy Mỹ làm điểm đến, có 26 người lấy Canada làm điểm đến, còn có 10 người lấy Australia làm nơi đặt chân.

Thực trạng truy bắt ở nước ngoài khó khăn thúc đẩy hợp tác đa phương

Do các nguyên nhân như hệ thống tư pháp các nước khác nhau, khó có thể ký kết thỏa thuận dẫn độ với tất cả các nước, Trung Quốc cũng đối mặt tình hình khó khăn thực tế trong việc truy bắt tội phạm và truy tìm tang vật phạm tội ở nước ngoài.

Năm 2015, sau khi danh sách top 100 người chạy ra nước ngoài được công bố, hiện đã có 33 người đã bị bắt giữ đưa về nước, trong đó bắt giữ 20 người từ các nước G20.

Trung Quốc muốn làm cho quan chức sợ không dám tham nhũng. Ảnh: news.hebei.com.cn
Trung Quốc muốn làm cho quan chức sợ không dám tham nhũng. Ảnh: news.hebei.com.cn

Đến nay vẫn còn 67 người chưa thể bắt giữ mang về nước, vẫn còn hơn 50 người ẩn náu ở các nước G20. Điều này có nghĩa là trong việc truy bắt tội phạm và truy tìm tang vật ở nước ngoài tiếp theo, hợp tác với các nước G20 rất quan trọng.

Trung Quốc nhận thấy rằng nước cần nhanh chóng ký kết hiệp định dẫn độ với các nước khác, cùng với hiệp định hỗ trợ tư pháp, mở rộng đồng bộ kênh hợp tác đa phương quốc tế.

Giáo sư Hoàng Phong cho rằng, đối với những nước còn chưa ký kết hiệp định dẫn độ, trong việc truy bắt xuyên quốc gia, dựa vào các điều khoản ký kết bằng kênh hợp tác đa phương quốc tế cũng sẽ có tác dụng nhất định.

Ngoài ra, thúc đẩy nhiều nước cùng thừa nhận một nguyên tắc nào đó trong hợp tác đa phương quốc tế cũng có vai trò hỗ trợ rất lớn đối với việc hai nước dựa trên nguyên tắc này, tiếp tục đi sâu hợp tác, xây dựng cơ chế hợp tác liên quan.

Giáo sư Trần Chí Quân từ Viện Luật, Đại học Công an nhân dân Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc có khi đã dựa vào Công ước chống tham nhũng Liên hợp quốc, yêu cầu Mỹ thực hiện nghĩa vụ thành viên công ước này khi đưa ra đề nghị hỗ trợ hình sự quốc tế với Mỹ.

G20 hợp tác chống tham nhũng hướng tới thiết thực

G20 ra đời với mục đích trước tiên là giải quyết vấn đề phát triển kinh tế. Trong thảo luận vấn đề này, các vấn đề liên quan đến tham nhũng luôn xuất hiện:

Sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi đó nhóm G20 lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh, đưa vào tuyên bố hội nghị nội dung "thúc đẩy sự toàn vẹn của thị trường tài chính, dự phòng các hành vi thao túng thị trường, lừa đảo và các hành vi lạm dụng quyền lực".

Tướng tự sát Trần Kiệt bị tình nghi do liên quan đến ông Tập Cận Bình đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng đợt hai trong Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Minh Kính, Hồng Kông.
Tướng tự sát Trần Kiệt bị tình nghi do liên quan đến ông Tập Cận Bình đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng đợt hai trong Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Minh Kính, Hồng Kông.

Sau đó, hợp tác chống tham nhũng quốc tế trong khuôn khổ G20 từng bước hướng tới "thiết thực". Hội nghị thượng đỉnh Pittsburgh tổ chức năm 2009 bắt đầu thảo luận riêng về vấn đề chống tham nhũng;

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Toronto năm 2010 đã quyết định thành lập nhóm công tác chống tham nhũng, tập trung hợp tác quốc tế chống tham nhũng, quản lý, giám sát tình hình cuộc chiến chống tham nhũng của các nước thành viên G20.

Hội nghị thượng đỉnh năm 2014 là hội nghị có ý nghĩa cột mốc, phê chuẩn kế hoạch hành động chống tham nhũng năm 2015 - 2016, đồng ý xây dựng mạng lưới hợp tác chống tham nhũng trong khuôn khổ G20, giữa các nước thành viên đưa ra quy định trả lại tài sản tham nhũng, từ chối cung cấp nơi ẩn náu cho các quan chức tham nhũng.

Đối với việc thúc đẩy từng bước hợp tác quốc tế chống tham nhũng trong G20, nhà nghiên cứu Hòa Tịnh Quân từ Hội nghiên cứu Sát Cáp Nhĩ cho rằng các nỗ lực chung của hội nghị thượng đỉnh G20 phần nào làm cho các nước thành viên trước đây từng được mệnh danh là "thiên đường che chở" cảm thấy áp lực, ngày càng nhiều nước thành viên nhận thức được tầm quan trọng và tính hiệu quả của chống tham nhũng bằng "hành động tập thể".

Hơn nữa, cùng với việc nâng cao nhận thức, hành động tập thể chống tham nhũng của G20 cũng từ chủ yếu nhằm vào tội phạm kinh doanh ban đầu chuyển sang chống lại tất cả các loại tội phạm kinh tế trong nước và xuyên quốc gia, đồng thời triển khai hợp tác ở mức độ tối đa trong các hành động phối hợp truy tìm tội phạm và tang vật.